Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hậu trường công xưởng ‘bóc lột tàn khốc’ của truyền thông xã hội

Cuốn sách mới của tác giả Sarah T Robert sẽ cho độc giả thấy việc kiểm duyệt nội dung trực tuyến trên toàn cầu đang bóc lột nhân lực như thế nào?

Không thể phủ nhận việc phát minh ra Internet là một bước tiến lớn của xã hội. Có thể cho rằng mạng Internet là một tấm gương phản ánh bản chất con người. Tất cả các mặt của đời sống con người đều được thể hiện ở đó. Những biểu hiện của ý thức hệ, mê tín dị đoan, các hành vi ứng xử, sự ám ảnh trong tâm hồn, các hiện tượng đồi trụy, lập dị hay những trào lưu nhất thời đều có thể được tìm thấy trên Internet.

Các nền tảng truyền thông xã hội đang “bỏ túi” Internet

Phần lớn những điều chúng ta tiếp cận trên mạng Internet là những nội dung thông thường, thậm chí là hấp dẫn và không gây hại cho ai. Tuy nhiên, cũng có những nội dung thực sự tồi tệ. Một lý do đơn giản là bản chất con người vô cùng phong phú, không chỉ có những điều tốt đẹp mà đôi khi còn có sự tàn ác, nhẫn tâm.

Trong những ngày đầu mạng Internet phát triển, vấn đề này chưa được quan tâm nhiều. Nhưng khi không gian mạng đang “rơi vào túi” một số nền tảng số khổng lồ, đặc biệt là những ông lớn Google, YouTube, Twitter và Facebook, thì nội dung được phát tán trên mạng đã trở thành một vấn đề.

Truyen thong xa hoi,  Mang xa hoi,  Facebook,  Kiem duyet thong tin,  thong tin xau,  doc anh 1
Lượng nội dung người dùng tải lên Youtube, Facebook, Twitter... đang quá lớn. Ảnh: AKP Photos/Alamy.

Các mô hình kinh doanh của họ phụ thuộc vào việc khuyến khích mọi người chia sẻ, đăng tải nội dung để họ làm giàu kho nội dung số. Broadcast yourself (hãy tự mình phát thông tin) từng là phương châm của YouTube.

Những vụ cắt cổ con tin ở sa mạc Ả Rập, hãm hiếp bé gái 3 tuổi, bắn chết một ông già trên đường hoặc tự sát đều được ghi lại và chia sẻ lên mạng.

Những điều này đặt ra một vấn đề cho các mạng xã hội, những nền tảng số đang muốn công chúng thấy rằng họ là người thúc đẩy sự sáng tạo, kết nối và vui vẻ lành mạnh. Những thông tin tiêu cực trên đang khiến hình ảnh của họ xấu đi. Họ bắt đầu cần một đội ngũ lọc và quản lí thông tin của người dùng. Họ gọi đội ngũ này là “những người điều tiết” và trong một thời gian dài, nhóm này phải làm việc trong tình trạng bí mật và không ai biết về họ.

Chiếc áo choàng tàng hình đó bắt đầu bị sờn góc khi các nhà báo và học giả bắt đầu thăm dò các góc tối của truyền thông xã hội. Kết quả từ nhiều cuộc điều tra đã cho thấy, kiểm duyệt nội dung hiện là một ngành công nghiệp toàn cầu khổng lồ, đang sử dụng ít nhất 100.000 nhân sự trên toàn thế giới.

Hầu hết trong số này là nhân viên hợp đồng, không phải nhân sự chính thức. Họ đang phải làm việc trong điều kiện chịu nhiều sức ép, không được bảo đảm về điều kiện công việc, không có bảo hiểm y tế và chịu nhiều sang chấn về tâm lí khi phải xử lí và đưa ra quyết định về nhiều thứ khủng khiếp mà mọi người đăng trên mạng xã hội.

Công trình 8 năm khám phá góc tối của mạng xã hội

Sarah T Roberts là một học giả tại Đại học California, Los Angeles, người đã khám phá thế giới về kiểm duyệt nội dung số trong 8 năm. Cuốn sách Behind the Screen là kết quả của một quá trình nghiên cứu quy mô lớn đầu tiên về những nhân sự đang phải làm công việc thầm lặng này.

Truyen thong xa hoi,  Mang xa hoi,  Facebook,  Kiem duyet thong tin,  thong tin xau,  doc anh 2
Cuốn sách Behind the Screen mang tới những góc nhìn mới về hoạt động của các mạng xã hội. Ảnh: Amazon.

Không một ai sau khi đọc cuốn sách này sẽ còn xem mạng xã hội là một ngành công nghiệp hoàn toàn chỉ có những khoảng sáng. Giống như tất cả các ngành công nghiệp vĩ đại trong quá khứ, đằng sau sự phát triển của chúng là sự bóc lột nhân lực. Thông tin trên mạng xã hội chúng ta đang nhìn thấy đã được giữ “sạch sẽ” bởi một đội ngũ lao động không được trả công xứng đáng. Những con người này đang phải chịu rủi ro về sang chấn tâm lí để những người dùng mạng xã hội tránh được nguy cơ đó.

Nghiên cứu của Roberts cũng xác nhận kết quả các học giả như Tarleton Gillespie đã nêu ra: Kiểm duyệt nội dung không phải là cách để các nền tảng truyền thông xã hội thể hiện ý thức trách nhiệm xã hội mà đây thực sự là một phần quan trọng trong hoạt động của họ. Nếu không có mảng hoạt động này, thương hiệu của họ sẽ chịu nhiều thiệt hại không thể khắc phục từ những thông tin xấu người dùng đổ vào kho dữ liệu của họ.

Truyen thong xa hoi,  Mang xa hoi,  Facebook,  Kiem duyet thong tin,  thong tin xau,  doc anh 3
Tác giả Sarah T Roberts. Ảnh: ucla.

Các nền tảng truyền thông xã hội cũng muốn thể hiện với khách hàng rằng dịch vụ mà họ mang tới an toàn hơn so với các trang web không được bảo mật. Roberts đã phỏng vấn một người từng làm công việc điều tiết nội dung này và đưa ra câu hỏi rằng mạng xã hội sẽ ra sao nếu không có sự kiểm duyệt? Anh ta trả lời rằng: “100% sẽ là các nội dung khiêu dâm. 100%. Nền tảng xã hội sẽ trở thành một con tàu đắm”.

Một câu hỏi quan trọng, mà Roberts chưa thực sự tìm hiểu, là liệu nhiệm vụ kiểm duyệt có phải đang không đủ hiệu quả so với quy mô phát triển của các dịch vụ truyền thông xã hội hiện tại. Ví dụ, trong mỗi phút có khoảng 400 giờ video được tải lên YouTube. Thậm chí nếu Facebook hay YouTube sử dụng nửa triệu người để điều tiết nội dung thì họ cũng không thể làm xuể. Phải chăng, việc sử dụng đội ngũ kiểm duyệt hiện tại chỉ là bước đầu để phấn đấu vào một ngày nào đó, trí tuệ nhân tạo AI sẽ đảm nhiệm công việc này.

Dù tương lai của đội ngũ nhân lực này ra sao thì, theo tờ The Guardian, một trong những thông điệp nổi bật nhất của Behind the Screen là các chính phủ và cơ quan quản lý nên điều tra điều kiện làm việc tồi tệ của những người lao động đang làm việc hàng ngày, hàng giờ để giữ sự “sạch sẽ” cho mạng xã hội.




Minh Hoa

Bạn có thể quan tâm