Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hành trình hợp tác quốc phòng Việt - Mỹ

Sau 20 năm bình thường hóa quan hệ, hợp tác quốc phòng Việt - Mỹ có những bước tiến vững chắc và đang đứng trước nhiều cơ hội, đặc biệt là trong lĩnh vực cung cấp thiết bị quân sự.

a
Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh và người đồng cấp Mỹ Ashton Carter ký tuyên bố Tầm nhìn chung trong khuôn khổ chuyến thăm của ông Carter đến Việt Nam hồi tháng 5. Ảnh: DMA

Ngày 11/7/1995, Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Tổng thống Mỹ Bill Clinton chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao, mở ra chương mới trong lịch sử hai quốc gia trong đó có lĩnh vực hợp tác quốc phòng.

Sau khi bình thường hóa quan hệ, hợp tác giữa hai bên chủ yếu liên quan đến vấn đề tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam (MIA) và khắc phục hậu quả chất độc da cam mà Mỹ sử dụng trong chiến tranh.

Đến năm 2000, quan hệ quân sự giữa hai nước có bước tiến đáng kể với chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Cohen. Ông là người đứng đầu Lầu Năm Góc đầu tiên đến Việt Nam kể từ sau khi kết thúc chiến tranh. Sau chuyến thăm của ông Cohen, các hoạt động chung trở nên cởi mở hơn, kể từ năm 2003, các tàu chiến của Hải quân Mỹ được phép ghé thăm Việt Nam hàng năm.

Tháng 12/2003, Bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam, Đại tướng Phạm Văn Trà có chuyến thăm đến Washington sau chuyến thăm của ông Cohen 3 năm trước. Trong cuộc hội đàm, Bộ trưởng Phạm Văn Trà cùng người đồng cấp Donald Rumsfeld đã đồng ý tiến hành các cuộc gặp gỡ, trao đổi cấp Bộ trưởng Quốc phòng 3 năm một lần trên cở sở luân phiên giữa hai nước.

Năm 2007 ghi nhận bước tiến quan trọng trong quan hệ quốc phòng song phương. Chính quyền của Tổng thống George W. Bush đã dỡ bỏ lệnh cấm bán các trang thiết bị quân sự không sát thương cho Việt Nam. Sự kiện này mở ra cơ hội tiếp cận các thiết bị tiên tiến từ các nước phương Tây.

Viện trợ tàu tuần tra

a
Các sĩ quan Hải quân Nhân dân Việt Nam bắt tay chào mừng đại úy Thom W. Burke, sĩ quan chỉ huy tàu USS Blue Ridge (LCC-19), kỳ hạm của hạm đội 7, Hải quân Mỹ, trong chuyến thăm Việt Nam năm 2009. Ảnh: Wikipedia

Quan hệ hai nước có những bước tiến đáng kể từ năm 2009 khi hai bên tham gia nhiều hơn vào các hoạt động nhằm tăng cường sự tham vấn quốc phòng. Cuối năm này, Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh thăm chính thức Washington nhằm tăng cường hơn nữa sự hợp tác giữa hai nước.

Năm 2010, Việt Nam và Mỹ tổ chức kỷ niệm 15 năm bình thường hóa quan hệ bằng nhiều hoạt động lớn. Hai bên cũng đã mở ra một chương mới trong lĩnh vực quân sự khi lần đầu tiên tổ chức các hoạt động đào tạo phi chiến tranh tại Đà Nẵng.

Đến tháng 8/2012, ông Leon Panetta trở thành Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của Mỹ thăm vịnh Cam Ranh kể từ khi kết thúc Chiến tranh Việt Nam. Bộ trưởng Panetta đã đề xuất thành lập một văn phòng hợp tác quốc phòng tại Đại sứ quán Mỹ để tăng cường hơn nữa các hoạt động hợp tác.

Trong cuộc hội đàm với ông Panetta, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh tiếp tục nhắc lại yêu cầu của Việt Nam về việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương. Cũng trong năm 2012, lần đầu tiên Việt Nam gửi quan sát viên tham dự cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới RIMPAC-2012 giữa Hải quân Mỹ và các nước đồng minh.

Dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí 

Quan hệ song phương cũng như hợp tác quốc phòng giữa hai nước có bước phát triển mới trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến Washington vào tháng 7/2013. Trong cuộc đối thoại với Tổng thống Obama hai bên đã ra tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ.

Trong năm 2013, chính quyền Washington đã gỡ bỏ một phần lệnh cấm bán các vũ khí sát thương cho Việt Nam, mở đường cho thương mại quốc phòng. Diplomat nhận xét, đó là một thắng lợi cho cả đôi bên. Việt Nam có thể đa dạng hóa nguồn cung cấp trang thiết bị quân sự, phía Mỹ cũng có cơ hội tiếp cận thị trường đầy tiềm năng.

Năm 2015 ghi nhận bước tiến quan trọng trong quan hệ song phương khi lần đầu Mỹ hỗ trợ trang thiết bị cho Việt Nam. Trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter đến Việt Nam vào tháng 5/2015, phía Mỹ cam kết viện trợ 18 triệu USD giúp mua tàu tuần tra cho Cảnh sát biển. Đôi bên đã ký thỏa thuận về tuyên bố Tầm nhìn chung.  

Sau 20 năm bình thường hóa quan hệ, hợp tác quân sự giữa 2 nước đang diễn biến theo chiều hướng ngày càng sâu rộng hơn vì lợi ích của hai nước cũng như khu vực. Việt Nam - Mỹ đang đứng trước cơ hội lớn để mở rộng hợp tác quốc phòng, đặc biệt là thương mại quân sự, Alex Neill, thành viên cao cấp thuộc Viện nghiên cứu Chiến lược quốc tế IISS nhận xét.

Mỹ sẽ trao 6 tàu tuần tra cao tốc cho Việt Nam

Trưởng Văn phòng Hợp tác Quốc phòng Đại sứ quán Mỹ cho biết, Washington sẽ cung cấp 6 tàu tuần tra cao tốc để Cảnh sát biển Việt Nam tăng cường khả năng thực thi pháp luật.

Mỹ sẽ hỗ trợ Việt Nam 18 triệu USD để mua tàu tuần tra

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết Washington sẽ tài trợ 18 triệu USD nhằm giúp Việt Nam nâng cao khả năng phòng thủ hàng hải.

Quốc Việt (tổng hợp)

Bạn có thể quan tâm