Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Harry Potter’ từng hứng chịu cơn bão chỉ trích

Hiếm khi nảy sinh vấn đề phải kiểm duyệt sách thiếu nhi, nhưng cuốn Harry Potter là một ví dụ. Bộ truyện này đã bị rơi vào làn đạn chỉ trích ngay sau khi tập đầu tiên xuất bản.

Từ “kiểm duyệt” mang hàm ý giám sát đạo đức người khác. Một nhiệm vụ thật nặng nề! Tôi đề nghị chúng ta “chọn” thay vì kiểm duyệt. Các nhà kiểm duyệt thường gặp rắc rối vì họ đưa ra những tiêu chuẩn của riêng mình và khăng khăng rằng người khác phải tuân theo chúng. Mặc dù có những thứ chúng ta muốn kiểm duyệt vì lợi ích của xã hội (như là nội dung khiêu dâm), vì toàn xã hội công nhận chúng là độc hại. Ngoài đưa ra hướng dẫn rõ ràng, chúng ta cần nghĩ đến cảm nhận của người khác khi kiểm duyệt lựa chọn của họ.

Bản thân chúng ta cũng cần có sự khôn ngoan để lựa chọn đúng đắn. Cuộc sống đầy rẫy yêu cầu chúng ta phải lựa chọn thứ này, nhưng từ chối thứ khác. Thậm chí, chúng ta phải quyết định giữa cái tốt, tốt hơn và tốt nhất. Chúng ta chọn một số cuốn sách và từ chối những cuốn khác vì nhiều lý do khác nhau.

Một số cuốn sách chỉ làm lãng phí thời gian, có cuốn thì thô tục hoặc quá đi vào tiểu tiết. Chúng ta chọn một số cuốn được viết tốt, còn loại bỏ một số khác được viết kém; một số cuốn chúng ta không thích vì chủ đề không hấp dẫn, trong khi chọn những cuốn khác vì thích chủ đề của chúng. Chúng ta chọn sách cho mình (và gia đình mình), chứ không chọn cho người khác.

Hiếm khi nảy sinh vấn đề phải kiểm duyệt sách thiếu nhi, nhưng cuốn Harry Potter là một ví dụ như vậy. Bộ truyện luôn được trẻ em yêu thích này đã bị rơi vào làn đạn chỉ trích ngay sau khi tập đầu tiên được xuất bản. Cuộc tranh cãi bị đẩy lên cao do một bài báo được đăng trên trang www.theonion.com - một trang web chuyên đưa tin lá cải hoặc hài hước.

Bài báo đó có tiêu đề: “Truyện Harry Potter châm ngòi cho tục thờ cúng quỷ sa tăng phát triển ở trẻ em”. Không hiểu sao bài báo lại được lan truyền qua email và khiến nhiều người tin. Những người nhận còn chuyển tiếp email này tới toàn bộ danh sách bạn bè của mình.

Tuy nhiên, sự việc ầm ĩ này càng làm tăng doanh thu cho tập truyện đầu tiên này. Đa phần những người khiếu nại tại các cuộc họp nhà trường hay những thủ thư phản đối Harry Potter đều chưa từng đọc cuốn sách. Vì vậy, quy tắc số 1: Đừng chỉ trích những gì bạn chưa đọc. Tâm lý đám đông kêu gào phải kiểm duyệt. Nhưng khi con người sợ hãi, họ không suy nghĩ sáng suốt được. Quy tắc số 2 có liên quan chặt chẽ trong thời đại các mạng xã hội phát triển mạnh mẽ: Hãy đọc thật kĩ các bài đăng trên mạng, rồi suy nghĩ thật thấu đáo trước khi quyết định tin hay không.

Trong những tháng ngày người ta sôi lên vì giận dữ ấy, tôi đã dành rất nhiều thời gian để bảo vệ cậu bé Harry Potter theo học tại Trường Phù thủy và Pháp sư Hogwarts ấy - điều mà tôi chưa bao giờ làm trước đây. Mặc dù đúng là chúng ta không muốn trẻ em khám phá các phép phù thủy hoặc lời nguyền, nhưng bộ truyện Harry Potter không khuyến khích bất kì hành động nào như vậy.

J.K. Rowling đã viết loạt sách về thế giới song song, sử dụng các đồ vật giàu trí tưởng tượng (cú đưa thư, tranh chân dung canh cửa, trò Quidditch chơi trên cây chổi bay, khẩu hiệu của trường: Đừng bao giờ chọc lét một con rồng đang ngủ), xây dựng cốt truyện hấp dẫn và có tiết tấu nhanh, các nhân vật chính vô cùng đáng yêu. Harry Potter thỏa mãn niềm yêu thích những điều bí ẩn và ma thuật của mọi người. Tất cả đều là giả tưởng. Lòng dũng cảm, gan dạ, trung thành, khiêm tốn và cuộc chiến giữa thiện - ác là các chủ đề chung trong bộ truyện này.

Mat ngot cho tre tho anh 1

Harry Potter bị rơi vào làn đạn chỉ trích ngay sau khi tập đầu tiên xuất bản. Ảnh: Reuters.

Còn yếu tố phù thủy thì sao? Tôi đề nghị các bậc cha mẹ nên đọc các tập 1-3 với con, rồi thảo luận về chúng. Đây là cơ hội tốt để nói về thuật phù thủy, hãy xóa bỏ mọi nguy cơ tiềm ẩn của những câu chuyện bằng cách nói chuyện về chúng. Và sau đó, vui vẻ đọc sách cùng con. Gợi ý của tôi về tình huống trên đến từ thủ thư Kimbra Wilder Gish, người kể câu chuyện Người đẹp ngủ trong rừng.

Hãy nhớ rằng vào ngày công chúa chào đời, mụ phù thủy độc ác đã tiên đoán rằng nàng sẽ bị mũi xa quay sợi đâm vào ngón tay khi tròn 16 tuổi và chìm vào giấc ngủ vĩnh viễn. Đức vua và hoàng hậu sợ hãi nên đã ra lệnh phá hủy mọi khung cửi trong vương quốc. Vào sinh nhật lần thứ 16 của công chúa, nàng lang thang tới căn phòng áp mái trên ngọn tháp, nhìn thấy một chiếc khung cửi lạ. Vì tò mò, nàng đã chạm ngón tay vào mũi xa. Do đó, lời tiên tri của mụ phù thủy ứng nghiệm. Sẽ tốt hơn biết bao nếu nhà vua và hoàng hậu cảnh báo công chúa về mối nguy hiểm tiềm tàng của những mũi xa quay sợi ngay từ ngày nàng còn bé và tránh được tai ương!

Là cha mẹ, bạn có quyền không đọc cho con nghe bất kì cuốn sách nào khiến bạn phải băn khoăn. (Có lần tôi đọc truyện Chú nai Bambi cho con nghe. Ngờ đâu thằng bé khóc lóc thảm thiết, dỗ mấy cũng không chịu nín. Lẽ ra tôi chưa nên đọc truyện này vội vì thằng bé còn quá nhỏ.) Nhưng khi chúng ta loại một cuốn sách ra, nghĩa là chúng ta tự quyết định cho chính chúng ta, chứ không nên quyết định cho một gia đình khác, cho một trường học, hoặc cho cả đất nước.

Về phần Harry Potter, tôi chỉ mới đọc bốn tập đầu tiên, tôi thấy nó chẳng quảng bá tôn giáo phương Đông, tín ngưỡng Thời Đại Mới, thậm chí còn chẳng có phép phù thủy thật. Hai cuốn sách sẽ đề cập đến ưu và nhược điểm của vấn đề này là cuốn What’s a Christian to Do with Harry Potter? (Người Cơ đốc nên làm gì với Harry Potter) của Connie Neal (nêu ưu điểm) và cuốn Harry Potter and the Bible (Harry Potter và Kinh Thánh)của Richard Abanes (nêu nhược điểm). Cả hai đều được viết bởi các cây bút có suy nghĩ rất sâu sắc và thấu đáo.

Trong mọi trường hợp, việc đem cuốn Harry Potter ra so sánh với Biên niên sử Narnia của C. S. Lewis hoặc bộ ba cuốn Chúa tể những chiếc nhẫn của J.R.R. Tolkien đều khập khiễng. Sự phức tạp về mặt đạo đức giữa cái ác và cái thiện trong tưởng tượng của Lewis và Tolkien mang ý nghĩa sâu sắc và lôi cuốn người đọc ở một mức độ sâu sắc hơn. Vì vậy, không thể so sánh chúng với nhau dù cả ba tác giả cùng đề cập đến pháp sư và phù thủy.

Đây là văn học giả tưởng. J.K. Rowling cũng đặt Harry Potter vào một thế giới có trật tự đạo đức: Các lựa chọn có kết quả khác nhau, thiện và ác đều bị đe dọa, trí thông minh nảy sinh từ những tình huống căng thẳng hợp logic trong cuộc sống của cậu, nhưng nó ở một cấp độ khác và có một ý nghĩa khác. Rowling là một người kể chuyện giỏi, bà khéo léo đẩy các nhân vật của mình vào những tình huống hé lộ “sự thật”, mang lại cho người đọc nhiều điều để cùng nhau suy nghĩ và thảo luận.

Chúng ta nên nhận ra rằng việc truyện Harry Potter, giống như nhiều truyện thiếu nhi khác không được xây dựng trong thế giới quan Cơ đốc cụ thể. Chúng ta đã đối xử không công bằng với bộ truyện Harry Potter và các cuốn sách khác khi gán cho chúng những ý nghĩa thậm chí còn không hề có trong các câu chuyện.

Gladys Hunt - Mark Hunt / Tân Việt Books - NXB Dân Trí

SÁCH HAY