Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam phải trình Bộ Chính trị cho ý kiến

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam phải được trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương cho ý kiến và trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về phương án nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam hồi đầu tháng 3/2019.

Theo Phó thủ tướng, hành lang Bắc - Nam kết nối 2 trung tâm kinh tế, chính trị lớn Hà Nội và TP.HCM, đi qua 20 tỉnh/thành phố (chiếm 61% GDP cả nước), có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng, thể hiện ý nguyện dân tộc về sự thống nhất của đất nước. Việc kết nối đồng bộ trên hành lang Bắc - Nam, đặc biệt là kết nối về hạ tầng giao thông có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Năng lực vận tải tuyến Bắc - Nam thiếu hụt lớn

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng những năm qua, các phương thức vận tải trên hành lang Bắc - Nam chưa được khai thác và kết nối một cách cân đối, đồng bộ.

Cụ thể, trong khi vận tải đường bộ, hàng không quá tải, thì vận tải đường thủy lại chưa phát huy được hiệu quả vốn có, vận tải đường sắt lạc hậu... dẫn đến chi phí vận tải tăng cao, báo động về tình trạng ô nhiễm môi trường và gia tăng tai nạn giao thông, ảnh hưởng đến việc đi lại và chất lượng cuộc sống của người dân.

duong sat toc do cao Bac Nam anh 1
Tàu tốc độ cao của Việt Nam dự kiến sử dụng công nghệ tương tự tàu cao tốc Shinkansen của Nhật Bản. Ảnh: Hitravel.

Trong tương lai, năng lực vận tải trên hành lang Bắc - Nam sẽ thiếu hụt lớn nếu chỉ đầu tư vào vận tải đường bộ, hàng không và đường biển theo quy hoạch. Vì vậy, để phân bố lại nhu cầu vận tải trên toàn tuyến và bù đắp năng lực thiếu hụt cần có một phương thức vận tải mới với độ an toàn tin cậy cao, sức chuyên chở hành khách lớn, tốc độ nhanh, thân thiện với môi trường.

Phương thức vận tải này phải đáp ứng yêu cầu về khả năng kết nối hài hòa giữa các loại hình vận tải, thúc đẩy quá trình tái cấu trúc đô thị và phân bố lại dân cư, lao động trên hành lang Bắc - Nam.

Bên cạnh đó, nó còn phải mang lại cơ hội đầu tư, phát triển các ngành sản xuất, công nghiệp, dịch vụ, du lịch và góp phần giải quyết nhu cầu việc làm, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Do vậy, việc nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là hết sức cần thiết.

Còn nhiều ý kiến khác nhau

Vì đây là dự án có quy mô và tổng mức đầu tư lớn, tính chất kỹ thuật phức tạp, khối lượng bồi thường, giải phóng mặt bằng lớn và đi qua nhiều địa phương trên hành lang Bắc - Nam nên Phó thủ tướng yêu cầu quá trình chuẩn bị đầu tư dự án cần phải được nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng để tạo sự đồng thuận cao.

Đặc biệt, dự án phải được trình Hội đồng thẩm định Nhà nước, Thủ tướng, Chính phủ thông qua để xem xét, trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương cho ý kiến và trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

8 điều cần biết về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dự kiến khai thác thử nghiệm từ 2028-2029, di chuyển nhanh gấp 5 lần so với đường sắt cũ.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho hay thời gian qua, Bộ Giao thông và các tổ chức tư vấn đã nỗ lực thực hiện việc nghiên cứu dự án, xin ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học và người dân để hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn những ý kiến khác nhau về kết quả nghiên cứu phương án đầu tư, đặc biệt là việc xác định giai đoạn đầu tư dự án.

Ông yêu cầu làm rõ khả năng cân đối nguồn lực đầu tư dự án trong giai đoạn 2021-2030, hoặc đề xuất đầu tư dự án giai đoạn sau năm 2030 để cân đối nguồn vốn đầu tư phát triển theo từng giai đoạn cho phù hợp. Việc này phải được báo cáo Thủ tướng xem xét để báo cáo các cấp thẩm quyền theo quy định.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi từ các chuyên gia, các nhà khoa học, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp và người dân, thu thập thêm kinh nghiệm các nước đã và đang phát triển đường sắt tốc độ cao để có đủ cơ sở hoàn thiện dự án và tạo sự đồng thuận cao đối với việc đầu tư dự án.

Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã trình Thủ tướng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam dài hơn 1.500 km và đi qua 20 tỉnh, thành có đường sắt đôi khổ ray 1.435 mm, tổng mức đầu tư 1,34 triệu tỷ đồng (tương đương 58,71 tỷ USD). Tốc độ thiết kế tàu chạy 350 km/h, tốc độ khai thác 320 km/h, chia làm 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 dự kiến năm 2020-2032 (tổng vốn 24,7 tỷ USD), giai đoạn 2 dự kiến năm 2032-2050 (tổng vốn 34 tỷ USD).

Trong đó, ngân sách bỏ ra 80% tổng vốn đầu tư hạ tầng, kêu gọi tư nhân đầu tư bằng 20% tổng vốn vào đầu máy toa xe và nhà ga để khai thác thu hồi vốn.

Công nghệ nào cho đường sắt cao tốc Bắc - Nam?

Khi nghiên cứu dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, liên danh tư vấn đề xuất sử dụng công nghệ tàu chạy trên ray để tiết kiệm chi phí và phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm