Chủ tịch Tập Cận Bình và phu nhân tới thành phố Seattle hôm 22/9 - bắt đầu chuyến công du Mỹ. Ảnh: AFP |
Ánh mắt của công chúng luôn đổ dồn vào trang phục mà các đệ nhất phu nhân mỗi lần họ xuất hiện. Những chuyên gia thời trang cho rằng, cả bà Michelle Obama và Bành Lệ Viện đều dùng thời trang là "ngôn ngữ ngoại giao không lời nói". Cả hai đều là đại diện của nền văn hóa quốc gia. Họ cũng ủng hộ sản phẩm của các nhà thiết kế trong nước.
Theo South China Morning Post, hai biểu tượng thời trang của phụ nữ Mỹ và Trung Quốc có dịp đọ phong cách khi Chủ tịch Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viện tới Mỹ trong chuyến thăm cấp nhà nước từ ngày 22 tới 28/9.
Bà Bành, một cựu danh ca trong quân đội, trở thành biểu tượng "ngoại giao đệ nhất phu nhân" kể từ khi chồng đảm nhận cương vị chủ tịch Trung Quốc vào năm 2013. Bà từng có bài phát biểu về các biện pháp ngăn chặn đại dịch HIV/AIDS cũng như đề cập tới Ngày Thế giới Không thuốc lá cùng Bill Gates - nhà sáng lập hãng Microsoft - trong chuyến thăm nước ngoài cùng ông Tập. Bà cũng đảm nhận vai trò đại sứ thiện chí của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong chiến dịch chống bệnh lao vào năm 2012.
Theo Steve Tsang, một quan chức cấp cao của Viện Chính sách Trung Quốc thuộc Đại học Nottingham ở Anh, dư luận nước này muốn bà Bành làm điều gì đó "mềm mỏng và bổ sung nhiều hơn" cho ông Tập.
"Mỗi người đều có sở thích khác nhau trong vai trò là người của công chúng. Bà Bành rõ ràng thích điều đó và ông Tập cũng hài lòng. Một trong số rất ít trường hợp mà vợ lãnh đạo đảm nhận vai trò chính trị là Hillary Clinton", Tsang nhận xét.
Chủ tịch Tập Cận Bình và vợ chào đón Michelle Obama cùng hai con gái là Malia và Sasha khi bà thăm Trung Quốc năm 2014. Ảnh: Reuters |
Trong khi đó, đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama từng thực hiện chiến dịch chống béo phì ở trẻ em năm 2010 và cũng từng phát biểu về những chủ đề lớn khác. Năm ngoái, bà Michelle trở thành đệ nhất phu nhân Mỹ đầu tiên tới Trung Quốc mà không đi cùng chồng.
Dù Nhà Trắng cho biết, chuyến thăm mang nhiều ý nghĩa văn hóa hơn là chính trị, bà Michelle cũng đề cập tới những vấn đề như tự do ngôn luận và "quyền phổ quát".
Phong cách riêng
"Phong cách của bà Bành có xu hướng trang trọng hơn và rất thanh lịch. Bà thường mặc những trang phục có yếu tố truyền thống và không trang điểm nhiều", Jeanne Tan, phó giáo sư tại Viện Dệt may và Trang phục thuộc trường Đại học Bách khoa Hongkong, nói.
Trong khi đó, theo Phó giáo sư Tan, thời trang của đệ nhất phu nhân Mỹ "thực tế hơn". "Chúng ta từng thấy bà Michelle mặc trang phục của nhiều hãng thời trang khác nhau, thậm chí một số bộ còn khá diêm dúa.
Bà Michelle Obama và bà Bành Lệ Viện. Ảnh: AP |
Đệ nhất phu nhân Mỹ thường chọn các sản phẩm thời trang đa dạng, từ sản phẩm của các hãng cao cấp như J.Crew và Target tới nhà thiết kế nổi tiếng thế giới Alexander McQueen.
Trái lại, người ta khó nắm bắt rõ về thương hiệu thời trang mà bà Bành lựa chọn, dù cựu danh ca luôn ủng hộ các hãng thời trang nội địa như Exception de Mixmind.
"Trong văn hóa Trung Quốc, giản dị và thanh nhã là đặc điểm được đề cao. Vẻ sang trọng và phong cách của Đệ nhất phu nhân là hình ảnh thu nhỏ của những điều đó", Jerri Ng, tổng biên tập của tạp chí Mordern Lady của Trung Quốc, nhận xét.