Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

'Hạt giống viễn thông tương lai' - nơi ươm mầm tài năng IT Việt

Trăn trở về tương lai tốt đẹp hơn chính là khởi nguồn của “Hạt giống viễn thông tương lai” - nơi Huawei đầu tư phát triển tài năng công nghệ thông tin truyền thông trên toàn cầu.

Huawei anh 1

5 năm trước, Trần Tuấn Tú, Nguyễn Phú Hoàng - hai sinh viên Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM - trúng tuyển mùa đầu tiên chương trình “Hạt giống viễn thông tương lai” - "Seeds for the Future". Chuyến trải nghiệm 2 tuần ở Trung Quốc cũng là lần đầu tiên Tú, Hoàng được xuất ngoại, mang theo trọn vẹn niềm háo hức và tinh thần cầu thị của những sinh viên IT.

5 năm sau, hai sinh viên ngày nào đã trưởng thành. Tú trở thành một trong những người Việt hiếm hoi làm kỹ sư trí tuệ nhân tạo tại Rakuten - công ty thương mại điện tử lớn nhất Nhật Bản, được ví như một trong 4 “trụ cột” của phương Đông. Còn Hoàng là người Việt duy nhất làm kỹ sư phần mềm và là thành viên trong nhóm lập trình nòng cốt của Công ty Flixbus, Cộng hòa Liên bang Đức.

Tuấn Tú, Phú Hoàng chỉ là hai trong số hơn 30.000 sinh viên trên khắp thế giới được “nuôi dưỡng” đam mê và hưởng lợi từ chương trình của Huawei. Đến nay, con số ấy vẫn chưa ngừng tăng trưởng qua mỗi năm.

Từ vườn ươm tài năng

Khởi nghiệp ở tuổi 44 với muôn vàn khó khăn, nhà sáng lập Nhậm Chính Phi của Huawei tin rằng giáo dục là yếu tố then chốt để tạo ra cơ hội và thúc đẩy sự phát triển của một quốc gia. Do đó, các hoạt động trách nhiệm xã hội (CSR) toàn cầu của Huawei đều lấy giáo dục làm then chốt. “Hạt giống viễn thông tương lai” là một chương trình như vậy.

Huawei anh 2

Được triển khai từ năm 2008, chương trình hướng đến phát triển các tài năng công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT) địa phương, cũng như trở thành cầu nối giao tiếp giữa các quốc gia và nền văn hóa.

Theo chương trình này, Huawei tuyển chọn các sinh viên đại học ưu tú chuyên ngành ICT tham gia khóa học tập tại Bắc Kinh và Thâm Quyến (Trung Quốc). Bằng cách chia sẻ chuyên môn, kinh nghiệm về CNTT-TT của mình trong môi trường kinh doanh toàn cầu, Huawei giúp bạn trẻ từ các quốc gia học hỏi công nghệ tiên tiến trong ngành và tích lũy chuyên môn, kỹ năng để đóng góp vào sự tiến bộ chung của ngành.

Sau 11 năm, chương trình đã đến với 126 quốc gia và tổ chức quốc tế trên toàn thế giới, trên 500 trường đại học trên toàn cầu và hơn 30.000 sinh viên. Trong đó, hơn 5.773 bạn trẻ đã đến Trung Quốc, tham gia đào tạo tại trụ sở chính của Huawei.

Đến Việt Nam muộn hơn vào năm 2015, “Hạt giống viễn thông tương lai” cũng tạo ra cơ hội cho sinh viên xuất sắc chuyên nghành ICT trong nước tiếp xúc với kiến thức công nghệ thông tin và các kỹ thuật, chương trình đào tạo mới nhất.

Tính đến hết năm 2019, Huawei đã tổ chức thành công 4 mùa chương trình học bổng “Hạt giống viễn thông tương lai”. 42 sinh viên ưu tú của Việt Nam đã tham gia chương trình học tập 2 tuần tại Trung Quốc. Phần lớn đều đến từ các đơn vị đào tạo công nghệ thông tin hàng đầu như Đại học Bách khoa TP.HCM, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM, Đại học Công nghệ Thông tin TP.HCM, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Đại học Điện lực, Đại học Công nghệ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học FPT...

Hiểu rằng nhân tài là yếu tố quan trọng đối với sự tăng trưởng của bất kỳ ngành nào và sự phát triển nhanh chóng của CNTT-TT đang đặt ra bài toán cấp thiết về nguồn nhân lực chất lượng cao, bước sang năm 2020, mùa thứ 5 với nhiều biến động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, chương trình không chọn cách dừng lại.

Thay vào đó, “Hạt giống viễn thông tương lai” viết tiếp hành trình của mình bằng hình thức triển khai trực tuyến. 25 sinh viên Việt xuất sắc đã được tuyển chọn và trao cơ hội học tập các công nghệ mới nhất như 5G, AI, điện toán đám mây, IoT... trên nền tảng học tập Huawei iLearning X chuyên dành cho chương trình.

“Lý tưởng của Huawei là trở thành công ty tốt nhất để kết nối thông tin. Cũng giống như ‘mảnh đất đen’ cho phép người khác trồng ngô, đậu, lạc, khoai tây trên đó, chúng tôi cam kết cung cấp một nền tảng như vậy, nhưng là một nền tảng hợp nhất với tất cả công ty trên thế giới. Chúng tôi tìm cách thu hẹp khoảng cách giữa kiến thức được học trên lớp và các kỹ năng theo yêu cầu của ngành, đồng thời tăng cường chuyển giao kiến thức, hướng tới mục tiêu thúc đẩy sự bền vững lâu dài về kinh tế, xã hội và môi trường”, Bà Fiona Li - Phó tổng giám đốc phụ trách đối ngoại của Huawei Việt Nam - cho hay.

Đến cầu nối vươn tầm châu lục

Không đơn thuần là hỗ trợ về tài chính, trao cơ hội học hỏi kiến thức, “Hạt giống viễn thông tương lai” còn truyền động lực cho các sinh viên nhiệt huyết phát triển bản thân, cũng như nhận ra tiềm năng trong chính mình.

“Trở về từ chương trình, tôi hình dung rõ ràng hơn về tương lai, cũng như đặt ra mục tiêu mà lúc trước mình chưa từng nghĩ tới, đó là phấn đấu để có nhiều bạn bè, đồng nghiệp ở khắp nơi trên hành tinh này. Vậy là tôi không ngừng trau dồi ngoại ngữ, năng lực để được làm việc tại một trong những công ty toàn cầu hiện tại”, Trần Tuấn Tú chia sẻ.

Nhận ra ước muốn của bản thân, cậu sinh viên vùi mình vào chuỗi ngày tôi luyện nghiêm ngặt. Tú tham gia nghiên cứu khoa học với tiến sĩ của khoa, đăng tải thành công bài báo tại Hội nghị quốc tế ACM từ năm 3 đại học, rồi xuất sắc giành giải nhì cuộc thi AI telemedicine do VSEE (Công ty xây dựng hệ thống khám sức khoẻ cho phi hành gia NASA) tổ chức tại lãnh sự quán Mỹ, giải ba tại cuộc thi Sinh viên với nghiên cứu khoa học

Rời ghế giảng đường với thành tích top 12 sinh viên có điểm tốt nghiệp cao nhất lớp Cử nhân tài năng, Tú không ngừng trau dồi ngoại ngữ, trải nghiệm tại các công ty Nhật ở Việt Nam để chuẩn bị hành trang trở thành một công dân toàn cầu, làm việc tại tập đoàn nước ngoài với các đồng nghiệp đến từ nhiều quốc gia trên thế giới như cậu từng mơ ước. “Có công mài sắt, có ngày nên kim”, một năm sau, Tú được nhận vào Rakuten với vị trí kỹ sư trí tuệ nhân tạo.

Giống như Tuấn Tú, chương trình của Huawei đã tạo ra cú hích lớn cho chàng trai sinh năm 1995 - Nguyễn Phú Hoàng: “Qua chuyến đi, tôi biết được ngoài kia còn rất nhiều điều cần phải học hỏi. Bản thân cần cố gắng nhiều hơn nữa”.

Huawei anh 10

Hoàng là kỹ sư phần mềm người Việt duy nhất tại Công ty Flixbus, Cộng hòa Liên bang Đức.

“Khi sinh sống 2 tuần ở một Bắc Kinh đồ sộ, một Thẩm Quyến năng động phát triển, tôi cảm thấy yêu người Việt, yêu đất nước Việt Nam hơn bao giờ hết. Tình yêu dân tộc trỗi dậy, nhắc nhở tôi phải làm mọi thứ có thể để góp phần phát triển một Việt Nam có thể sánh vai bạn bè quốc tế. Sau chuyến đi này, tôi càng khao khát những chuyến đi khác để trải nghiệm và học hỏi thành tựu, nét đẹp từ các quốc gia khác, từ đó góp phần xây dựng một Việt Nam tốt đẹp hơn.

Tôi luôn cảm thấy tự hào khi là người Việt, được thể hiện năng lực của mình ở một công ty toàn cầu. Những gì tôi đang cố gắng ngày hôm nay cũng để chuẩn bị hành trang vững vàng để sau này trở về Việt Nam, đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước”, Hoàng khẳng định.

Với nhiều người, “Hạt giống viễn thông tương lai” có thể chỉ là một chương trình trao đổi kiến thức, một chuyến đi trải nghiệm ngắn hạn như bao quỹ học bổng khác từng làm, nhưng với những sinh viên như Tú, Hoàng... đó còn là chuyến đi để đời của thời thanh xuân.

Ở đó, họ đã tìm thấy ước mơ, động lực và vai trò của bản thân - một người con đất Việt với khao khát thể hiện tình yêu nước, khẳng định trí tuệ, tầm vóc người Việt với bạn bè 5 châu; một công dân toàn cầu ước vọng được cống hiến cho sự phát triển chung của nền CNTT-TT thế giới. Và lúc này, chính những chương trình như “Hạt giống viễn thông tương lai” lại trở thành cầu nối để các bạn trẻ đến gần hơn với ước mơ của mình.

Hạt giống viễn thông tương lai không chỉ trở thành cầu nối cho bạn trẻ Việt Nam học hỏi những công nghệ mới hàng đầu thế giới, đây còn là cơ hội để giao lưu, kết bạn với bạn bè quốc tế. Chương trình thật sự là bệ phóng, truyền nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho các bạn trẻ”, Tuấn Tú khẳng định.

Hành trình 5 năm của “Hạt giống viễn thông tương lai” ở Việt Nam đã chạm đến nốt thăng trên chặng đường gieo mầm cho những tài năng ICT. Nhưng không dừng lại ở đó, 5 năm, 10 năm sau hoặc hơn thế nữa, Huawei vẫn tiếp tục cam kết gắn bó lâu dài và bền vững, góp phần vào sự phát triển chung của ngành ICT Việt Nam, cũng là để hiện thực hóa sứ mệnh thúc đẩy sự phát triển của ngành CNTT-TT tại các quốc gia mà thương hiệu này hoạt động.

Dù chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, chương trình chuyển giao tri thức của Huawei vẫn không bị hạn chế. Năm nay, Huawei vẫn tiếp tục chuyển giao những công nghệ mới như 5G, AI, IoT… đến các bạn sinh viên qua hình thức học tập trực tuyến.

Tại Việt Nam, Huawei đã trao cơ hội cho 25 sinh viên xuất sắc đến từ ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Bách khoa Đà Nẵng, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM, Đại học FPT và các trường Đại học đến từ Bộ Công an. Chương trình đào tạo trực tuyến năm nay diễn ra từ 23/11 đến 27/11.

Hà Mỹ Giang

Bạn có thể quan tâm