Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Harry Vui vẻ và những bài học về sáng tạo

Trẻ em bước vào thế giới như những sinh vật tò mò, sáng tạo một cách tự nhiên. Tuy vậy biểu hiện sáng tạo, dù là sáng tạo lành tính, đều có những rủi ro.

Tác phẩm Ăn, Ngủ, Sáng tạo. Ảnh: ĐB.

Hầu hết thời gian, cậu con trai tám tuổi của Scott, Harry, là kiểu đứa trẻ mà bất kỳ bậc cha mẹ nào cũng muốn có. Cậu nhóc vui vẻ và rất hay cười, có mái tóc nhọn đáng kinh ngạc, và có thể được tin cậy để nói điều gì đó mơ hồ mang tính đột phá. Bố của cậu ấy đến từ Mỹ. Mẹ của cậu (vợ của Scott, Joanne) đến từ nước Anh.

Harry được “tạo ra” tại Singapore, sinh ra vào tháng 8 năm 2011. Nhưng nếu bạn hỏi cậu ấy đến từ đâu, cậu có thể sẽ trả lời là “Sao Hỏa” hoặc “Vùng đất Harry” - một vùng đất hoang đường, tùy thuộc vào tâm trạng của Harry mà cậu ấy có thể là vua, là thần, hoặc cả hai. Biệt danh của Harry ở trường là “Harry Vui vẻ”. Có một lần, khi được yêu cầu vẽ chân dung bản thân như một siêu anh hùng, cậu ấy không vẽ Người Sắt hay Người Nhện, cậu đã vẽ bản thân mình như một “Anh hùng Sáng tạo” (Captain Creative).

“Gửi Ông/Bà

PHÁ HOẠI TÀI SẢN CHUNG

Chúng tôi dựa vào vấn đề trên và cuộc trò chuyện qua điện thoại ngày 18/10/2016. Như đã thông báo, con của anh/chị đã bị phát hiện đang cố ý phá hoại nền nhà Sân chơi Đa chức năng bằng cách sử dụng một vài công cụ vào lúc 13 giờ 3 phút ngày 16/10/2016. Hành động của bọn trẻ đã bị ghi lại trên cảnh phim CCTV như bên dưới.

Phá hoại tài sản chung là không thể chấp nhận. Rất may mắn là những người lau dọn của chúng tôi đã có thể loại bỏ những vết bẩn trên sàn. Nếu không, chúng tôi có thể yêu cầu anh/chị bồi thường thiệt hại. Làm ơn hãy khuyên răn con của anh/chị về hậu quả của việc phá hoại của công và anh/chị sẽ phải chịu trách nhiệm về tất cả những mất mát và chi phí mà Ban quản lý phải trả cho việc sửa chữa, thay thế, hoặc khôi phục bất kỳ thiệt hại hay hư hỏng nào gây ra bởi người dân hoặc khách, như đã được đề cập trong Nội Quy”.

Hãy hình dung sự bất ngờ của Scott lúc đó, khi vợ chồng anh nhận được bức thư từ hội nghị nhà chung cư ở Singapore năm 2016, báo cáo một “biến cố” liên quan đến Harry Vui Vẻ. “Con của anh/chị đã bị phát hiện đang cố ý phá hoại nền nhà Sân chơi Đa chức năng bằng cách sử dụng một vài công cụ”, bức thư viết.

“Hành động của bọn trẻ đã bị ghi lại trên cảnh phim CCTV như bên dưới. Phá hoại tài sản chung là không thể chấp nhận”. Điều gì đã khiến Harry có đủ can đảm để làm việc đó? Đó là vào một buổi chiều chủ nhật. Bọn trẻ cảm thấy chán nản. Chúng đã xin Scott được ra ngoài chơi và dùng phấn mà Harry được tặng vào dịp sinh nhật để vẽ một cái sân bóng chày trên sân bóng rổ. Scott không chỉ cho phép bọn trẻ làm thế, mà nếu đoạn phim CCTV có độ nét cao, bạn có thể cũng sẽ thấy anh ấy ở trên sân.

Bức thư viết tiếp, “Rất may mắn là những người lau dọn của chúng tôi đã có thể loại bỏ những vết bẩn”. Có phần đúng và có phần sai. Vết bẩn quả thật đã được loại bỏ. Nhưng không phải nhờ những người lau dọn, mà do một cơn mưa lớn vào buổi chiều chủ nhật ở Singapore.

Ban quản lý căn hộ đang làm chính xác những gì họ nghĩ họ phải làm. Khi viết bức thư, họ đã cho thấy một điều gì đó giống lý thuyết “cửa sổ vỡ” không khoan nhượng mà cựu Ủy viên Cảnh sát Thành phố New York William Bratton đã khiến nó trở nên nổi tiếng khi ông bài trừ tội phạm khắp thành phố vào những năm 1990 (Về cơ bản là nếu bạn sửa chữa những thứ nhỏ, như cửa sổ bị hỏng và trốn vé tàu điện ngầm, bạn sẽ thay đổi các quy phạm và kỳ vọng, và ngăn những thứ lớn không bao giờ xảy ra).

Tuy nhiên, một lời cảnh cáo nghiêm khắc như vậy hẳn đã được biện minh xác đáng nếu Harry đã sử dụng sơn xịt hay viết thứ gì đó gây xúc phạm về mặt tôn giáo, nhưng sử dụng phấn để thể hiện bản thân một cách sáng tạo là một chuyện hoàn toàn khác.

Trẻ em bước vào thế giới như những sinh vật tò mò, sáng tạo một cách tự nhiên. Đó là lý do mà những “người tốt nghiệp” mẫu giáo thường làm tốt hơn những thạc sĩ quản trị kinh doanh mới tốt nghiệp trong “thử thách kẹo dẻo”, một cuộc thi tính giờ sử dụng mì spaghetti, băng dính, và dây để xây công trình cao nhất vốn sẽ chống đỡ một viên kẹo dẻo ở trên đỉnh.

Nhưng chú nhóc Harry Vui vẻ đã rút ra được điều gì từ bức thư?

Biểu hiện sáng tạo đó, ngay cả biểu hiện sáng tạo lành tính, đều có những rủi ro. Bài học đó được củng cố khi Harry lớn lên. Trường học dạy cậu ta rằng luôn có một câu trả lời đúng và một câu trả lời sai. Cuối cùng, khi tham gia vào một tổ chức, cậu ấy sẽ học được rằng có một cách làm đúng và một cách sai để làm một việc, và rằng câu trả lời quan trọng hơn câu hỏi.

Rằng làm tốt hơn kỳ vọng sẽ được khen thưởng trong khi thử một thứ gì đó không hiệu quả sẽ bị trừng phạt. Không được kiểm soát, tất cả những điều này sẽ khóa chặt sự tò mò tự nhiên của cậu ta. Kết quả là nỗi sợ hãi, hay cái mà các sách vở tài liệu tâm lý học gọi là “bất lực tập nhiễm”, ngăn cản sự đổi mới của các cá nhân.

Scott D. Anthony, Paul Cobban, Natalie Painchaud, Andy Parker / NXB Tổng hợp TP.HCM và PACE

SÁCH HAY