Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hành trình tới Nhà Trắng của chủ tịch Trung Quốc

Trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Mỹ và gặp Tổng thống Obama ở Nhà Trắng, hai bên đã lên kế hoạch suốt một năm với các chuyến "tiền trạm" và trải qua nhiều sóng gió.

Chủ tịch Tập Cận Bình và phu nhân tới thành phố Seattle hôm 22/9 - bắt đầu chuyến công du Mỹ. Ảnh: AFP

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang thực hiện chuyến thăm chính thức cấp nhà nước đầu tiên tới Mỹ theo kế hoạch đã được lên sẵn một năm trước. Trong cuộc điện đàm ngày 21/7, Obama tiếp tục nhắc lại chuyến thăm Mỹ của ông Tập. Điều đó cho thấy sự kiện này quan trọng đối với mối quan hệ hai nước.

Tuy nhiên, chuyến thăm của ông Tập diễn ra trong bối cảnh căng thẳng kinh tế và an ninh giữa Mỹ - Trung khiến nhiều chuyên gia mô tả là “nghiêm trọng nhất” trong 10 năm qua.

Kế hoạch kỹ lưỡng

Công tác chuẩn bị cho chuyến thăm được khởi động từ tháng 2. Để chuyến đi đạt kết quả như mong muốn, Mỹ và Trung Quốc liên tiếp cử các quan chức cấp cao sang thăm lẫn nhau nhằm thảo luận chi tiết.

Ông Phạm Trường Long (phải) trong lần gặp Ngoại trưởng John Kerry hồi tháng 5-2015 ở Bắc Kinh - Ảnh:AFP
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bắt tay ông Phạm Trường Long (phải) tại Bắc Kinh ngày 16/5. Ảnh: AFP

Mỹ cử các quan chức như Bộ trưởng Tài chính Jacob Lew (30/3 -31/3/2015), Ngoại trưởng John Kerry (18/5 – 19/5/2015), Bộ trưởng An ninh nội địa Jeh Johnson (4/2015), Cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice (28/8 – 29/8/2015).

Trung Quốc cử Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Phạm Trường Long thăm Mỹ (8/6 – 12/6/2015).

Kỳ vọng

Tờ Duowei News cho rằng, mong muốn lớn nhất của Bắc Kinh trong chuyến thăm của ông Tập là đạt đồng thuận với Obama về khái niệm "mối quan hệ nước lớn kiểu mới" thay vì giải quyết vấn đề cá nhân cũng như những bất đồng.

Bắc Kinh tin rằng khái niệm này có thể mang lại sự thay đổi trong bản chất của mối quan hệ hai nước. Đó là lý do chính phủ Trung Quốc kỳ vọng nhiều vào chuyến thăm Mỹ lần này của nhà lãnh đạo 62 tuổi.

Nhân chuyến công du, Trung Quốc cũng muốn Mỹ chấp nhận những ưu tiên an ninh của nước này tại Biển Đông và biển Hoa Đông sau nhiều lần lớn tiếng cho rằng Washington không nên can thiệp vào các vấn đề ở hai vùng biển này. 

Hàng loạt rắc rối trước chuyến thăm

Một trong những chủ đề gai góc nhất giữa Washington và Bắc Kinh trước chuyến thăm của ông Tập là vấn đề không gian mạng. Mối lo ngại này gia tăng sau khi Văn phòng Quản lý Nhân sự Mỹ cho biết, hồ sơ của khoảng 20 triệu nhân viên liên bang bị đánh cắp.

Trong tháng 8, theo giới chức Mỹ, chính phủ nước này chuẩn bị phạt các công ty và cá nhân Trung Quốc xâm nhập mạng của các doanh nghiệp Mỹ để ăn cắp thông tin thương mại. Ngay lập tức, Bắc Kinh cử Đặc phái viên Mạnh Kiến Trụ - Ủy viên Bộ chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc - sang Mỹ để đàm phán nhằm xoa dịu tình hình.

Động thái này chưa có tiền lệ bởi đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Bắc Kinh cử đặc phái viên sang Mỹ trước chuyến thăm của nhà lãnh đạo.

Một số chuyên gia cho rằng ông Tập có thể hủy chuyến thăm tới Mỹ nếu các lệnh trừng phạt được ban hành. Tuy nhiên, chỉ một tuần trước sự kiện quan trọng, Washington thông báo họ chưa có kế hoạch áp đặt các đòn trừng phạt đối với doanh nghiệp Trung Quốc. Mặc dù hoãn "án phạt", theo Nhà Trắng, an ninh mạng “vẫn là chủ đề quan trọng” trong cuộc hội đàm giữa Tổng thống Obama và ông Tập ngày 25/9, theo Reuters.

Chứng khoán Trung Quốc tuột dốc trong vài ngày liên tiếp hồi tháng 8 khiến thế giới
Chứng khoán Trung Quốc tuột dốc trong vài ngày liên tiếp hồi tháng 8 khiến thế giới "chao đảo". Ảnh minh họa: AFP

Chuyến thăm của ông Tập đến đúng thời điểm cả Mỹ và Trung Quốc đang trải qua làn sóng chủ nghĩa dân tộc. Tháng 8, sau khi thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm điểm và đồng nhân dân tệ bị phá giá, Donald Trump - ứng viên chạy đua vào Nhà Trắng thuộc đảng Cộng hòa - đề nghị Obama hủy tiệc với ông Tập và thay vào đó, hãy tặng lãnh đạo Trung Quốc một chiếc bánh hamburger, theo Newyorker.

Trước khi rút khỏi cuộc đua, một ứng viên khác cũng thuộc đảng này là Scott Walker kêu gọi ông chủ Nhà Trắng hủy quốc yến tiếp đãi ông Tập sau khi chứng khoán Mỹ sụt giảm giữa bối cảnh thế giới lo ngại sự tụt dốc của nền kinh tế Trung Quốc.

Nhiều quan chức nêu ý kiến, nếu không hủy thì cần hạ cấp chuyến thăm của chủ tịch Trung Quốc do nhiều bất đồng trong mối quan hệ hai nước.

Ngoài vấn đề gián điệp mạng, Trung Quốc và Mỹ còn tồn tại vấn đề gai góc khác: Biển Đông. Hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy Bắc Kinh tiếp tục xây dựng các đảo nhân tạo trong vùng biển tranh chấp.

Những bức ảnh vệ tinh do Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington chụp ngày 8/9 tại bãi đá Vành Khăn cho thấy, có thể Trung Quốc đang xây đường băng trái phép thứ 3. Hành động của Bắc Kinh tương tự những gì họ đã làm trên hai bãi đá khác là Subi và Chữ Thập.

Hôm 14/9, CSIS công bố ảnh vệ tinh cho thấy Bắc Kinh sắp hoàn tất quá trình xây đường băng trên đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Điều này mâu thuẫn với khẳng định của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị rằng họ “đã ngừng” xây dựng.

Hành động và lời nói của Bắc Kinh tiếp tục khiến cộng đồng quốc tế lên án. Tổng thống Barack Obama tuyên bố rõ rằng ông muốn Bắc Kinh chấm dứt hoạt động xây dựng các căn cứ quân sự trái phép trên vùng biển này.

Sau đó vài ngày, hôm 18/9, Trung Quốc thông báo, doanh nhân Lệnh Hoàn Thành - em trai của Lệnh Kế Hoạch, một cựu quan chức Trung Quốc bị bắt trong chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập - đã được đưa về nước sau 14 năm lẩn trốn tại Mỹ. Nhân vật này bị cáo buộc tham nhũng và hối lộ. Vụ trao trả diễn ra không lâu trước khi ông Tập lên đường tới Mỹ.

Theo danh sách do Cơ quan chống tham nhũng Trung Quốc công bố hồi tháng 4, 100 quan chức cao cấp đã bỏ trốn sang nước ngoài. 40 người trong số đó hiện ở Mỹ và 12 người khác đã được phía Mỹ hồi hương.

Thách thức

Theo nhận định của ông Douglas Paalm, Phó chủ tịch mảng nghiên cứu tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Thế giới, Bắc Kinh muốn được thừa nhận rằng Tập Cận Bình là một nhà lãnh đạo quan trọng nhân chuyến thăm của ông tới Mỹ.

Tuy nhiên, ông Tập công du Mỹ khi đang phải đối mặt với những khó khăn kinh tế và mối nghi ngại ngày càng tăng về cách thức quản lý đất nước. Điều này trái ngược với hình ảnh nhà lãnh đạo có phong thái điềm tĩnh khi tiếp đón Tổng thống Obama hồi năm ngoái, theo New York Times.

Diễn ra vào thời điểm không thuận lợi nhất với lãnh đạo Trung Quốc, chuyến thăm này sẽ là thử thách thực sự cho vai trò lãnh đạo của ông.

Hải Anh

Bạn có thể quan tâm