Trên lộ trình thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ công bố tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tích cực triển khai “Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”; đẩy mạnh thực hiện “Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
“Những chiến lược nói trên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển nông nghiệp xanh bền vững. Nestlé chia sẻ việc hướng đến những mục tiêu này”, ông David Rennie - Phó chủ tịch Điều hành, Giám đốc Các thương hiệu Cà phê, Tập đoàn Nestlé - phát biểu tại Diễn đàn Nông nghiệp Sinh thái tổ chức ở Đắk Lắk. Diễn đàn quy tụ hơn 100 đại diện doanh nghiệp sản xuất.
Diễn đàn được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam đang đặt mục tiêu tái cơ cấu, thúc đẩy ngành nông nghiệp dựa trên chất lượng cũng như giá trị để trở thành nhà cung ứng lương thực, thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững cho toàn cầu. Tại đây, các đại biểu tham dự nêu bật những sáng kiến trong canh tác nông nghiệp tái sinh, nhân rộng mô hình thực hành tốt, hướng đến nền nông nghiệp xanh, ít phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Để đạt những mục tiêu trên, song song thực hiện tốt cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26, việc thúc đẩy hợp tác đa bên bao gồm khối công, khối tư và các đối tác trong toàn chuỗi cung ứng rất cần thiết. Phó chủ tịch Điều hành Tập đoàn Nestlé khẳng định tiếp tục làm việc với tất cả bên liên quan để hỗ trợ ngành nông nghiệp và cà phê Việt Nam phát triển bền vững. Ông cũng bày tỏ mong muốn đồng hành cùng Chính phủ và các cơ quan, ban ngành trong việc thúc đẩy nền nông nghiệp tái sinh tại Việt Nam. Trong đó, chương trình NESCAFÉ Plan được triển khai tại 4 tỉnh Tây Nguyên thể hiện nỗ lực quan trọng của Nestlé Việt Nam.
Diễn đàn Nông nghiệp Sinh thái đưa ra nhiều sáng kiến phát triển nông nghiệp bền vững. |
Tầm quan trọng của nông nghiệp tái sinh
Phát biểu tại điễn dàn, Phó chủ tịch Điều hành Nestlé - David Rennie - cho biết năm 2019, tập đoàn tuyên bố cam kết hướng tới đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và đã xây dựng lộ trình rõ ràng để đạt được mục tiêu này. Trong đó, nông nghiệp tái sinh (regenerative agriculture) đóng vai trò quan trọng. “Nông nghiệp tái sinh là trọng tâm của chương trình, gắn với tất cả hoạt động kinh doanh của Nestlé nhằm giảm lượng khí thải carbon”, Phó chủ tịch Rennie nói.
Ông Rennie cho biết thực hành nông nghiệp tái sinh là việc bổ sung, nuôi dưỡng và hợp tác với tự nhiên trong thời gian dài để hướng tới một phương pháp canh tác và nền nông nghiệp bền vững trong dài hạn. Ông chỉ ra 3 việc cần làm đối với loại cây trồng như cà phê, trong đó, đi đầu là sức khỏe của đất.
“Yếu tố then chốt trong chăm sóc đất trồng cà phê là giữ lại độ ẩm và chất dinh dưỡng trong đất. Điều đó đồng nghĩa, bạn trồng mà không làm mất đi chất dinh dưỡng của đất xung quanh nông trại cà phê”, ông cho biết.
Phó chủ tịch Điều hành Nestlé cũng nhấn mạnh việc tưới tiêu thông minh, tưới nước đúng thời điểm và đủ liều lượng. Cuối cùng là giảm nhu cầu phân bón tổng hợp, tránh tác động đến phát thải CO2 trong ngành nông nghiệp.
Trong khi đó, ông Philipp Navratil - Phó chủ tịch Phụ trách Ngành hàng Cà phê, Tập đoàn Nestlé - chia sẻ việc tái canh diện tích cà phê già cỗi là điều mà tập đoàn đang triển khai đáng kể ở Việt Nam. “Đến nay, chúng tôi đã phân phối hơn 63 triệu cây giống có năng suất cao và kháng bệnh, giúp tái canh 63.000 ha diện tích cà phê già cỗi ở Việt Nam. Điều này không những mang lại thêm thu nhập cho nông dân, mà còn giúp giảm lượng khí thải carbon trên một ha”, ông nói.
Ông David Rennie - Phó chủ tịch Điều hành, Tập đoàn Nestlé (trái) và ông Philipp Navratil - Phó chủ tịch Phụ trách Ngành hàng Cà phê, Tập đoàn Nestlé. |
Ông Binu Jacob - Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam - cũng nêu bật phương thức xen canh hợp lý tại các nông trại tham gia chương trình NESCAFÉ Plan tại Việt Nam. “Bằng cách đó, chúng tôi hỗ trợ nông dân cải thiện năng suất cà phê, giảm rủi ro trong canh tác do độc canh”, ông Jacob nói.
Cơ hội của Việt Nam và cam kết của Nestlé
Việt Nam đặt mục tiêu tăng kim ngạch xuất khẩu cà phê lên 6 tỷ USD vào năm 2030, đồng thời duy trì vị trí nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới. Phó chủ tịch Điều hành Tập đoàn Nestlé, David Rennie, nói tập đoàn cam kết hỗ trợ Việt Nam trên hành trình thực hiện mục tiêu này.
Đề cập đến lý do lựa chọn Việt Nam là nơi áp dụng mô hình nông nghiệp tái sinh, ông đánh giá Việt Nam là quốc gia tạo động lực tăng trưởng quan trọng trong khu vực Đông Nam Á. Theo đó, Việt Nam hiện sản xuất cà phê lớn thứ hai trên thế giới và là nhà cung ứng nguyên liệu cà phê lớn nhất cho Nestlé. Trong những năm gần đây, con số này ngày càng có xu hướng tăng. Cà phê là một trong những ngành hàng chủ lực của Nestlé tại Việt Nam.
“Chúng tôi nhìn thấy tiềm năng tương lai của Việt Nam trong việc trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu và khu vực. Do đó, chúng tôi tiếp tục mở rộng đầu tư bền vững tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực cà phê”, ông David Rennie nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ông Lê Quốc Doanh, phát biểu khai mạc tại Diễn đàn. |
Ông Rennie cho rằng cần giải quyết vấn đề tăng trưởng của ngành, đi đôi thực hành nông nghiệp tái sinh, đồng thời chỉ ra thành công của thị trường Việt Nam trong vấn đề này. “Tôi rất mừng khi thấy Việt Nam đạt được nhiều thành tích về xử lý vấn đề phát thải và tăng năng suất ở các trang trại cà phê. Các bạn có thể làm được cả hai thứ chứ không cần chọn một trong hai”, ông Rennie nói.
Phó chủ tịch Điều hành Nestlé đánh giá Việt Nam có cơ hội lớn dẫn đầu thế giới. Trong đó, các hoạt động nông nghiệp tái sinh là điển hình cho sự bền vững và tăng trưởng lâu dài của ngành.
Phó chủ tịch Rennie cũng cho rằng mục tiêu đạt 6 tỷ USD xuất khẩu cà phê của Việt Nam sẽ khó thành hiện thực chỉ bằng cách tăng số lượng trang trại: “Trong vài năm tới, tăng kim ngạch xuất khẩu không đến từ sản lượng mà còn từ việc tăng giá trị cà phê thông qua việc tăng hàm lượng chế biến hạt cà phê Việt Nam. Nếu chúng ta tập trung vào nông nghiệp bền vững, Việt Nam sẽ có nhiều thị trường xuất khẩu hơn. Các thị trường sẵn sàng trả phí cao hơn một chút”.
Ông cũng nói thêm không chỉ sản xuất cà phê xanh tại Việt Nam, mà còn sản xuất các sản phẩm cà phê. “Chúng tôi cam kết đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất trong khu vực cũng như toàn cầu. Cà phê Việt Nam được xuất khẩu đến mọi nơi trên thế giới”.
Kỳ vọng và thách thức
Ngày 4/10, NESCAFÉ - nhãn hiệu cà phê lớn nhất của Tập đoàn Nestlé - công bố kế hoạch NESCAFÉ Plan 2030 với tham vọng phát triển canh tác bền vững trong thập kỷ tiếp theo, giúp đổi mới phương thức canh tác ngành cà phê và nâng cao sinh kế cho nông dân. Trong đó, nông nghiệp tái sinh là trọng tâm và cốt lõi của chương mới này. Tập đoàn ưu tiên đồng hành với nông dân để áp dụng các phương pháp nông nghiệp tái sinh, giảm lượng khí thải carbon, cải thiện năng suất và thu nhập của nông dân.
Chia sẻ về NESCAFÉ Plan 2030, ông Philipp Navratil - Phó chủ tịch Phụ trách Ngành hàng Cà phê, Tập đoàn Nestlé - khẳng định tập đoàn thực sự lấy nông nghiệp tái sinh làm trọng tâm và cốt lõi, xem đây là thay đổi rất quan trọng đối với những kế hoạch sẽ triển khai.
“Ở Việt Nam, chúng tôi đã có 12 năm triển khai chương trình NESCAFÉ Plan với nhiều thành tích đáng ghi nhận. Chúng tôi đã bắt đầu hành trình này từ rất lâu trước đây”, ông Navratil nói.
Ông tin tưởng mạnh mẽ rằng nông nghiệp tái sinh sẽ giúp tăng năng suất, bằng cách tăng sức khỏe đất, bảo tồn nguồn nước cũng như đa dạng sinh học, rừng đầu nguồn, bảo vệ và bù đắp cho thiên nhiên. Về lâu dài, lợi nhuận lẫn sản lượng sẽ tăng. “Để tăng năng suất, rõ ràng chúng ta phải thu hút thêm nhiều nông dân muốn trồng cà phê, giữ chân những người trẻ có thể tiếp quản trang trại từ cha mẹ hay ông bà họ”, ông nói.
Lãnh đạo Tập đoàn Nestlé trong vườn cà phê canh tác theo mô hình nông nghiệp tái sinh. |
Song quá trình này khó tránh khỏi những thách thức. Đề cập đến những lưu ý khi làm việc cùng hàng trăm nghìn nông dân trồng cà phê tại Việt Nam, ông Navratil cho rằng vấn đề đầu tiên là thời gian. “Sẽ cần nhiều thời gian để thay đổi tư duy của một số nông dân. Đó là một trong những thách thức. Chuyển đổi nông nghiệp tái sinh cần có thời gian. Mặc dù đây là vấn đề dễ hiểu, nhưng cần thời gian để thấy kết quả. Vì vậy, cần có cam kết từ những người đi đầu thuyết phục nông dân làm điều đó”, ông nhấn mạnh việc xây dựng lòng tin với người nông dân.
Nhìn từ kinh nghiệm trong quá khứ, ông Navratil cho rằng thách thức lớn nhất khi mới chuyển sang nông nghiệp tái sinh là trong ngắn hạn, lợi nhuận hoặc năng suất tại trang trại sẽ giảm nhẹ. “Nhưng đó là thứ đáng đánh đổi, bởi sau này sẽ nhận lại thành quả”, vị giám đốc điều hành nói. Đối với chương trình này, điều Nestlé quan tâm là nông dân được trở thành một phần quan trọng. Từ đó, họ có thể chia sẻ thông tin đến những nông hộ khác.
Những thành quả gặt hái được tại thị trường Việt Nam là minh chứng của sự hợp tác hiệu quả lâu dài. “Chúng tôi thúc đẩy cơ chế kết nối đa bên thông qua các chương trình hợp tác WASI (Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên), Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các chương trình hợp tác đối tác công tư, các tổ chức phi chính phủ và mọi bên để có thể triển khai chương trình này. Chúng tôi không thể thực hiện quá trình chuyển đổi một mình”, ông Navratil nhấn mạnh.
Cuối cùng, ông Navratil đề cập đến thách thức lớn là cùng nhau đoàn kết và hoàn thành mục tiêu vào năm 2030 và 2050. “Mục tiêu mới nhất sẽ là thuyết phục nông dân cùng Chính phủ và các công ty rằng điều này đúng đắn. Tất cả các bên cùng nhau tiến về phía trước”.