Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM - HDBank (HDB) - vừa công bố tài liệu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản, trong đó có nội dung liên quan việc tham gia chương trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Cụ thể, HĐQT HDBank đã trình cổ đông thông qua chủ trương nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng thương mại đang được kiểm soát đặc biệt.
Đầu tư tối đa 9.000 tỷ đồng ban đầu
Theo HDBank, việc nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng có thể giúp nhà băng này có cơ hội bứt phá để tăng trưởng quy mô cao hơn.
Đặc biệt, việc hỗ trợ cơ chế ưu đãi bổ sung hạn mức tăng trưởng tín dụng hàng năm khi tham gia tái cơ cấu các tổ chức tín dụng có thể giúp HDBank tăng trưởng đột phá, chiếm lĩnh thị trường và trở thành một trong các ngân hàng top đầu trong 5 năm tới.
Nhà băng này cũng đánh giá với các cơ chế, chính sách hỗ trợ của cơ quan quản lý, HDBank có thể nâng cao năng lực tài chính, thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa rủi ro, đảm bảo an toàn vốn trong hoạt động, hạn chế những ảnh hưởng, tác động có thể xảy ra trong quá trình nhận chuyển giao bắt buộc.
Ngoài ra, việc nhận chuyển giao bắt buộc kể trên cũng không ảnh hưởng tới chính sách cổ tức, phân phối lợi nhuận và các quỹ của ngân hàng. Đồng thời, ngân hàng được nhận chuyển giao cũng được hạch toán độc lập với kết quả kinh doanh của HDBank.
HDBank dự kiến chi tối đa 9.000 tỷ đồng ban đầu để góp vốn vào ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc. Ảnh: Chí Hùng. |
Theo kế hoạch, sau khi HDBank nhận chuyển giao bắt buộc, ngân hàng được nhận chuyển giao sẽ hoạt động dưới hình thức ngân hàng TNHH MTV do HDBank sở hữu 100% vốn. Trong đó, mức vốn góp ban đầu sẽ không quá 9.000 tỷ đồng. Tuy vậy, mức vốn này có thể được góp thêm phù hợp với lộ trình của phương án nhận chuyển giao bắt buộc được NHNN phê duyệt.
Ngân hàng được nhận chuyển giao bắt buộc sẽ là pháp nhân độc lập với HDBank, không thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính, không hợp nhất khi tính tỷ lệ an toàn vốn. Khoản góp vốn của HDBank vào ngân hàng này cũng không phải thực hiện trích lập dự phòng và được loại trừ khi tính giới hạn góp vốn, mua cổ phần.
Trong thời gian thực hiện phương án nhận chuyển giao bắt buộc, HDBank sẽ được xử lý phần vốn góp, xử lý cổ phần dưới các hình thức phù hợp hoặc sáp nhập theo phương án được phê duyệt.
Với kế hoạch kể trên, HĐQT HDBank đề xuất các cổ đông ủy quyền và giao HĐQT quyết định toàn bộ công việc cần thiết để nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng. Trong đó bao gồm quyết định lựa chọn ngân hàng nhận chuyển giao, mức vốn góp, nội dung phương án nhận chuyển giao…
Đua nhau nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng
Thực tế, HDBank không phải ngân hàng đầu tiên công bố kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng đang trong diện kiểm soát đặc biệt. Trước đó, cả Vietcombank và MBBank cũng đã trình cổ đông kế hoạch tương tự.
Tuy nhiên, kế hoạch của Vietcombank và MBBank không yêu cầu ngân hàng phải góp vốn vào ngân hàng yếu kém, trong khi đó, HDBank sẽ thực hiện góp tối đa 9.000 tỷ đồng vào ngân hàng mục tiêu tại thời điểm nhận chuyển giao bắt buộc.
Công ty Chứng khoán SSI cho biết bên cạnh kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng kể trên, HDBank cũng đang đề xuất phát hành trái phiếu tại nước ngoài theo chương trình Euro Medium Term Note (EMTN) với tổng giá trị 900 triệu USD (kỳ hạn 3-10 năm) giai đoạn 2022-2024.
HDBank là ngân hàng tiếp theo sau Vietcombank và MBBank công bố kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng được kiểm soát đặc biệt. Ảnh: Chí Hùng. |
Vì vậy, không loại trừ khả năng một phần số tiền thu được từ đợt phát hành trái phiếu này sẽ dùng để tài trợ cho việc góp vốn vào ngân hàng mục tiêu, đồng thời chuẩn bị cho việc hạn mức tăng trưởng tín dụng được giao cao hơn trong thời gian tới khi tham gia vào chương trình tái cơ cấu của NHNN.
Dù thông tin về ngân hàng dự kiến nhận chuyển giao vẫn chưa được HDBank tiết lộ, việc nhà băng này dự kiến góp trước 9.000 tỷ đồng và tích cực huy động vốn trên thị trường, SSI cho rằng ngân hàng này đang đàm phán các điều khoản, lợi ích tốt hơn trong thương vụ.
Hiện trong 3 ngân hàng được NHNN mua lại với giá 0 đồng, OceanBank và CBBank đã có phương án xử lý chuyển giao bắt buộc cho các ngân hàng thương mại lớn. Vì vậy, nhiều khả năng ngân hàng mà HDBank nhận chuyển giao bắt buộc sẽ là GPBank.
Theo SSI, với các đề xuất liên quan việc hỗ trợ ngân hàng yếu kém, cần phải có ưu đãi đủ lớn để các ngân hàng khỏe có những động lực tham gia vào kế hoạch tái cơ cấu. Vì vậy, đây có thể là những giao dịch tiềm năng với HDBank, Vietcombank và MBBank.
Tuy nhiên, với yêu cầu hỗ trợ vốn ban đầu của ngân hàng mục tiêu, lợi ích ròng kỳ vọng từ thương vụ của HDBank có thể đến chậm hơn so với trường hợp của Vietcombank và MBBank.