Tác phẩm Hành trình tử thần - Ghi chép từ nước Anh được xem là công trình điều tra xuyên biên giới của nhà báo Đào Duy Bình. Ảnh: NXB Tổng hợp TP.HCM. |
Hơn 3 năm trước (ngày 23/10/2019) một chiếc container đông lạnh được phát hiện tại Khu công nghiệp Waterglade, nước Anh với 39 thi thể đã khiến cả thế giới rúng động. Việt Nam nhận về tin buồn khi đó chính là thi thể của 39 người Việt gồm 29 đàn ông, 8 phụ nữ và 2 thiếu niên 15 tuổi. Cuộc hành trình đến nước Anh tưởng chừng sẽ giúp thay đổi cuộc sống cuối cùng lại dẫn họ đến cái chết.
Qua nhiều năm, sự kiện về 39 con người đó cũng dần lắng xuống. Song, những vấn đề về di cư, nhập cư trái phép vẫn còn là một câu hỏi lớn. Trong cuốn sách vừa ra mắt với tựa đề Hành trình tử thần - Ghi chép từ nước Anh, nhà báo Đào Duy Bình được bắt đầu câu chuyện từ tấn thảm kịch năm 2019 và kết thúc bằng một sự kiện khác cũng làm chấn động nước Anh. Một xưởng gỗ ở khu nhà Bismark House Mill tại Oldham, Manchester đã bốc cháy vào ngày 7/5/2022 với bốn người Việt mất tích, “mọi hướng điều tra đều dẫn đến nạn buôn người”.
Câu chuyện chưa có hồi kết
Khác với tưởng tượng về một chuyến đi đổi đời với những bức ảnh hào nhoáng trên mạng xã hội, những đồng tiền gửi về quê nhà, hay những lời chào mời ngon ngọt hấp dẫn rằng “ở đây dễ kiếm tiền lắm”, Hành trình tử thần là một bức tranh đặc tả, cận cảnh và sống động về thực tế diễn ra trong cuộc sống của con người nơi đất khách.
Đó là một cuộc sống xa lạ, cả về khoảng cách địa lý lẫn trong hiểu biết của chúng ta về những người đồng bào nơi xứ lạ. Với nhà báo Đào Duy Bình - tác giả của cuốn sách cũng như thế, nếu không phải trong một lần công tác tại Anh vào năm 2012, anh có dịp được ở cùng những người Việt Nam nhập cư trái phép.
“Tự nhiên thấm vào mình là cuộc sống của những người không có giấy tờ tùy thân, vô hình nhưng vẫn phải làm việc, cố gắng kiếm tiền để gửi về quê nhà. Nó làm tôi nhớ đến người anh ruột đến Đức năm 1988 trong một chương trình hợp tác giữa hai nước. Anh cũng lao động, cũng chắt chiu vì cái gọi là tình gia đình, tình quê hương”, ông kể. Đây cũng chính là động lực thôi thúc một nhà báo chuyên viết về thể thao lao vào con đường tìm kiếm những tư liệu, những con người để nói lên một khía cạnh khác về câu chuyện di cư.
Trong buổi ra mắt sách, nhà báo Đào Duy Bình (phải) chia sẻ nhiều kinh nghiệm viết báo với các sinh viên Báo chí Đại học KHXH&NV TP.HCM. Ảnh: Thanh Trần. |
Cuốn sách được thực hiện trong vòng 12 năm, với 4 lần đến nước Anh và nhiều chuyến đi trong nước để gặp gỡ gia đình của 39 nạn nhân. “Trong những chuyến trở về, ấn tượng lớn nhất của tôi là người miền Trung còn nghèo lắm. Đi đến nhà cô Trà My (một trong 39 nạn nhân đã để lại lời nhắn 'Mẹ ơi con không thể thở được nữa' gây xúc động), tôi thấy họ buôn bán không được bao nhiêu mà chủ nợ đến thì nhiều”, ông kể, giải thích vì sao luôn có những người Việt mạo hiểm đặt chân vào 'con đường tử thần' nhằm giúp gia đình thoát nghèo.
“Cuốn sách đã đặt ra một câu hỏi rằng: Sau thảm kịch 39 người Việt Nam trong container tại Anh, người Việt có còn tiếp tục nhập cư bằng con đường trái phép không? Câu hỏi này cho đến nay vẫn còn tiếp tục và chưa có câu trả lời cuối cùng”, nhà báo Dương Thành Truyền nhận xét.
“Ước mơ xin đừng đi cùng cái chết”
Với nhà báo Dương Thành Truyền, đây là lần đầu tiên ông đọc được những bằng chứng xác đáng về những con người rất cụ thể, về con đường có gương mặt tử thần từ Việt Nam đến nước Anh, được vẽ ra qua lời kể và tài liệu điều tra từ các cơ quan nước ngoài.
“Đây là con đường của ước mơ nhưng đi cùng cái chết. Khát khao, nguyện vọng chính đáng của một kiếp người bình thường, nhưng sao mà nó cay đắng, chua xót quá”, ông thốt lên sau khi đọc cuốn sách.
Nhà báo Lưu Đình Triều cũng chia sẻ: “Khi đọc hết cuốn sách, điều tôi thấy được là một sự nhân văn. Nó không lên án, không phê bình những người nuôi ước mơ ra nước ngoài, kiếm sống. Điều quan trọng của cuốn sách là người ta có quyền ước mơ đó, nhưng ước mơ xin đừng đi cùng cái chết”.
Với hơn 200 trang sách, Đào Duy Bình không chỉ kể lại những câu chuyện gây ám ảnh độc giả, mà qua đó còn cho thấy nỗi băn khoăn của ông trong việc làm sao để người dân có thể có cuộc sống tốt hơn mà không phải trả giá bằng cả mạng sống của mình. “39 nạn nhân là bi kịch của 39 gia đình. Không ai muốn khơi gợi câu chuyện buồn, nhưng khi được kể ra nó mang lại giá trị lớn hơn. Đó là về câu chuyện giá trị của cuộc sống”, ông nói.
Từ trái sang: nhà báo Dương Thành Truyền, tác giả Đào Duy Bình và hai nhân vật chị Lệ, anh Sử chia sẻ về câu chuyện nhập cư tại đường sách Nguyễn Văn Bình, quận 1, TP.HCM ngày 1/12. Ảnh: Thanh Trần. |
Câu chuyện nhập cư trái phép là một vấn đề khó nói, lại càng khó để phân định đúng sai. Chính vì vậy mà những người nhập cư bất hợp pháp lẫn người thân của nạn nhân đều không muốn nói về nó. Nhưng khi quyết định trải lòng về câu chuyện của mình, dường như người ta cũng cảm thấy vơi bớt nỗi cô đơn.
“Cuốn sách như một người tri kỷ để những người nhập cư như chúng tôi tâm sự về lý do: tại sao người ta đi”, chị Lệ - một nhân vật trong cuốn sách đã cùng chồng bay từ Anh về Việt Nam để gửi lời cảm ơn đến tác giả Đào Duy Bình trong buổi ra mắt sách. Chị Lệ và anh Sử là những con người đã vượt qua “con đường tử thần” để trở nên thành công nơi đất khách, từ đó họ lại giúp đỡ, cưu mang những người đồng hương đến sau.
“Tận cùng của tất cả là sự thông cảm và sẻ chia. Khi dừng lại ở đoạn kết của cuốn, toát lên tận tâm can tôi là sự đùm bọc, ấm áp của người Việt Nam”, tác giả Đào Duy Bình chia sẻ.