Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hậu duệ Thành Cát Tư Hãn qua lời kể của chàng trai Việt

Độc giả Nguyễn Văn Quỳnh (27 tuổi), sống tại Ulaanbaatar, Mông Cổ, chia sẻ với Zing.vn về cuộc sống của anh cũng như nhiều người Việt khác trên quê hương của Thành Cát Tư Hãn.

Tôi và một nhóm bạn vừa có chuyến đi lạ lùng về một miền quê của Mông Cổ. Kỷ niệm đáng nhớ nhất là trải nghiệm cưỡi lạc đà băng qua những đồi cát sa mạc mênh mông. Việc đó gợi lại cho tôi những ấn tượng sơ khai về xứ sở Thành Cát Tư Hãn kể từ khi tôi còn chưa biết đến mảnh đất này.

Quả là một hành trình thật thú vị! Thú vị khi cưỡi lên những chú lạc đà thật đáng yêu. Thú vị khi tối về ở trong nhà lều, ngồi quanh bếp lửa hồng rực nói những câu chuyện vu vơ. Thú vị khi cảm nhận được lòng mến khách của những người dân xung quanh, vào nhà nào dù không có người bạn cũng sẽ thấy người ta bày sẵn trà sữa, bánh ngọt chào mừng khách quý.

cuoc song nguoi Viet o Mong Co anh 1
Cưỡi lạc đà băng qua sa mạc ở Mông Cổ. Ảnh: Nguyễn Văn Quỳnh.

Những người lạc quan nhất Trái Đất

"Nhưng sẽ chẳng thú vị lắm đâu nếu bạn sống ở đây cả đời, bạn ạ", người hướng dẫn viên, cũng từng là bạn học với tôi, lên tiếng làm tôi ngỡ ngàng. Ngỡ ngàng vì trước giờ tôi vô tâm quá. Tôi đi qua cuộc sống của người Mông Cổ, nhìn vào cuộc sống của họ, nhưng đó là nhìn từ phía của mình. Bởi thế, tôi chưa bao giờ cảm nhận được.

Đó là những bất tiện khi sống cạnh sa mạc, hàng ngày phải chở từng thùng nước lạnh tanh mà chỉ đủ dùng cho ăn, uống, và rửa ráy thật tằn tiện. Đó là những khó khăn khi đàn gia súc háu ăn vài hôm đã ăn hết chỗ cỏ cằn cỗi lại làm người dân du mục nhọc nhằn dỡ lều, dỡ trại, di chuyển chúng đến một vùng đất nhiều cỏ hơn, để rồi lại phải di chuyển tiếp không lâu sau đó.

Đó là những trở ngại khi không có mạng, không có sóng điện thoại, không được tiếp xúc với thế giới bên ngoài. (Những khó khăn này chúng tôi có thể cảm nhận được sau vài giờ. Chúng ta dường như phụ thuộc vào thế giới ảo nhiều quá đến nỗi khó chịu khi tiếp xúc với thực tại cằn cỗi xung quanh. Cằn cỗi, nhưng nó lại là thực tại, thật phũ phàng!).

Đấy là chưa nói đến thời tiết khắc nghiệt nơi đây. Ban ngày nóng bức, ban đêm lạnh giá, đến mức bạn chỉ ngủ quên 1-2 tiếng đồng hồ không đốt sưởi thì cái lạnh trong nhà lều sẽ luồn sâu vào thớ thịt khiến bạn không thể ngủ được.

“Nhưng người Mông Cổ cũng rất lạc quan bạn ạ. Người ta chẳng bao giờ thấy cốc nước bị vơi một nửa, người ta luôn thấy: À, nó đầy một nửa rồi”, cô bạn hướng dẫn viên lên tiếng kéo tôi ra khỏi những suy nghĩ mông lung.

Ừ nhỉ, người ta sao có thể lạc quan như thế được nhỉ. Khó khăn, khắc nghiệt là thế mà tôi có bao giờ thấy họ kêu ca đâu. Tôi chỉ thấy lúc nào họ cũng cười thật rạng rỡ. Điều đó chắc chắn sẽ là nguồn động viên dồi dào nhất từ trước tới giờ cho tôi trong những chặng đường sắp tới. Tại sao chúng ta phải kêu ca về những điều vụn vặt trong cuộc sống, trong khi người ta vẫn có thể sống rạng rỡ trong những hoàn cảnh khó khăn hơn gấp bội?

cuoc song nguoi Viet o Mong Co anh 2
Một người bạn của tác giả trải nghiệm cuộc sống du mục của người Mông Cổ. Ảnh: Nguyễn Văn Quỳnh.

Chuyến đi không chỉ để lại cho tôi bài học từ người dân Mông Cổ, tôi còn học được rất nhiều điều từ chính người bạn đồng hành của mình. Chị và chồng chị đã có những thời khắc thăng trầm đến “không thể tưởng tượng nổi” và cũng mới chỉ thành công trong vài năm gần đây. Kể chuyện khó khăn mà lại bằng giọng điệu… vui vẻ, chị chỉ kết lại cho tôi một lời khuyên: “Đừng bao giờ gục ngã, em ạ”.

Đó chắc chắn sẽ là lời khuyên mà tôi luôn ghi nhớ. Và tôi lại nhớ đến em. Cuộc sống còn nhiều trắc trở nhưng chúng mình sẽ vượt qua hết, phải không em?

Mang đại bàng đi săn sói ở Mông Cổ Ở tỉnh Bayan Olgii, phía tây của Mông Cổ, truyền thống huấn luyện và mang đại bàng đi săn đã kéo dài hàng nghìn năm và vẫn được duy trì đến ngày nay.

Sự chuyển mình của vùng đất hoang vu

Nằm lặng yên viết những dòng này, bên ngoài những cơn gió thảo nguyên thổi xào xạc qua tấm bạt trên nóc căn nhà lều mỏng manh. Vì là nhà lều của khu du lịch nên cũng đầy đủ tiện nghi và thật thơm tho, sạch sẽ (Còn thơm tho hơn cả căn hộ mà tôi đang ở nữa, thật đáng xấu hổ!).

Người Mông Cổ rất tự hào về thiên nhiên đất nước họ: những thảo nguyên bát ngát, những dòng sông trong vắt uốn lượn qua từng dãy núi hiền hòa, hay thậm chí cả vùng sa mạc khô cằn mà chúng tôi vừa tới. Ở những nơi đó, người ta sẽ  xây dựng những khu du lịch nghỉ dưỡng gồm nhiều nhà lều lớn nhỏ cho du khách nghỉ chân.

cuoc song nguoi Viet o Mong Co anh 3
Khu du lịch với những nhà lều màu trắng truyền thống của người Mông Cổ. Ảnh: Nguyễn Văn Quỳnh.

Trái ngược với đời sống khó khăn của người dân mà tôi kể ở trên, những nhà lều này có đầy đủ mọi tiện ích: nước, sóng điện thoại, mạng, người phục vụ, và cả những bữa ăn ngon... Các bạn đừng vội hốt hoảng nếu nghĩ đến đời sống khó khăn của người dân du mục mà tôi kể lể ở trên nhé. Dù sao, người ta cũng hiểu bạn đang đi du lịch nghỉ dưỡng chứ không phải đi trải nghiệm gian khổ, nên người ta sẽ tạo những điều kiện tốt nhất để bạn được thư giãn khi trốn tránh cuộc sống xô bồ hàng ngày.

Người Việt mình đi du lịch ở những nơi xa xôi này gồm những người đang làm ăn bên đây (khoảng 200 người là thợ sửa xe, thỉnh thoảng tự đi hoặc được tổ chức cho đi về nông thôn du lịch) và khoảng 1.500 du khách hàng năm sang đây theo những tour du lịch nghỉ dưỡng.

Tôi cũng đã gặp nhiều bạn trẻ sang đây đi phượt bằng xe máy trên những cung đường thảo nguyên bao la. Không lịch trình cụ thể, không khách sạn sang trọng, bỏ lại mặt trời ở sau lưng, các bạn cứ đuổi theo bóng của mình mà đi tới. Tôi chưa thử bao giờ, nhưng chắc chắn các bạn ấy đã có những trải nghiệm tuyệt vời mà ai cũng phải thèm khát.

cuoc song nguoi Viet o Mong Co anh 4
Tiện nghi trong nhà lều dành cho khách du lịch. Ảnh: Nguyễn Văn Quỳnh.

Tôi đã từng đọc ở đâu có người giải thích: Mông là "hoang dại", Cổ là "cổ điển", Mông Cổ là cách gọi của người Trung Quốc khi nói về đất nước Mongol (theo tiếng bản xứ), nhưng cũng cho thấy cái nhìn của họ về đất nước này: một vùng đất còn hoang vu, xa lạ. Vùng đất hoang vu này nay đang chuyển mình mạnh mẽ. Thủ đô Ulaanbaatar đang mọc lên những tòa nhà tráng lệ nhờ vào việc khai thác khoáng sản và việc xuất khẩu những mặt hàng lông, len, thịt, sữa từ đàn gia súc hơn 60 triệu con (gấp 20 lần dân số Mông Cổ và gấp 8 lần đàn gia súc của Việt Nam).

Tuy nhiên, ở những vùng nông thôn xa xôi, Mông Cổ vẫn giữ được những nét hoang sơ vốn có. Đến vùng cực tây, bạn có thể gặp những đỉnh núi không bao giờ tan băng, và vào mùa đông, tuyết rơi ở đó có khi lên đến hàng mét. Phía nam Mông Cổ lại là sa mạc Gobi khô cằn. Và hơn hết, đâu đâu bạn cũng thấy những thảo nguyên xanh ngắt và những đồi núi trùng điệp trải đến tận chân trời.

Trong chuyến đi vừa rồi, tôi và người bạn đồng hành đôi khi đổi lái với người lái xe chính. Ngồi sau ghế lái, tôi có cảm nhận như mình vừa lạc vào một phần phim Fast and Furious nào đó khi trước mắt mình là một con đường thẳng tắp, hai bên là đất sa mạc nắng nhuộm vàng lấp lánh. Cảnh đẹp tráng lệ khiến tôi không thốt được nên lời. Còn quá nhiều cảnh đẹp mà tôi chưa khám phá, và nhiều hơn nữa là những phong tục, văn hóa, lối sống của người dân mà tôi mới chỉ biết sơ sài.

Nơi đây vẫn là một vùng đất bí hiểm đối với tôi, và chắc chắn vẫn đang là một bí mật đang chờ bạn khám phá.

Ngày Tết chơi nhà bạn Mông Cổ, ăn thịt cừu bánh buuz

Tết Tsagaan Sar của người Mông Cổ cũng tương tự Tết Nguyên Đán tại Việt Nam. Dù từng bị cấm đoán, những phong tục truyền thống vẫn vẹn nguyên trong tâm thức người dân du mục.

Nguyễn Văn Quỳnh

Bạn có thể quan tâm