Hạt vi nhựa đang chui vào cơ thể con người ngày càng nhiều
Thứ sáu, 12/7/2019 06:19 (GMT+7)
06:19 12/7/2019
Các hạt nhựa li ti phân hủy từ rác thải nhựa có trong thức ăn, nước và không khí đang đi vào cơ thể chúng ta mỗi ngày.
Loại chất dẻo đầu tiên ra đời vào năm 1907, đánh dấu một kỷ nguyên mới cho ngành công nghiệp hiện đại. Loại chất liệu bền, nhẹ, rẻ, dễ uốn nắn và nhiều công năng này sau đó nhanh chóng xuất hiện ở hầu hết mọi nơi.
Nhựa phổ biến đến nỗi nó chắc chắn xuất hiện ở cạnh chúng ta trong bán kính 1 m. Mọi hoạt động hàng ngày dường như đều gắn bó với nhựa.
Cốc nhựa từ các chuỗi cửa hàng cà phê đang là một vấn nạn. Một số cửa hàng như Starbuck tuy sử dụng cốc giấy, nhưng cũng không thể tự phân hủy vì có một lớp nhựa bọc phía trong.
Tổng khối lượng nhựa trên Trái Đất được ước tính rơi vào khoảng 8,5 tỷ tấn và mỗi năm lại xuất hiện thêm khoảng 300 triệu tấn.
Nếu tất cả số nhựa này tụ lại và xếp thành một khối trụ với bán kính 1 km, ngọn núi nhựa khổng lồ này sẽ cao hơn cả đỉnh Everest.
Để có thể phân hủy ngoài tự nhiên, các loại nhựa tốn từ hàng trăm đến hàng nghìn năm. Chai nhựa tốn khoảng 900 năm để có thể phân hủy hoàn toàn. Nghĩa là kể từ khi xuất hiện từ năm 1907 đến nay, rác thải nhựa nếu không được tái chế đều còn nguyên vẹn ở ngoài tự nhiên.
Phần lớn rác thải nhựa được đổ ra đại dương. Khi tiếp xúc với tia UV, rác thải nhựa không phân hủy hoàn toàn mà trở thành các hạt vi nhựa li ti. Ước tính có khoảng 53 nghìn tỷ hạt vi nhựa trôi nổi trong đại dương, nhiều hơn số ngôi sao trong thiên hà.
Khó có thể tưởng tượng được cuộc sống sẽ vận hành ra sao nếu thiếu đi các loại nhựa, chất dẻo. Tuy nhiên, do được dùng với số lượng cực kì lớn và vẫn chưa có giải pháp tái chế tối ưu, số rác thải nhựa này đang trở về với loài người.
Hạt vi nhựa đã được các nhà nghiên cứu phát hiện trong thức ăn, nước uống, không khí, muối ăn, bia... Các nhà khoa học cũng đã phát hiện hạt vi nhựa bên trong phân người, bằng chứng cho thấy chúng ta đang hấp thụ chúng. Tuy nhiên, vẫn chưa chắc chắn liệu hạt vi nhựa có gây hại cho sức khỏe con người hay không.
Nhật Bản, Hà Lan, Na Uy và Thụy Điển là những quốc gia đi đầu trong việc bảo vệ môi trường. Những mô hình tái chế rác của họ được chuyên gia môi trường đánh giá là đáng để áp dụng.