Ngày 27/1, Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp cấm người từ 7 nước Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria, Yemen và người tị nạn nhập cảnh vào Mỹ. Những ngày sau đó tại Washington là cuộc tranh cãi của các quan chức Nhà Trắng và nội các về việc thực thi sắc lệnh cũng như quy trình ban hành sắc lệnh.
Khi quân sư đụng độ cựu tướng
Ngày 28/1, khi các cuộc biểu tình phản đối sắc lệnh nổ ra ở khắp nơi, Bộ trưởng An ninh Nội địa John F. Kelly muốn miễn trừ lệnh cấm này cho những công dân từ 7 nước trên nhưng là đã có thẻ xanh ở Mỹ.
Chiến lược gia trưởng của Nhà Trắng Stephen K. Bannon muốn ngăn việc này nhưng bị Bộ trưởng Kelly khước từ.
Bộ trưởng An ninh Nội địa John Kelly (trái) và chiến lược gia trưởng của Nhà Trắng Bannon trong cuộc họp an ninh ở Nhà Trắng hôm 31/1. Ảnh: Reuters. |
Hai nguồn tin tiết lộ với Washington Post rằng ông Bannon đã đến trụ sở Bộ An ninh Nội địa để chuyển thông điệp của mình vào ngày 28/1. Tuy nhiên, sau khi bản tin được đăng tải, Nhà Trắng bác bỏ thông tin trên. Thư ký Báo chí Nhà Trắng Sean Spicer cho biết ông Bannon không đến văn phòng của bộ trưởng an ninh nội địa, cả 2 cũng không nói chuyện với nhau trong ngày 28/1. Ngoài ra, giữa 2 người không có đụng độ.
Dù là nhân vật có ảnh hưởng lớn đến Tổng thống Trump, Bannon không có quyền ra lệnh cho bộ trưởng an ninh nội địa. Ông Kelly, nguyên là tướng thủy quân kỳ cựu, nói rõ với chiến lược gia này rằng ông chỉ nhận lệnh trực tiếp từ tổng thống. Và ông Trump đã không gọi điện cho Bộ trưởng Kelly.
Đến tối 28/1, bộ trưởng an ninh nội địa ký quyết định cho phép những người giữ thẻ xanh nằm trong diện cấm được xem xét để nhập cảnh theo từng trường hợp.
Cuộc điện đàm lúc nửa đêm
Cuộc xung đột ngấm ngầm tại Washington chưa dừng ở đó. Hai quan chức tiết lộ vào 2 giờ sáng ngày 29/1, cố vấn chính sách của Nhà Trắng Stephen Miller, luật sư Nhà Trắng Donald McGahn, cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn đã nhóm họp qua điện đàm với Bộ trưởng An ninh Nội địa Kelly, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và một quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao (khi đó, ứng viên ngoại trưởng Rex Tillerson vẫn chưa được Thượng viện phê chuẩn).
Nội dung cuộc họp là những khó hiểu xoay quanh sắc lệnh của tổng thống cũng như việc nội các không được tham gia vào quá trình ra sắc lệnh từ đầu.
Các thành viên nội các đã cùng phản đối việc Nhà Trắng xây dựng sắc lệnh mà không tham vấn họ. New York Times từng đưa tin bộ trưởng an ninh nội địa, người quản lý cơ quan hải quan và bảo vệ biên giới, biết về sắc lệnh này lúc ông đang ở trên máy bay sau khi nó đã được ký. Nhưng ông Kelly sau đó bác bỏ thông tin này.
Không những vậy, Nhà Trắng còn khước từ những chỉnh sửa nội các xem là rất hiển nhiên như việc phải loại những người có thẻ xanh khỏi lệnh cấm.
Bannon và Miller biện minh rằng Nhà Trắng phải giữ quy trình và bản chất của sắc lệnh này trong vòng khép kín vì nhiều vị trí chính phủ quan trọng vẫn không phải do người Trump bổ nhiệm đảm trách.
Tuy nhiên, Flynn, cố vấn an ninh quốc gia, lại có phần đồng tình với các quan chức trong nội các. Ông cho rằng họ nên được tham gia vào quá trình xây dựng sắc lệnh dù sau đó tổng thống quyết định có nghe lời tham vấn từ họ hay không.
Chiến lược gia trưởng Bannon (trái), Chánh văn phòng Reince Priebus và cố vấn Miller (phía sau) là những nhân vật quyền lực trong Nhà Trắng. Ảnh: Reuters.
|
Đến chiều 29/1, Chánh văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus họp với các cố vấn cấp cao và ra quyết định trì hoãn việc ra các sắc lệnh hành pháp tiếp theo cho đến khi thiết lập được cơ chế mới, trong đó đảm bảo sự tham gia của người ngoài Nhà Trắng vào quy trình soạn thảo chính sách.
Tranh cãi quanh sắc lệnh cấm người nhập cư của Tổng thống Trump là dấu hiệu đầu tiên cho thấy mâu thuẫn giữa Nhà Trắng và nội các trong chính quyền Trump. Lần này, phía nội các đã thành công khi buộc Nhà Trắng phải chỉnh sửa lại sắc lệnh. Cụ thể, ngày 1/2, Nhà Trắng thông báo những người giữ thẻ xanh không còn nằm trong diện cấm nhập cảnh của sắc lệnh.
Khi nội các lên tiếng
Các thành viên nội các giữ một ưu thế mà cố vấn, chiến lược gia của Trump tại Nhà Trắng không thể có: Trong mắt công chúng, các bộ trưởng mới là người phát ngôn có thẩm quyền.
Ngày 31/1, trong lúc Nhà Trắng đang hứng chịu chỉ trích từ nhiều phía, Bộ trưởng An ninh Nội địa Kelly tổ chức họp báo để bênh vực sắc lệnh hành pháp của tổng thống.
"Đây không phải, tôi lặp lại, đây không phải lệnh cấm đạo Hồi", ông nói. "Chúng tôi không thể đánh cược với sinh mệnh người Mỹ. Các sắc lệnh là vấn đề an ninh quốc gia, và trách nhiệm mà tôi đã tuyên thệ khi nhậm chức bộ trưởng an ninh nội địa là bảo vệ và bênh vực người Mỹ".
Ông Kelly cũng cho biết các luật sư của Bộ An ninh Nội địa đã tham gia vào quá trình soạn thảo sắc lệnh, bộ cũng sẽ thực thi sắc lệnh một cách nhân văn.
Cuộc tranh giành ảnh hưởng của các quan chức bên trong Nhà Trắng và nội các có thể ảnh hưởng đến việc hiệu quả công việc của chính quyền ông Trump. Ảnh: Reuters. |
Vài phút sau cuộc họp báo, thư ký báo chí Nhà Trắng cũng xác nhận Nhà Trắng và Bộ An ninh Nội địa đã có "phối hợp và chuẩn bị hợp lý" cho sắc lệnh trên.
Washington Post nhận định nếu Nhà Trắng thật sự muốn hợp tác cùng nội các, đây là một dấu hiệu tốt. Tuy vậy, có nhiều khả năng đây không phải lần cuối cùng các quan chức nội các phải đụng độ với những "quân sư" quyền lực bên cạnh tổng thống như Bannon và Miller.
Lần chạm trán đầu tiên, xoay quanh sắc lệnh chống nhập cư của Tổng thống Trump, được coi là một trận hòa.