Sông Hồng là ranh giới tự nhiên chia cắt trung tâm Hà Nội với khu vực phía đông rộng lớn gồm các quận Long Biên, huyện Gia Lâm và một phần phía bắc của tỉnh Hưng Yên. Từ lâu, khi Hà Nội chưa có nhiều cầu bắc qua sông Hồng, người Hà Nội thường ngại qua sông mua nhà.
Bởi vậy mà nhiều năm sau khi sáp nhập Hà Tây về Hà Nội, vùng đô thị mở rộng mạnh mẽ về phía tây và phía nam. Các khu đô thị lớn mọc nhiều trên các trục đường hướng tâm như Giải Phóng - Lê Duẩn, Nguyễn Trãi - Hà Đông, Tố Hữu - Lê Văn Lương, Đại lộ Thăng Long...
Tuy nhiên gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng khu vực phía đông đã khiến nhiều chủ đầu tư chọn khu vực này để ra mắt các dự án lớn. Vinhomes, T&T, BRG, Ecopark, Sunshine... đều có dự án tại khu vực này với số vốn hàng tỷ USD. Tuy nhiên, hạ tầng không phải lý do duy nhất khiến khu vực phía đông trở thành "chiến trường" mới của thị trường bất động sản Hà Nội.
Quỹ đất rộng lớn
So với các khu vực khác, phía đông Hà Nội chứng kiến quá trình đô thị hóa chậm hơn. Sau khi lên quận vào năm 2003, Long Biên vẫn chưa hoàn toàn có dáng dấp của một vùng đô thị, nhiều phường vẫn còn những cánh đồng lúa, canh tác nông nghiệp. Các khu vực sầm uất nhất tập trung dọc các trục đường lớn như Nguyễn Văn Cừ, quốc lộ 1A cũ và quốc lộ 5A. Kết nối giữa trung tâm Hà Nội chỉ có 2 cây cầu là Long Biên và Chương Dương.
Sau khi cầu Vĩnh Tuy và Thanh Trì nối đường vành đai 2 và vành đai 3 qua sông Hồng, cũng là lúc Hà Nội chứng kiến quá trình đô thị hóa chóng mặt về phía tây và tây nam. Trung tâm phát triển bất động sản sôi động khi đó là Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Tây Hồ và Hà Đông. Quá trình đô thị hóa kéo dài nhanh chóng đến Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, thậm chí là đến Hoài Đức. Bởi vậy, khoảng cách từ các khu vực này đến trung tâm Hà Nội có thể lên tới 8-10 km, thậm chí 15 km.
Nhiều dự án hạ tầng lớn giúp bất động sản phía đông hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư. Ảnh: Việt Linh. |
Khoảng cách xa, mật độ đô thị cao, giao thông ùn tắc ở phía tây và tây nam khiến nhiều người nhận ra khu vực phía đông Hà Nội là một sự lựa chọn "dễ thở hơn". Khoảng cách đến trung tâm phố cổ từ Long Biên hay Gia Lâm thậm chí còn nhanh hơn đi từ Hà Đông hay Cầu Giấy. Trong khi đó, những cây cầu mới được xây dựng khiến việc đi lại thuận tiện hơn trước kia rất nhiều.
Hiếm có khu vực nào ở Hà Nội mà có nhiều đại đô thị như ở phía đông Hà Nội. Hà Nội dường như thích hợp mở rộng về phía đông hơn là phía tây và tây nam như quy hoạch ban đầu.
GS Đặng Hùng Võ
Nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, đánh giá ở thế đô thị hóa chậm hơn lại khiến quỹ đất ở phía đông dồi dào và rộng lớn. Các chủ đầu tư có thể gom được quỹ đất rộng lớn, với khoảng cách không quá xa trung tâm.
Ecopark là chủ đầu tư lớn đầu tiên mở đường ở phía đông với khu đô thị rộng hơn 500 ha nằm ở huyện Văn Giang (Hưng Yên), vùng giáp ranh với Hà Nội. Để khách hàng thấy thuận tiện đi lại, Ecopark đầu tư nâng cấp đường tỉnh 379 của Hưng Yên nối với cầu Thanh Trì. Sau đó, Vingroup ra mắt đại đô thị Vinhomes Riverside gần như giúp tạo ra diện mạo mới cho khu vực Long Biên.
Quỹ đất lớn cũng giúp khu vực phía đông dễ dàng làm hạ tầng, mở những tuyến đường lớn như Cổ Linh, Ngô Gia Tự, Đoàn Khuê... Trục cao tốc Hà Nội - Hải Phòng nối Hà Nội qua Hưng Yên cũng mở ra quỹ đất mới, rộng lớn 2 bên.
Đó cũng là lý do các dự án bất động sản được ra mắt và chào bán ngày càng nhiều. Riêng Vinhomes đã cho ra mắt 3 chuỗi đô thị Ocean Park dọc theo cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với khoảng 1.200 ha. BRG cũng mở bán hàng nghìn căn hộ, HUD ra mắt khu đô thị Việt Hưng với hàng chục tòa chung cư, T&T ra mắt đại dự án biệt thự gần khu công nghiệp ở Hưng Yên... Masterise Home cũng ra mắt các dự án cao cấp ở khu vực phía đông.
Đón sóng đầu tư
Quỹ đất rộng lớn cũng giúp các chủ đầu tư có thể dễ dàng tạo ra những sản phẩm bất động sản có đầy đủ dáng dấp của một khu đô thị vệ tinh, đủ hấp dẫn khách hàng chịu xa khu phố cổ để về đây sinh sống.
Chuyên gia Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng quỹ đất rộng lớn là tiền đề quan trọng để phát triển các khu đô thị lớn, nơi có đầy đủ các tiện ích sống. Nếu quỹ đất manh mún, các dự án nhỏ lẻ, thiếu trường học, bệnh viện hay quán ăn, khó có thể kéo người dân về sinh sống. Trong khi đó, nếu mở rộng về Hưng Yên, khung giá đất lại rẻ hơn rất nhiều so với Hà Nội.
Một đại đô thị ở khu vực phía đông Hà Nội. Ảnh: TL. |
Hiểu được điều này, Vinhomes và Ecopark đã làm rất thành công các chuỗi đại đô thị có đầy đủ tiện ích như trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí, trung tâm thương mại, khu văn phòng cho thuê... Đường sá cũng được các chủ đầu tư này làm mạnh mẽ để thời gian di chuyển tới trung tâm và ngược lại ngày càng thuận tiện hơn.
"Hiếm có khu vực nào ở Hà Nội mà có nhiều đại đô thị như ở phía đông Hà Nội. Hà Nội dường như thích hợp mở rộng về phía đông hơn là phía tây và tây nam như quy hoạch ban đầu", ông Võ nói.
Ở góc độ đầu tư, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng khu vực phía đông vẫn là cơ hội tốt cho những người muốn đầu tư vào bất động sản Hà Nội, nói cách khác, đó là nơi chủ đầu tư bất động sản và các nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn có thể gặp nhau ở lợi ích.
Theo ông Đính, khu vực phía đông đang chứng kiến sự đầu tư về hạ tầng mạnh mẽ. Các tuyến vành đai 3,5 và 4 của Hà Nội sẽ kết nối khu vực phía đông với trung tâm bằng các cây cầu mới như cầu Ngọc Hồi, cầu vượt sông Hồng vành đai 4. Chưa kể các chuyến đường sắt đô thị sẽ hình thành trong tương lai. Trong khi đó, giá bất động sản khu vực này vẫn ở mức chấp nhận được của thị trường và có tiềm năng tăng giá khi hạ tầng được xây dựng.
Hạ tầng là điểm hấp dẫn của phía đông nhưng cũng có thể sẽ là một yếu điểm nếu số dân tăng lên nhanh chóng
Nguyễn Văn Đính
Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam
Ngoài ra, khu vực phía đông Hà Nội nằm trong khu vực kết nối quan trọng cùng tam giác phát triển Hà Nội - Quảng Ninh - Hải Phòng, nên các nhà đầu tư ngoại tỉnh khá ưa chuộng. Việc đầu tư nhà ở đây có thể đón làn sóng cho thuê cho nhóm chuyên gia, doanh nhân, người lao động ở các vùng kinh tế sôi động.
Tuy có nhiều điểm hấp dẫn, nhưng chuyên gia Đặng Hùng Võ cho rằng các đại đô thị ở phía đông nên có sự gắn kết và bổ sung cho nhau, tránh dập khuôn, chồng chéo chức năng, gây lãng phí nguồn lực. Điều này có thể tạo ra một vùng đô thị vệ tinh cho Hà Nội, không "da beo", chênh lệch, thiếu đồng bộ như những khu vực phát triển khác.
Ông Nguyễn Văn Đính thì cảnh báo hạ tầng là điểm hấp dẫn của phía đông nhưng cũng có thể sẽ là một yếu điểm nếu số dân tăng lên nhanh chóng. Do đó, tiến độ xây dựng các công trình giao thông kết nối cũng là một điều đáng cân nhắc. Nhà nước cũng nên đầu tư các công trình hạ tầng để tận dụng sự mở rộng của các khu đô thị vệ tinh, giải quyết sự quá tải của vùng nội đô.