Sau hàng tháng trời chỉ tương tác trực tuyến, các nhà lãnh đạo thế giới đang thận trọng khởi động lại các cuộc gặp mặt trực tiếp trong bối cảnh ngoại giao từ xa không đạt được kết quả như kỳ vọng.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là hai trong số những lãnh đạo đầu tiên trở lại các cuộc gặp mặt trực tiếp hôm 29/6. Hai người đã gặp nhau bên ngoài Berlin để thảo luận về một quỹ phục hồi nhằm giúp đỡ các nước châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề bởi suy thoái kinh tế do lệnh cách ly.
Ngoại giao cấp cao cần gặp mặt trực tiếp
Ông Macron và bà Merkel trong buổi gặp mặt trực tiếp tại khu vườn trong lâu đài Schloss Meseberg ngày 29/6. Ảnh: WSJ. |
Các quan chức chính phủ trên khắp thế giới cho biết việc huỷ bỏ các cuộc họp trực tiếp đã tiết kiệm hàng triệu chi phí đi lại kể từ tháng 2 khi các nguyên thủ, bộ trưởng và trợ lý của họ ngừng việc bay đi khắp nơi trên thế giới.
Đồng thời, họ cũng nói rằng lệnh cách ly đã khiến những thoả thuận chính trị trở nên phức tạp hơn. Theo các quan chức và nhà ngoại giao ở châu Âu và Mỹ, sự thiếu bảo mật trong hội nghị trực tuyến - khi bất kỳ ai cũng có thể ẩn nấp bên ngoài khung hình - đã làm sụt giảm hơn nữa niềm tin trong các cuộc đàm phán phức tạp.
Không nơi nào có quan hệ ngoại giao phức tạp hơn ở Liên minh châu Âu (EU), một khối gồm 27 quốc gia tuân thủ theo những hiệp ước đưa ra sau những buổi đàm phán tại Brussels.
Sau 4 tháng hội nghị trực tuyến, bà Merkel và ông Macron, lãnh đạo của hai nền kinh tế lớn nhất trong khối, đã bắt đầu cuộc họp trực tiếp đầu tiên với cuộc trò chuyện trong khu vườn của Schloss Meseberg, một lâu đài được xây dựng từ thế kỷ 18 và hiện đóng vai trò như nhà khách của chính phủ Đức.
Hai bên đã liên lạc thường xuyên với nhau và với những nhà lãnh đạo khác qua điện thoại và một dịch vụ hỗ trợ cho những cuộc hội nghị trực tuyến. Tuy nhiên, quan chức hai nước đều cho rằng hoạt động ngoại giao cấp cao nhất đã thách thức giới hạn của công nghệ.
Hội nghị trực tuyến không cho phép người dùng thể hiện rõ ràng cảm xúc, ngôn ngữ cơ thể và cả những trao đổi cá nhân, theo chia sẻ của một quan chức Đức với báo Wall Street Journal.
Ông Macron và bà Merkel trong buổi gặp mặt trực tiếp tại vườn lâu đài Schloss Meseberg ngày 29/6. Ảnh: Hayoung Jeon. |
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng khởi động lại những cuộc gặp gỡ song phương, như cuộc gặp trước đó với Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda. Ông Trump cũng tìm cách tổ chức cuộc gặp mặt G7 tại Trại David ở Mỹ trong nỗ lực khởi động lại ngoại giao thượng đỉnh quốc tế.
Tuy nhiên, sự chủ động này đã thất bại khi bà Merkel từ chối đến Mỹ vì lý do dịch bệnh.
Bà Merkel cũng hủy một buổi gặp của các nhà lãnh đạo châu Âu với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bởi nó diễn ra tại Leipzig, Đức. Cuộc gặp này sẽ vi phạm lệnh cấm đối với các sự kiện lớn liên quan đến đại dịch ở Đức.
Ông Macron nói rằng ông rất hân hạnh được là vị khách đầu tiên của bà Merkel từ sau khi ban hành lệnh đóng cửa trên toàn châu Âu. Nhà lãnh đạo người Pháp cũng thể hiện sự thích thú khi đón tiếp ông Trump bằng một cuộc diễu hành quân sự và bữa tối trên đỉnh tháp Eiffel.
Vẫn phải dè chừng đại dịch
Ông Macron và bà Merkel trong một cuộc hội nghị trực tuyến hồi tháng 5. Ảnh: Reuters. |
Hôm 26/6, ông Macron đã tổ chức một cuộc gọi video với Tổng thống Nga Vladimir Putin để thảo luận các vấn đề về Ukraine, Libya và Syria.
Ông Macron, bà Merkel và các nhà lãnh đạo châu Âu khác có kế hoạch bay đến Brussels ngày 17/7 để tham dự hội nghị châu Âu trực tiếp đầu tiên kể từ khi đại dịch xảy ra. Các phái đoàn sẽ nhỏ hơn nhiều so với bình thường để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm.
Barend Leyts, người phát ngôn của ông Charles Michel, cựu thủ tướng Bỉ và giờ là chủ toạ của Hội nghị thượng đỉnh EU, nói rằng một cuộc gặp mặt trực tiếp sẽ có ích rất nhiều đối với các thành viên Liên minh châu Âu trong việc hình thành gói cứu trợ sau đại dịch. Những vấn đề nhạy cảm khác được đưa lên bàn đàm phán bao gồm thoả thuận thương mại với Anh, nước đã rời EU vào tháng 1.
Cuộc gặp trực tiếp giữa Anh và Mỹ về định hướng mô hình trao đổi thương mại trong tương lai giữa hai nước sẽ bắt đầu lại vào tuần sau, với phái đoàn của Anh bay đến Brussels lần đầu tiên từ tháng 2.
Ông David Frost, người đàm phán của Anh, phàn nàn về việc không thể thảo luận trực tiếp với các đối tác châu Âu, rằng rất khó để có được không khí của một buổi đàm phán qua hội nghị trực tuyến.
Ngay tại Anh, chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson bắt buộc phải dựa vào hội nghị trực tuyến sau khi ông Johnson và một vài bộ trưởng của Anh bị lây nhiễm virus corona.
Khác với các đối tác châu Âu, chính phủ Anh sử dụng phần mềm Zoom cho các buổi hội thảo. Các quan chức châu Âu nói rằng phần mềm này không đạt được tiêu chuẩn về bảo mật. Ông Johnson đã bị chỉ trích hôm 31/3 khi ông đăng tải hình ảnh về một buổi gặp mặt trực tuyến, làm lộ mã truy cập và tên của một vài bộ trưởng trong cuộc gặp.