Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hãy nhìn thấy chỗ đứng của mình trong tương lai đất nước

Cuộc “chiến đấu” để đưa đất nước thoát khỏi nguy cơ tụt hậu đang cần lắm những bàn tay, khối óc ưu tú. Sự lựa chọn chỗ đứng của thanh niên sẽ quyết định đến tương lai của đất nước.

Ông Vũ Quốc Hùng (nguyên phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra trung ương) đã nói như trên.

“Phải nghiêm túc nhìn xem cán bộ đảng viên của chúng ta đã như thế nào mà thanh niên không muốn vào Đảng”. Đó là day dứt của ông Vũ Ngọc Hoàng - ủy viên Trung ương Đảng, phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo trung ương ngày 21/8.

Việc không ít thanh niên không muốn vào Đảng là có thật.

"Đừng trách thanh niên. Hãy hỏi một bộ phận không nhỏ đảng viên có chức, có quyền đã suy thoái như thế nào để thanh niên trăn trở, suy nghĩ khi nhìn vào họ"

Ông Vũ Quốc Hùng

- Ông Vũ Ngọc Hoàng nói: “Lòng tin của thanh niên có giảm sút”. Ông nghĩ sao?

- Cũng trong những ngày mùa thu cách đây 69 năm, cuộc Cách mạng Tháng Tám đã mở ra trang mới cho lịch sử nước nhà. Lúc bấy giờ Đảng ta chỉ có khoảng 5.000 đảng viên, hiện nay cùng với sự phát triển của cách mạng và của đất nước, toàn Đảng đã có khoảng 3,9 triệu đảng viên.

Sự phát triển đó chắc chắn đến từ kết quả của công tác “bồi dưỡng các thế hệ cách mạng” như lời Bác dặn trước lúc đi xa.

Tuy nhiên, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, chúng ta phải thấy rằng những khó khăn, thách thức trên con đường đi tới của đất nước, của dân tộc còn rất nhiều.

Ông Vũ Quốc Hùng.
Ông Vũ Quốc Hùng.

Đúng như nghị quyết trung ương 4 đã chỉ ra là những yếu kém, khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ.

Chính vì vậy, bên cạnh những bạn trẻ đang phấn đấu và có nguyện vọng được đứng vào hàng ngũ của Đảng, việc không ít thanh niên không muốn vào Đảng là có thật và không phải đến bây giờ mới xuất hiện.

- Như vậy đây là vấn đề xuất hiện từ lâu?

- Tôi xin kể hai câu chuyện thời kỳ tôi còn công tác, nghĩa là cũng đã khá lâu rồi, nhưng tôi xin không nêu rõ tên tuổi vì có thể không tiện cho các nhân vật.

Chuyện thứ nhất, có một vị ủy viên Bộ Chính trị phụ trách công tác dân vận, khi đến làm việc với tổ chức Đoàn thanh niên, vị này đã tâm sự rằng ông có một người con trai không muốn vào Đảng. Khi ông hỏi con trai mình lý do tại sao thì được trả lời rằng Đảng nói chung rất vĩ đại, nhưng Đảng nơi con sinh hoạt không xứng tầm nên con không muốn vào.

Chuyện thứ hai, khoảng thời gian trước thềm Đại hội toàn quốc lần thứ 8 của Đảng, xuất hiện dư luận con em một số đồng chí đang giữ các cương vị lãnh đạo khác nhau không muốn vào Đảng, ví dụ con gái của một đồng chí bí thư Trung ương Đảng. Lúc bấy giờ người con gái này đang làm việc ở một cơ quan thuộc Chính phủ.

Để tìm hiểu cụ thể, tôi mời chị ấy đến gặp để hỏi han, trò chuyện. Chị ấy nói thẳng rằng vào Đảng là để phấn đấu cho một lý tưởng cao đẹp, nhưng chị ấy đã trực tiếp chứng kiến người này, người khác vào Đảng chỉ vì lợi ích cá nhân, cho nên chị ấy không muốn như vậy.

Với tư cách là một đảng viên, mỗi khi nghe nói rằng có bạn trẻ nào đó không muốn vào Đảng, tôi đều thấy rất buồn.

Không nên chỉ lấy tiêu chí đảng viên hay không đảng viên

- Ông có đồng ý rằng hiện tượng nêu trên không phải lỗi ở thanh niên mà chính người lớn phải nhìn lại mình?

- Tôi vào Đảng năm 20 tuổi, khi đang là học sinh lớp 10/10. Lúc bấy giờ các đồng chí ở chi bộ đến hỏi tôi rằng có sẵn sàng vào Đảng để nhận những nhiệm vụ vất vả, nguy hiểm, sẵn sàng hi sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân không?

Với thế hệ chúng tôi ngày ấy, được vào Đảng do Bác Hồ sáng lập và rèn luyện là vinh dự lớn lao của cả cuộc đời. Và tôi nghĩ rằng các bạn trẻ hôm nay cũng mang trong mình tình yêu quê hương đất nước, muốn xây dựng nước nhà giàu mạnh hơn để sánh vai với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Vì vậy, đừng trách thanh niên. Hãy hỏi một bộ phận không nhỏ đảng viên có chức, có quyền đã suy thoái như thế nào để thanh niên trăn trở, suy nghĩ khi nhìn vào họ. Và không riêng gì các bạn trẻ, người dân nói chung, trong đó có các đảng viên như chúng tôi, cũng buồn phiền, lo lắng trước các tệ nạn tiêu cực, tham nhũng hiện nay.

Người dân có câu “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Nhưng một bộ phận cán bộ, đảng viên liệu đã gương mẫu, đã đi trước trong việc giải quyết các khó khăn, bức xúc của người dân, của doanh nghiệp, hay là “đi trước” để giành lợi ích mà chúng ta quen gọi là “nhóm lợi ích” tiêu cực, tham nhũng.

- Cũng về chủ đề này, ông nói với con mình thế nào?

- Tôi không thúc giục các con phải vào Đảng. Tôi nói với con cháu mình rằng hãy sống thành người tử tế, có ích cho xã hội. Tùy hoàn cảnh từng người cụ thể, nếu được tín nhiệm và trên cơ sở tự nguyện thì phấn đấu, rèn luyện.

- Là một đảng viên lâu năm, ông có điều gì muốn nói với các bạn trẻ đang đứng trước những sự lựa chọn cho cuộc đời họ?

- Tôi muốn nói về việc các bạn trẻ lựa chọn chỗ đứng của mình như thế nào trước những thách thức của đất nước, của dân tộc hôm nay. Chúng tôi ngày ấy, trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, vào Đảng tuyệt đối không phải để vinh thân, phì gia mà sẵn sàng chiến đấu, hi sinh.

Ngày nay, cuộc “chiến đấu” đưa đất nước thoát khỏi nguy cơ tụt hậu, để chấn hưng giáo dục, để phát triển kinh tế... cũng đang cần lắm những bàn tay, khối óc ưu tú. Nếu không phải là các bạn trẻ thì ai nhận lãnh sứ mệnh này?

Hãy nhìn thấy chỗ đứng của mình trong tương lai đất nước, với cơ hội được đóng góp nhiều hơn bằng bàn tay, khối óc của mình, chứ không phải là “cơ hội” theo nghĩa tiêu cực.

Tôi cũng lưu ý trong sử dụng cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, cần đặt tiêu chuẩn yêu nước, biết quý trọng nhân dân, có thực tài. Không nên chỉ lấy tiêu chí đảng viên hay không đảng viên trong tiêu chuẩn sử dụng con người.

Trong điều kiện hội nhập phát triển, trong cuộc sống đa dạng hiện nay, để thu hút sử dụng được nhân tài thì hơn bao giờ hết cần thấm nhuần bài học dùng người của Bác Hồ, nêu cao tinh thần đại đoàn kết toàn dâ

NGUYỄN THỊ YÊN (37 tuổi, phó phòng marketing của một công ty thương mại quốc doanh):

Thi thoảng cũng tự hỏi năng lực hay thẻ Đảng cao hơn?

Gia đình tôi ở vùng sâu Long An. Cha mẹ tôi vừa làm ruộng vừa mò cua bắt ốc, nuôi anh em tôi ăn học. Ngày đậu đại học, tôi hứa như thề với cha mẹ là dù thế nào tôi cũng sẽ làm cho gia đình hãnh diện. Tiền cha mẹ không đủ học ở TP.HCM, tôi vừa đi học vừa đi làm.

Nhiều đêm dạy kèm toán về đến nhà trọ 22h, tôi tiếp tục học bài đến 2h sáng. Thời chúng tôi, trường quê không dạy tiếng Anh. Lên đại học, tôi phải học từ đầu trong khi bạn TP đều có bằng này nọ. Ra trường, tôi sút 5kg, nhưng có bằng ĐH Ngoại thương loại giỏi và bằng C tiếng Anh đúng thực chất.

Tôi biết nhiều người phải nhờ “ô dù” mới vào được công ty quốc doanh tôi đang làm. Còn tôi xin việc chỉ có hai tấm bằng và nửa giờ trả lời phỏng vấn. Tôi tự tin mình làm việc tốt và chịu “cày”, nhưng phải gần 10 năm mới được làm phó phòng. Ngày trao quyết định, ông giám đốc nói: “Em chuẩn bị làm hồ sơ vào Đảng để phấn đấu lên trưởng phòng nhé”.

Thú thật, lúc ấy tôi rất vui, nhưng về lại suy nghĩ mất ngủ. Vào cơ quan làm việc, tôi chỉ tự thân phấn đấu, đâu có con đường nào khác. Tôi muốn chứng tỏ bằng chính bản thân mình. Tôi làm doanh nghiệp, “lý tưởng” cụ thể của tôi là cống hiến cho doanh nghiệp mình và không làm gì phạm pháp. Tôi quyết định xin khất, không vô Đảng, để cơ quan có thể đánh giá chính xác khả năng tôi chứ không phải là cái thẻ Đảng (nếu tôi có).

Và bây giờ, tôi vẫn bảy năm làm phó phòng. Một bạn trẻ vào làm việc sau tôi gần 10 năm, đã nhận chức trưởng phòng vì có thẻ Đảng từ lúc là sinh viên. Bạn bè tỏ vẻ tiếc cho tôi, đánh giá năng lực và đóng góp của tôi cho cơ quan cao hơn trưởng phòng rất nhiều.

Tôi không buồn, vẫn tự tin bước đi trên con đường năng lực đã chọn. Tôi có cơ hội nhảy việc sang công ty nước ngoài, nhưng tôi quyết định không đi. Tuy nhiên, thi thoảng cũng tự hỏi năng lực hay thẻ Đảng cao hơn? Điều này, ban giám đốc ở cơ quan tôi nghĩ như thế nào? Tôi muốn nghe câu trả lời chính thức, nhưng bao giờ họ trả lời rõ ràng.

* NGUYỄN VĂN HƯNG (bộ đội ở Thanh Hóa): Không phải đảng viên, tôi vẫn sẵn sàng hi sinh cho Tổ quốc

Quê tôi ở Thanh Hóa, vùng đất mà hầu như gia đình nào cũng có Huân chương Kháng chiến, bằng Tổ quốc ghi công. Nhà tôi có chú hi sinh ở chiến trường miền Nam, anh trai tôi hi sinh ở chiến trường Campuchia, mãi hơn 20 năm mới đưa được hài cốt về quê, anh họ tôi cũng bị cụt một chân vì mìn ở chiến trường này...

Mẹ tôi nói ở đời có nhiều người giỏi, nhưng có một loại người giỏi đặc biệt là biết dụng người. Một người giỏi chuyên môn có thể phát huy bản thân mình, nhưng người giỏi nhân dụng có thể phát huy khả năng nhiều người, thậm chí hàng triệu, hàng trăm triệu người khác. Đó là cái giỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cụ Hồ dựng nước, lập chính quyền trong gian khó, hiểm nguy mà vẫn tập hợp được biết bao nhân sĩ bên mình. Trong đó có nhiều người là quan chức triều đình, là thành viên đảng phái khác, kể cả từng làm việc cấp cao cho chính quyền Pháp.

Họ đâu đã vào Đảng, đâu có mục tiêu phấn đấu vào Đảng, nhưng vẫn sát cánh bên Cụ Hồ, sẵn sàng hi sinh cho dân, cho nước. Họ cũng thật sự đáng kính!

Dòng họ tôi, nhiều chú bác cũng khuyên tôi nên vào Đảng. Người thì nói vì lý tưởng. Người thì khuyên để thăng tiến cuộc đời... Tôi có niềm tin sâu sắc vào Đảng. Nhưng ở thời điểm hiện nay, tôi xin chưa vô Đảng. Bởi tôi không muốn bị lây điều tiếng đang lan truyền ngoài xã hội là “vào Đảng để kiếm quyền chức, để tiến thân”.

Nó hoàn toàn không đúng với truyền thống cách mạng của gia đình mình. Cha tôi là đảng viên đã hơn 30 năm, không ủng hộ, cũng không phản đối quyết định của tôi. Ông nói: “Tùy con, nhưng dù làm gì con cũng phải nhớ Tổ quốc là trên hết”.

Tôi ứa nước mắt thề với cha: sẵn sàng chiến đấu và hi sinh bất cứ lúc nào khi Tổ quốc cần xương máu của tôi!

http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/624769/hay-nhin-thay-cho-dung-cua-minh-trong-tuong-lai-dat-nuoc.html

Theo Võ Văn Thành - Q.M/Tuổi trẻ

Bạn có thể quan tâm