Nửa thế kỷ qua, nước Anh tuyệt vọng theo đuổi giấc mơ World Cup. Lần này, xứ sương mù có niềm tin mạnh mẽ vào một sự đổi thay. Đơn giản vì họ đã có Harry Kane.
Một ngày như mọi ngày, Harry Kane, lúc đó mới 8 tuổi và đang tập luyện ở Học viện Arsenal, lại cùng bố và anh trai ra công viên phía sau ngôi nhà ở Chingford để chơi bóng đá. Ở đó không có khung thành hay đường biên. Nhưng nó không quan trọng, chỉ cần bãi cỏ và hai cái cây, thế là đủ để cuộc vui bắt đầu.
Thường thì ở đó, ông bố Patrick sẽ đóng vai người hướng dẫn còn Kane và anh trai Charlie là đối thủ của nhau. Charlie chấp nhận làm công việc phòng thủ để ngăn chặn cậu em ghi bàn. Khi có bóng, Kane thích mình là David Beckham. Đôi khi, những cú sút từ xa bắt chước thần tượng khiến ông anh phải chạy đi nhặt bóng với khuôn mặt cau có.
Nhưng hôm ấy, họ không chơi ngay. Ông bố Patrick trông đầy vẻ căng thẳng. Rồi, không thể kìm nén hơn được nữa, cúi xuống và nói: “Nghe này Harry, bố muốn nói với con một điều”. “Vâng, chuyện gì cơ?”, Kane đáp.
Patrick quàng tay qua vai cậu con trai và nói: “Ừm, Harry, Arsenal ấy, họ đã loại con”. “Nhưng con đừng lo, chúng ta sẽ tập luyện chăm chỉ hơn và tìm một CLB khác, được chứ?”, ông tiếp tục. Và để an lòng đứa con bé bỏng, ông làm ra vẻ không bận tâm lắm tới việc này, sau đó đẩy Kane ra bãi cỏ: “Nào, chúng ta tiếp tục thôi”.
Thật ra thì, như Kane sau này chia sẻ với The Players Tribune, anh còn quá nhỏ để nhận thức được tính quan trọng của thông báo. Thấy bố vui vẻ, vậy có nghĩa là mọi chuyện đều ổn. Hơn hết, Kane đang nóng lòng tiến về phía quả bóng để mô tả lại pha dứt điểm của Beckham tối hôm trước trên TV.
Đó là trận đấu thuộc vòng bảng World Cup 2002, trên chấm phạt đền, đội trưởng đội tuyển Anh đã tung cú sút bằng mu chính diện tung lưới Argentina, trả món nợ trên đất Pháp 4 năm trước đó.
Cả nước Anh phát cuồng hôm ấy. Trong đó có Kane. Và cậu mơ về một ngày được khoác lên mình chiếc áo có gắn huy hiệu Tam sư, chơi ở World Cup, ghi bàn thắng rồi ăn mừng trước đám đông CĐV đang gào thét tên mình.
Nhưng mọi thứ đã không bắt đầu dễ dàng cho Kane. Bố đưa anh đến Tottenham nhưng bị từ chối sau một cuộc khảo nghiệm. Cực chẳng đã, Kane lại quay về đội bóng địa phương Ridgeway Rovers, nơi anh học những bài vỡ lòng về bóng đá năm lên 6. Rồi anh được nhận vào Watford.
Nhưng chỉ 2 tháng sau, anh bất ngờ được Tottenham tuyển lựa, sau một cuộc thử nghiệm khác. Thành thực mà nói, việc Kane có mặt ở lò đào tạo Spurs phần nhiều nhờ may mắn. Khi anh đến ghi danh, các HLV lắc đầu nhìn nhau và hỏi: “Thằng nhóc béo mầm chậm chạp đó là đứa nào vậy?”.
Kane chỉ nhận được cái gật đầu từ Giám đốc Học viện Richard Allen, do ông cảm thấy điều gì đó đặc biệt ở đứa trẻ vừa nhỏ vừa mập mạp này. Và cũng chính ông, sau này nhiều lần can thiệp để giữ Kane ở lại trước những lần các HLV dọa đuổi cậu ta.
Allen tin rằng Kane rồi sẽ cao lớn như ông bố của cậu. Đồng thời ông tin rằng một đứa bé chăm chỉ, khao khát học hỏi và cầu tiến rồi sẽ tiến bộ. Ông cũng là một trong số ít người nhận thấy trí thông minh của Kane trong vẻ lúng túng khi di chuyển, sự tinh tế và kỹ thuật dưới vóc dáng thô lậu.
Suốt một thời gian dài, Kane lớn lên trong sự hoài nghi. Tuy nhiên, anh luôn nỗ lực nhiều hơn những đứa trẻ khác và tuyệt đối không bao giờ nghi ngờ bản thân. Câu thần chú của Kane là: “Cứ chờ xem, rồi chúng ta sẽ biết ai đúng, ai sai”.
Cho đến trước năm 20 tuổi, anh đã trôi dạt đến Leyton Orient, Millwall, Norwich City và Leicester City, chơi ở Championship, thậm chí cả League One theo hình thức cho mượn. Mặc dù thu được những thành công hạn chế, song Kane nghĩ rằng đã đến lúc bước ra ánh sáng.
“Không, tôi không muốn đi đâu cả”, Kane nói vào trước mùa giải 2013/14, khi Andre Villas-Boas nói sẽ mang anh cho mượn một lần nữa. HLV người Bồ hơi sốc, bối rối nhìn đứa học trò cứng cổ.
Chính Kane dường như cũng cảm thấy hành động này quá ư liều lĩnh, nhưng đâm lao phải theo lao, anh tiếp: “Tôi sẽ không đi đâu hết. Vào mỗi cuối tuần, ông có thể nói rằng tôi không xứng đáng được ra sân. Chả sao cả. Điều đó cũng tốt thôi. Rồi tôi sẽ chứng minh cho ông thấy”.
Villas-Boas đã giữ Kane trở lại. Và anh tập luyện như điên, nhưng không bao giờ thuyết phục được ông ta điền tên mình vào danh sách đá chính. Số phận Kane chỉ thay đổi vào mùa đông, khi Tim Sherwood ngồi vào ghế nóng và cho anh cơ hội.
3 trận đá chính đầu tiên anh ghi 3 bàn. Và số lượng các bàn thắng không ngừng tăng lên. Nó tiếp tục bùng phát đến mức không kiểm soát nổi dưới thời Mauricio Pochettino, sau đó tạo nên lịch sử.
Tại Premier League, Kane trở thành Vua phá lưới 2 mùa liên tiếp 2015/16 và 2016/17. Anh cán mốc 50 bàn ở tuổi 23, chỉ sau 90 trận, nhanh thứ 11 lịch sử. Và ở tuổi 24, sau 141 trận đã có 100 bàn, nhanh chỉ sau Alan Shearer (124 trận).
Ban đầu vẫn còn những tranh cãi, kiểu như Kane có phải một cầu thủ thuộc đẳng cấp thế giới hay không. Nhưng rất nhanh chóng, câu hỏi này trở nên lố bịch.
Kane không phải một tiền đạo có sức mạnh tàn phá, cũng không đặc biệt nhanh, và khả năng đi bóng lắt léo lại càng không. Thế nhưng anh lại sở hữu bộ não vô cùng thông minh và nhạy bén để tìm ra cách tốt nhất để ghi bàn, cũng như ý thức về vị trí, không gian và xét đoán, phản ứng tình huống.
Đó là lý do anh đặc biệt hơn những chân sút khác, có thể ghi bàn ở mọi góc độ theo những phương thức không ai ngờ tới.
Đặc tính tốt nhất của Kane là niềm tin sắt đá vào bản thân. Ngay từ khi còn là cậu bé tập luyện ở Ridgeway Rovers, Kane đã tin rằng mình phải trở thành một tiền đạo, để rồi từ bỏ vai trò thủ môn mà các HLV ấn định cho anh. Với sự tự tin cao độ, anh đi qua những nghi ngờ cùng tháng ngày long đong cho mượn để khẳng định đẳng cấp hàng đầu.
Và cũng nhờ nó, Kane đạt thành giấc mơ khoác áo tuyển Anh. Hơn thế nữa, còn vinh dự đeo băng đội trưởng, giống như thần tượng Beckham thuở trước.
Trận đầu ra mắt Tam sư gặp Lithuania ngày 27/03/2015, Kane không có vẻ gì là lo âu hay sợ hãi. Đó là phút 71 và anh vào sân thay cho Wayne Rooney - mà sau này khi nhớ lại, nó giống như điềm báo về một sự chuyển giao quyền lực, giữa chân sút vĩ đại nhất tuyển Anh và chàng trai đang trên đường trở thành vĩ đại.
Chỉ 80 giây sau khi vào sân, Kane đã ghi bàn thắng. Một cú đánh đầu sấm sét sau đường chuyền của Raheem Sterling. Sau đó, anh chạy về phía góc sân để tiến hành màn ăn mừng quen thuộc: dang rộng đôi tay và trượt xuống mặt cỏ để thưởng thức bầu không khí náo nhiệt được tạo ra từ đám đông khán giả nhà.
Bây giờ, sau 3 năm, Kane đã có 12 bàn thắng cho ĐTQG chỉ sau 23 trận, và 8 trong số đó (tức 66,6%) được thực hiện ở các trận chính thức và chỉ có 2 ghi trên chấm phạt đền.
Với bình quân 0,52 bàn mỗi trận, hiệu suất làm bàn của anh còn trội hơn cả huyền thoại Alan Shearer, người bước vào kỳ World Cup đầu tiên (1998) với thành tích 18 bàn sau 39 trận, tức 0,46 bàn/trận.
Pep Guardiola từng mô tả Tottenham là “đội của Harry Kane”. Nhận định này không hẳn đã sai nếu nhìn vào tầm ảnh hưởng to lớn của anh. Và người ta cũng có thể áp dụng câu nói đó cho Tam sư. Thành thực mà nói, nếu Kane không sinh ra ở xứ sương mù, đội tuyển nước này không chắc sẽ tới Nga dễ dàng đến vậy.
Chỉ góp mặt 6 trận ở vòng loại World Cup 2018 nhưng anh ghi tới 5 bàn, tất cả đều có ý nghĩa quan trọng. Đó là pha lập công phút 90 mang về 1 điểm trước Scotland, 2 bàn thắng quyết định chiến thắng trước Slovenia và Lithuania, cùng cú đúp vào lưới Malta, bao gồm bàn mở tỷ số phút 53.
Chính vì vậy, cả nước Anh đã rung chuyển với thông tin Kane có thể bỏ lỡ World Cup vì chấn thương mắt cá khá nặng hồi tháng 3. Những người hâm mộ từng phấp phỏng lo âu vì thương tích của David Beckham, Wayne Rooney và Jack Wilshere trước các giải đấu lớn trước đây, một lần nữa cầu nguyện cho Kane, giờ là người hùng, niềm hy vọng mới của họ.
May mắn thay, Kane trở lại và bùng nổ như thường lệ. Kể từ khi bước sang năm 2018, anh đã ghi 15 bàn thắng, nâng tổng số pha lập công trong mùa 2017/18 ở cả hai màu áo, Tottenham và tuyển Anh, lên con số 43. Quá nhiều, quá ấn tượng với một chân sút 24 tuổi và vẫn còn trong bóng tối cách đây 4 năm, khi Tam sư chuẩn bị tham dự World Cup 2014.
Tuyển Anh là chúa gây vỡ mộng. Quá nhiều lần ra về ê chề đã chứng minh điều đó. Nhưng với Kane, một thủ lĩnh đầy tự tin và luôn biết cách giành chiến thắng, các CĐV Tam sư có thể nghĩ vào một sự đổi thay ở kỳ World Cup này.
“Chờ xem, rồi chúng ta sẽ biết ai đúng, ai sai”, mỗi khi câu thần chú của Kane cất lên, không ai phải thất vọng bao giờ.