Sáng nay (29/11), Bộ Công Thương đã công bố thông tin chào bán cổ phần Nhà nước tại Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Theo đó, Sabeco sẽ chào bán 343,3 triệu cổ phiếu, tương đương 53,59% vốn, với giá khởi điểm 320.000 đồng/cổ phiếu. Tổng giá trị thoái vốn khoảng 109.000 tỷ đồng.
340.000 đồng một cổ phiếu SAB
Trên sàn giao dịch chứng khoán sáng nay, cổ phiếu SAB của Sabeco tiếp tục phá “đỉnh”, lên mức 340.000 đồng/cổ phiếu và dự báo còn tăng lên mức 350.000 đồng. Đây là mức giá cao nhất trong lịch sử giao dịch của riêng cổ phiếu SAB, và cũng là một trong những mức thị giá cao nhất của một mã cổ phiếu trong một thập kỷ của thị trường chứng khoán.
Chỉ trong 10 phiên giao dịch gần nhất, thị giá SAB đã tăng đến 69.100 đồng/cổ phiếu, tương đương mức tăng 26%. Đà tăng “chóng mặt” này đẩy giá trị vốn hóa của Sabeco trên sàn chứng khoán lên hơn 218.000 tỷ đồng, tương đương 9,6 tỷ USD.
Tính từ khi niêm yết cuối năm 2016 đến nay, thị giá SAB đã tăng hơn 3 lần về giá trị. SAB cũng trở thành một trong những cổ phiếu blue-chip ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường mỗi khi giá cả biến động.
Với mức vốn hóa hơn 9,6 tỷ USD, Sabeco hiện là doanh nghiệp có vốn hóa lớn thứ 2 thị trường, chỉ sau Vinamilk.
Vì sao cổ phiếu Sabeco tăng giá nhanh?
Nhưng vào giữa năm, cổ phiếu SAB đã có giai đoạn chững lại. Trong nhiều phiên giao dịch liên tiếp, cổ phiếu này chỉ lên xuống quanh ngưỡng 200.000 đồng/cổ phiếu. Thậm chí, Sabeco còn phải chứng kiến nhiều phiên giảm giá liên tiếp.
Tuy nhiền, từ cuối tháng 7 đến nay, SAB tăng thẳng đứng trước những thông tin rõ ràng liên quan tới việc thoái vốn Nhà nước tại “ông lớn” ngành bia rượu này.
Ở thời điểm đó, Bộ Công Thương (đơn vị quản lý vốn Nhà nước tại Sabeco) thông tin chính xác sẽ thoái vốn ngay trong năm nay. Báo cáo trước đó được Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp đưa ra cũng cho biết dự kiến sẽ bán trước 53,59% vốn tại Sabeco. Sau thoái vốn, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại doanh nghiệp này giảm về 36%.
Sở dĩ, việc thoái vốn tại Sabeco phải chia làm 2 đợt vì khối lượng cổ phần quá lớn, giá trị lượng cổ phần này lên tới hàng trăm nghìn tỷ. Bộ Công Thương phải chia làm 2 đợt thoái vốn để đảm báo giá trị cũng như tính thị trường của cổ phiếu SAB.
Trong khi đó, thông tin Bộ Công Thương công bố sáng nay, Bộ sẽ tiến hành chào bán cạnh tranh cổ phần tại Sabeco vào ngày 18/12. Tỷ lệ room tối đa của SAB là 49%.
Như vậy, số lượng nhà đầu tư nước ngoài được mua tối đa trong đợt này là 38,59%, tương đương gần 247,5 triệu cổ phần.
Rất nhiều nhà đầu tư ngoại lâu nay luôn bày tỏ sự quan tâm tới Sabeco, đơn vị sở hữu gần 41% thị phần tiêu thụ bia tại Việt Nam. Những đại gia ngành bia trên thế giới như Heineken, Kirin và Thai Bev... đều không giấu tham vọng của mình trong thương vụ này.
Trong buổi công bố sáng nay, ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp, cho biết chủ trương của Chính phủ là bán 53,59% vốn. Việc bán hết hay không tùy thuộc vào nhu cầu thị trường và sự quan tâm của nhà đầu tư. Số cổ phần còn lại (nếu có), Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ xem xét giai đoạn tiếp theo.
Nhà đầu tư đã cam kết bằng văn bản giữ thương hiệu Sabeco
Nói về giá cổ phiếu SAB trong thời gian qua liên tục tăng, và có thể biến động giảm hơn mức giá khởi điểm trước ngày chào bán liệu có ảnh hưởng tới kết quả chào bán, ông Hoài nói nguyên tắc bán vốn công khai minh bạch, theo quy luật thị trường. Nguyên tắc bán thì theo giá thị trường ngày hôm qua, không thể có giá khởi điểm thấp hơn giá trên sàn. Mức giá này là do thị trường quyết định.
"Tôi nghĩ mỗi nhà đầu tư có một nhận định chiến lược riêng, nên mức giá chào bán cao mà họ đánh giá tốt về tương lai của doanh nghiệp thì cũng sẵn sàng. Giá cổ phiếu tăng thời gian qua hoàn toàn dựa vào vận động của thị trường chứ không phải một tác động vô hình nào cả", ông Hoài nói.
Trước thắc mắc Nhà nước sẽ chỉ còn nắm khoảng 36% vốn Sabeco thì việc giữ thương hiệu sẽ như thế nào? Ông Hoài thông tin thương hiệu Sabeco rất lớn, khi tiếp xúc với các nhà đầu tư nước ngoài như Carlsberg, Heineken và Thai Bev, họ cũng có mong muốn tham gia mua cổ phần Sabeco đồng thời cam kết bằng văn bản giữ gìn thương hiệu Sabeco.
Đại diện Bộ Công Thương cũng thông tin trong đợt đấu giá này, sẽ tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài đặt cọc bằng ngoại tệ và có cả bảo lãnh. Đây là nghiệp vụ lần đầu tiên trong quá trình đấu giá cạnh tranh.
Ông Võ Thanh Hà, Chủ tịch Sabeco cho biết thêm tại buổi roadshow chiều nay sẽ trao đổi với khoảng nhà đầu tư nước ngoài và đại diện các quỹ lớn nhất trên thế giới, như Kirin Holdings, AB Invest... Trước đó, Kirin cũng đang cân nhắc mua cổ phần của Sabeco, và sẽ xác định số cổ phần muốn mua khi thông tin chi tiết về đợt bán cổ phần Sabeco được tiết lộ.
Theo tính toán, các cổ phiếu công ty bia trong khu vực hiện nay giao dịch với P/E dự phóng 2018 là 22,5 lần, trong khi với mức giá hiện tại, cổ phiếu SAB có P/E dự phóng lên tới 47 lần. Mức định giá này từ thị trường cũng cao hơn rất nhiều so với con số 16 lần của Asahi, 21 lần với Carlsberg và 20 lần đối với Heineken.
Một số tổ chức nước ngoài trong thời gian gần đây cũng nêu quan điểm mức giá của SAB trên sàn chứng khoán đang quá đắt, nhất là khi so sánh với VNM hoặc các doanh nghiệp cùng ngành bia trên thế giới.