Song Xue mắc chứng chán ăn tâm thần do ăn kiêng để giảm béo. Ảnh: China Daily |
Song Xue - một cô gái 19 tuổi sống tại huyện Tô Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc - mắc bệnh suy dinh dưỡng nghiêm trọng do cô thực hiện chế độ ăn kiêng để mong sở hữu vòng eo thon gọn và thân hình hấp dẫn. Cô bắt đầu giảm cân từ khi mới 17 tuổi. Hiện tại, Xue cao 1,69 m nhưng chỉ nặng 39 kg.
"Lúc đó, tôi không nghĩ mình quá béo nhưng tôi vẫn muốn giảm cân bởi các bạn tôi đều làm vậy", Xue chia sẻ.
Ban đầu, cô ăn ít vào các bữa sáng và bữa tối, bỏ qua bữa trưa. Sau vài tháng, Xue giảm từ 55 kg xuống còn 50 kg. Chế độ ăn kiêng rất hiệu quả và cô không còn cảm thấy đói mỗi khi tới giờ ăn. Điều đó khiến cô rất vui. Tuy nhiên, thiếu nữ 19 tuổi cho biết, cô đã rất ngốc nghếch khi nghĩ rằng điều đó thật tuyệt vời.
Cô tiếp tục chế độ ăn giảm cân. Tuy nhiên, cơ thể cô bắt đầu xuất hiện dấu hiệu rối loạn đường ruột như tiêu chảy, táo bón. Đôi khi cô còn bị lỡ chu kỳ kinh nguyệt.
"Cơ thể tôi lúc đó không khác gì một bộ xương di động hay một cái xác sống. Việc đi bộ cũng khiến tôi kiệt sức", Xue chia sẻ.
Gia đình Xue đưa cô tới các bệnh viện ở khắp nơi như Tô Châu, Vô Tích, Thượng Hải để điều trị nhưng tất cả các loại thuốc do bác sĩ kê đơn đều chỉ có hiệu quả với cơ thể cô trong khoảng một tuần.
"Sau khi tới khám tại nhiều bệnh viện, các bác sĩ kết luận con gái tôi mắc chứng chán ăn tâm thần. Gia đình đã chi gần 400.000 nhân dân tệ (65.100 USD) để điều trị bệnh cho Xue. Vợ tôi phải nghỉ việc để ở nhà chăm sóc con gái. Tôi phải làm việc suốt ngày đêm để nuôi gia đình và trả tiền thuốc. Nhiều đêm, tôi khóc thầm vì cảm thấy tuyệt vọng", ông Song Sheng, bố của Xue tâm sự.
Li Xueni, bác sĩ tâm thần tại Viện Sức khỏe Tâm thần thuộc Đại học Bắc Kinh - một trong những bệnh viện tâm thần nổi tiếng nhất Trung Quốc - cho biết, số lượng người mắc chứng chán ăn tâm thần ở Trung Quốc tăng rất nhanh trong thời gian gần đây.
"Mười năm trước, chúng tôi chỉ bắt gặp khoảng 10 trường hợp mắc chứng rối loạn ăn uống mỗi năm. Hiện nay, con số ấy đã tăng lên hơn 150 trường hợp", bác sĩ Li nói.
Tăng nhanh về số lượng
Từ năm 1983 - 2001, chỉ 52 trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh biếng ăn tâm lý và chứng cuồng ăn vô độ. Số liệu thống kê của Trung Tâm Sức khỏe Tâm thần Thương Hải cho thấy, số lượng bệnh nhân biếng ăn đã tăng gấp 4 lần so với thập kỷ trước. Chứng chán ăn thường gặp ở những bé gái mới lớn và những phụ nữ trẻ và được giới y học coi đó là một loại bệnh tâm thần. Nó có tỷ lệ tử vong cao nhất trong các bệnh liên quan đến thần kinh.
Hầu hết các bệnh nhân đều có vấn đề về đường tiêu hóa, nội tiết tố và rối loạn chuyển hóa. Điều này sẽ dẫn tới rối loạn chức năng của máu và hệ miễn dịch. Bệnh nhân có thể tử vong do chức năng các cơ quan suy giảm, suy dinh dưỡng nặng. Nhiều nguy cơ bệnh nhân tự tử do chứng biếng ăn tâm thần thường dẫn đến trầm cảm, lo âu, ám ảnh, rối loạn hành vi. Nhiều yếu tố ảnh hưởng tới con người khiến họ mắc bệnh như sinh lý, môi trường hay các yếu tố văn hóa.
Hai cách mà những bệnh nhân thường thực hiện để giảm cân là người bệnh cố nhịn ăn và chịu đựng cảm giác đói; thứ hai, họ ăn uống vô độ mọi thứ sau đó làm sạch dạ dày bằng cách nôn hết thực phẩm ra ngoài.
"Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, một vài yếu tố có thể khiến một đứa trẻ mắc chứng biếng ăn tâm lý từ khi chúng còn trong bụng mẹ”, bác sĩ Li nói.
Quan niệm “gầy là đẹp” phổ biến ở Trung Quốc là do tâm lý người dân bị ảnh hưởng từ những hình người mẫu trên tờ quảng cáo sản phẩm giảm béo. Với sự phát triển của nền kinh tế, giới trẻ đang ngày càng muốn đẹp hơn với một thân hình hoàn hảo. Tỷ lệ những người mắc chứng chán ăn tâm thần tăng lên nhanh chóng sau những năm 1980.
Bác sĩ Li cho biết: "Rất nhiều bệnh nhân, thậm chí nhiều trường hợp suy dinh dưỡng trầm trọng, không nhận thức rằng họ đang mắc bệnh và cần phải điều trị. Điều này khiến căn bệnh càng trở nên nguy hiểm hơn".
Hơn nữa, nhiều bệnh nhân nam cảm thấy tự ti và ngại chia sẻ với gia đình và tới bệnh viện điều trị. Hồi tháng 4, Zhang Shi, một nam thanh niên 19 tuổi sống tại Nam Kinh, tử vong vì chứng chán ăn khiến cơ thể suy nhược nghiêm trọng. Lúc qua đời, Zhang chỉ nặng 30 kg mặc dù anh cao 1,7 m. Anh đã từ chối tới bệnh viện vì quá xấu hổ.
"Chứng chán ăn khiến Zhang trở thành người hoàn toàn khác. Vốn là cậu bé đáng yêu và khiến chúng tôi tự hào khi nó đỗ Đại học, từ khi bắt đầu ăn kiêng, nó chỉ quan tâm tới trọng lượng cơ thể và soi gương mọi lúc. Đến khi gia đình tôi phát hiện và đưa Zhang tới bệnh viện, cơ thể nó đã suy nhược trầm trọng và mọi loại thuốc đều không hiệu quả", bà Yang chia sẻ về tình trạng bệnh của con trai.