Để thúc đẩy văn hóa đọc và niềm đam mê đọc sách trong các bạn trẻ, vừa qua, đã diễn ra buổi tọa đàm với chủ đề Hôm nay bạn đọc sách gì?. Buổi tọa đàm có sự tham gia của nhà thơ, nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm, nhà văn Nguyễn Đình Tú và nhà văn Di Li.
Mở đầu chương trình, các bạn trẻ ham đọc yêu sách đến từ các trường THPT, các trường ĐH, các CLB đọc sách, CLB thư viện trên địa bàn Hà Nội đã có phần hùng biện nhỏ, trình bày cảm nghĩ cuả bản thân về cuốn sách mà mình yêu thích. Qua phần thi này, có thể thấy được “gu” đọc sách đa dạng của các bạn trẻ hiện nay, trải rộng trên nhiều thể loại, đề tài. Từ tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết chiến tranh, đến những cuốn sách về kỹ năng sống…
Bạn đọc trẻ nói về cuốn sách mình yêu thích. Ảnh: Quỳnh Anh |
Không chỉ là những tác giả, các diễn giả của chương trình còn nổi tiếng là những người ham đọc sách. Bắt đầu cuộc trò chuyện, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã phát biểu rất thi vị: “Giữa một cô gái đang ngồi trang điểm và một cô gái đang đọc sách, tôi thấy cô gái đang đọc sách vẫn đẹp hơn.Từ lâu, khi xem các cuộc thi hoa hậu, tôi vẫn cảm thấy sợ trước những phần thi ứng xử, vì những câu trả lời ngô nghê của các người đẹp. Sự ngô nghê, lúng túng, hay những câu trả lời ngớ ngẩn đó đều là do họ không chịu khó đọc sách. Son phấn chỉ làm nên vẻ đẹp bên ngoài, còn sách làm nên vẻ đẹp của tâm hồn và trí tuệ, Vậy nên các bạn hãy đọc sác mỗi ngày để thấy mình đẹp hơn”.
|
Nhà văn Nguyễn Đình Tú chia sẻ: “Làm nghề gì cũng phải trau dồi, với một người làm nghề văn như tôi, đọc nhiều không đáng khoe. Những người không làm nghề văn đọc nhiều mới đáng quý”. Với tư cách là một người đọc, đồng thời là người làm nghề, nhà văn Nguyễn Đình Tú cũng cho rằng nền văn học trong nước chưa thu hút được bạn đọc trẻ là do đề tài trong văn học Việt Nam còn hẹp. Đề tài là vấn đề sơ đẳng của văn học nhưng chúng ta vẫn chưa phá vỡ được nó, nói gì đến các vấn đề lớn lao hơn như tính tư tưởng, tính triết lý. Biên độ đề tài hẹp là một điều đáng buồn của văn học Việt Nam”.
Nhà văn Di Li lại đưa ra một so sánh dí dỏm: “Không ai có thể chơi đàn giỏi, nếu cả đời không nghe nhạc. Không ai có thể đá bóng giởi nếu cả đời không xem bóng đá. Tương tự như vậy, không ai có thể viết văn hay nếu cả đời không đọc sách. Đọc sách là một việc làm quan trọng của các nhà văn”.
Khi được hỏi về một cuốn sách mà các bạn trẻ nên tìm đọc, tác giả của Chiếc lá đầu tiên đã không ngần ngại chọn John đi tìm Hùng của Trần Hùng John. Nhà thơ Hoàng Nhận Cầm chia sẻ: “Tôi cảm động trước lòng yêu nước của Hùng John. Là một người lính đã từ cầm súng chiến đấu nhưng lòng yêu nươc trong tôi chưa lớn được đến vậy. Hình ảnh một chàng trai sinh ra trên đất Mỹ khóc khi trên tay cầm liềm cắt lúa đã làm tôi xúc động. Cuộc hành trình của Hùng John không chỉ là một chuyến đi phượt, đó là một cuộc hành hương trong chính trái tim mình”.
John đi tìm Hùng cuốn sách nhà thơ- nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm khuyên các bạn trẻ nên tìm đọc. |
Trong buổi tọa đàm, các nhà văn cùng các bạn trẻ đã cùng tranh luận về các tác phẩm nổi tiếng của văn học thế giới như Chiến tranh và hòa bình, Hội chợ phù hoa… và cùng chia sẻ bí quyết để chọn được một cuốn sách hay và phù hợp với sở thích cuả cá nhân.