Tại một hội thảo về an toàn thực phẩm, GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn, Phó chủ tịch Hội Y tế công cộng công bố kết quả về xét nghiệm có liên quan đến mì tôm. Theo đó, 100% mẫu được kiểm nghiệm có chứa axit oxalic - một hóa chất thường dùng trong công nghiệp tẩy trắng.
Ngay sau đó, ông Trần Quang Trung - Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế), cho rằng thông tin trên công bố không rõ ràng, và quy trình lấy mẫu cũng cần phải xem xét lại. "Đây mới chỉ là những kết quả nghiên cứu của riêng họ. Tuy nhiên, Cục sẽ xem xét, bởi mì tôm của nước ta còn phải hội nhập, xuất khẩu..., nếu thông tin như vậy thì rất nguy hiểm”.
Mì tôm là sản phẩm mới nhất vướng nghi án sử dụng chất cấm trong công nghiệp thực phẩm. |
Ông Vũ Mạnh Cường, một người có thâm niên trong ngành thực phẩm, từng làm việc với các chuyên gia tại Đức trong lĩnh vực hóa học và chất độc, cho biết axit oxalic có gây độc đến cơ thể người dùng hay không phụ thuộc vào hàm lượng thu nạp. Ông Cường khẳng định, mức thấp nhất được biết đến có thể gây độc cho người nếu thu nạp qua miệng (ăn uống) là 600mg/kg trọng lượng cơ thể. Kết quả giám định các mẫu mì tôm được công bố vừa qua chỉ có nồng độ từ 30,8 đến 449mg/kg, như vậy vẫn nằm trong giới hạn an toàn.
Ông Cường cũng dẫn chứng, tuy là chất độc, nhưng loại axit này lại được sử dụng trong cả ngành nông nghiệp lẫn công nghiệp, và tồn tại ở dạng tự nhiên trong nhiều loại thực phẩm quen thuộc, như lá trà, dọc mùng... "Việc các loại chất độc tồn tại trong thực phẩm là chuyện bình thường, điều quan trọng là cần so sánh hàm lượng chất đó có vượt quá giới hạn cho phép hay không... Đây không phải trường hợp đầu tiên mắc sai lầm về công bố thông tin gây hiểu lầm... Tin về đũa tre, gỗ xuất xứ Trung Quốc cũng từng mắc lỗi tương tự", ông Cường nói.
Trong khi đó, trao đổi với Zing.vn, Giám đốc marketing Masan, ông Nguyễn Tấn Việt khẳng định Masan không cho thêm loại axit này vào các sản phẩm của công ty. Đại điện của Masan cho biết, doanh nghiệp này cùng nhiều đơn vị kinh doanh trong ngành sản xuất mì gói đã mang các mẫu sản phẩm đến cơ quan kiểm nghiệm và hoàn toàn không phát hiện chất này.
"Thông tin công bố về chất độc không rõ ràng, bên nghiên cứu cũng không công khai mẫu xét nghiệm thuộc về đơn vị nào. Tôi lo ngại rằng những công bố kiểu này sẽ gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng, nhất là trong những ngày cuối năm", ông Việt nói.
Riêng ông Lê Văn Hùng, trưởng phòng marketing của công ty Acecook Việt Nam, cho biết doanh nghiệp đã nhận được những thông tin liên quan đến kết quả kiểm tra mẫu mì tôm. Theo ông Hùng, thông tin trên cũng đã có gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của công ty, nhưng hiện tại tác động này chưa thống kê được cụ thể.
Ông Hùng khẳng định, doanh nghiệp không dùng axit oxalic trong tất cả các sản phẩm cung ứng ra thị trường. "Người tiêu dùng có quyền được biết tất cả các thông tin liên quan đến sản phẩm mà họ lựa chọn sử dụng. Tuy nhiên, chúng tôi cũng khuyến cáo rằng, có nhiều thông tin cần được xem xét trên các khía cạnh khác nhau, thay vì một chiều. Do đó, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ để có quyết định chính xác. Riêng phía công ty cam kết kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất để đảm bảo chất lượng sản phẩm đến tay người dùng", ông Hùng cho biết.