Thị trường chứng khoán trong nước đang trải qua giai đoạn biến động mạnh nhất kể từ tháng 3/2020, khi chỉ số VN-Index liên tục trồi sụt.
Trong vòng 1 tháng qua, chỉ số lớn nhất thị trường chứng khoán trong nước từng vượt mốc 1.200 điểm (phiên 13/1) nhưng cũng có thời điểm giảm xuống sát mốc 1.010 điểm (phiên 29/1), tương đương biến động trên dưới 90 điểm.
Cũng trong giai đoạn này, thị trường chứng khoán Việt đã trải qua phiên giảm mạnh nhất lịch sử tại ngày 28/1 khi VN-Index rơi 73 điểm, tương đương 6,7% giá trị. Hàng loạt cổ phiếu giảm sàn, bao gồm 28/30 mã thuộc danh mục VN30.
Theo bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán giảm những ngày qua là kết hợp của nhiều yếu tố như nhà đầu tư chốt lời sau giai đoạn tăng mạnh, thị trường chứng khoán thế giới giảm điểm mạnh và đặc biệt là tâm lý hoảng loạn ngắn hạn về dịch bệnh.
Diễn biến chỉ số VN-Index trong 1 tháng gần đây. Nguồn: Tradingview. |
Theo bà Bình, cùng với xu hướng biến động mạnh của thị trường, Ủy ban Chứng khoán cũng ghi nhận hầu hết lực bán đến từ các tài khoản nhà đầu tư mới. Trong khi đó, các tổ chức đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài lại tranh thủ mua, đặc biệt trong phiên ngày 28/1. Nhóm nhà đầu tư nước ngoài đã tiếp tục mua ròng trong phiên cuối tuần (29/1), riêng trên HOSE, khối này đã mua ròng khoảng 1.100 tỷ đồng.
Theo vị lãnh đạo Vụ phát triển thị trường chứng khoán, trong thời gian tới, dịch Covid-19 sẽ còn diễn biến phức tạp, số ca lây nhiễm trong cộng đồng có thể còn tiếp tục tăng nhanh cho đến khi có thể kiểm soát được.
Tuy nhiên, Ủy ban Chứng khoán cho rằng thị trường trong dài hạn vẫn được hỗ trợ bởi những yếu tố tích cực cả về kinh tế vĩ mô và các yếu tố nội tại của doanh nghiệp niêm yết trên thị trường.
Hiện tại, Việt Nam vẫn là điểm sáng trên thế giới trong việc thực hiện mục tiêu kép là kiểm soát dịch bệnh và ổn định, phát triển kinh tế trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đang rơi vào suy thoái và khủng hoảng.
Thị trường chứng khoán trong nước đang trải qua giai đoạn biến động mạnh. Ảnh: Tr.Nguyễn. |
Theo thống kê chưa đầy đủ tính đến ngày 20/1, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết theo báo cáo tài chính quý IV/2020 (chưa kiểm toán) ghi nhận trên 80,7% doanh nghiệp có lãi, tương đương với quý IV/2019.
Trong đó, lợi nhuận sau thuế quý IV/2020 của các công ty niêm yết và công ty đại chúng quy mô lớn tăng 11,1% so với cùng kỳ. Theo bà Bình, điều này thể hiện sức chống chịu tốt của doanh nghiệp trước khủng hoảng.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng đã tận dụng tốt cơ hội và bức phá mạnh mẽ trong bối cảnh một số hiệp định thương mại quốc tế như EVFTA và FTA song phương với Anh Quốc sẽ được triển khai trong thời gian tới.
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường, bà Bình cho biết Ủy ban Chứng khoán sẽ ưu tiên việc tổ chức giao dịch thông suốt, an toàn của hệ thống. Trong đó, tập trung vào các giải pháp về xây dựng kịch bản tổ chức giao dịch toàn thị trường kể cả trong trường hợp dịch Covid-19 diễn biến phức tạp theo hướng gia tăng và giám sát giao dịch trực tuyến.
Cơ quan quản lý chứng khoán cũng cho biết sẽ tăng cường giám sát chặt chẽ các hoạt động trên thị trường, vừa kiểm soát các giao dịch bất thường, vừa theo dõi các thông tin nội gián, tín đồn thất thiệt, đảm bảo thị trường vận hành trật tự, minh bạch. Đồng thời, tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình chính trị, kinh tế và chứng khoán trong, ngoài nước, để kịp thời thông tin đến nhà đầu tư.