Vụ phun trào núi lửa tại Tonga được đánh giá là vụ nổ "nghìn năm có một". Ảnh: ustas / Adobe. |
Theo nghiên cứu mới của các nhà khoa học Nhật Bản, vụ phun trào núi lửa tại Tonga diễn ra đầu năm 2022 đã gây ra hiện tượng “bong bóng plasma xích đạo”, thậm chí làm mất tín hiệu sóng vô tuyến.
Vào tối 15/1/2022, người dân đảo quốc Tonga ở nam Thái Bình Dương chứng kiến vụ núi lửa phun trào khủng khiếp chỉ vài mét trên mực nước biển ở giữa các đảo nhỏ Hunga Tonga và Hunga Ha'apai, cách thủ đô Nuku'alofa trên đảo chính Tongatapu khoảng 50 km về phía bắc.
Theo Space.com, hoạt động của núi lửa tại Tonga tạo ra những cột khói cao kỷ lục, có cột cao gần 60 m. Vụ phun trào cũng gây ra loạt sóng thần trải dài từ vùng biển Tonga tới tận khu vực Caribê. Đây được coi là vụ nổ tự nhiên mạnh nhất trong hơn một thế kỷ, ngang ngửa sức công phá của một quả bom hạt nhân lớn của Mỹ.
Các nghiên cứu trước đó cho thấy thảm họa núi lửa tại Tonga đã tạo ra những đợt sóng khí quyển đủ mạnh làm xáo trộn tầng điện ly. Nhưng chưa dừng lại ở đó, theo nghiên cứu mới của các nhà khoa học Nhật Bản, mức độ tác động của những đợt sóng đó còn lớn hơn và vụ nổ còn tàn phá tín hiệu vệ tinh trong không gian.
Vụ phun trào núi lửa đã tạo ra các vùng trong không gian mà tín hiệu vệ tinh không thể xuyên qua. Ảnh: JohanSwanepoel / Adobe. |
Về lý thuyết, những vụ trào phun núi lửa đủ mạnh có thể làm xáo trộn vùng F của tầng điện ly - khu vực chứa hàm lượng ion cao nhất trong bầu khí quyển. Tuy nhiên, trường hợp này rất hiếm gặp trong thực tế.
Nghiên cứu mới cho thấy, núi lửa Tonga dường như phun trào mạnh đến mức gây hiện tượng "bong bóng plasma xích đạo" trong tầng điện ly, tạo ra các vùng mà tín hiệu GPS và vệ tinh không thể xuyên qua. Hơn nữa, những bong bóng này có thể đạt độ cao ít nhất 2.000 km, vượt xa những gì được suy đoán trước đây.
Các nhà khoa học cũng phát hiện vụ phun trào đã khiến mật độ electron tăng vọt, cũng như làm tăng độ cao của tầng điện ly. Họ cho rằng phản ứng này xảy ra do sóng khí quyển cực mạnh đã tương tác với các ion mang điện trong tầng điện ly.
Do đó, có khả năng vụ phun trào núi lửa tại Tonga năm 2022 đã gây ra tình trạng mất tín hiệu trong GPS và thậm chí cả tín hiệu giao tiếp, hiện tượng thường xảy ra trong các vụ “lóa Mặt Trời” (Solar flare).
Nghiên cứu được công bố ngày 22/5 trên tạp chí Scientific Reports.
Những nhà khoa học tiên phong
"Những nhà khoa học tiên phong" là một cuốn sách thú vị về lịch sử của những phát minh nổi tiếng. Để có được những đóng góp vĩ đại cho nhân loại, các nhà khoa học nổi tiếng đã làm việc với lòng say mê và tinh thần học hỏi không ngừng.