Thế giới
Quân sự
Hành trình gian nan của những tay súng bắn tỉa Mỹ
- Thứ tư, 21/1/2015 17:58 (GMT+7)
- 17:58 21/1/2015
Áp lực lớn nhất đối với một tay súng bắn tỉa chính là nhìn mục tiêu bị hạ gục bởi viên đạn từ nòng súng của mình. Họ thường phải nghĩ tới số người được cứu hơn những người bị hạ.
|
Trước mỗi lần xiết cò, lính bắn tỉa thường phải xem xét nhiều thứ, bao gồm vận tốc gió, khoảng cách tới mục tiêu hay vị trí ẩn nấp. Vì vậy, họ thường làm nhiệm vụ theo cặp, bao gồm xạ thủ và hoa tiêu. Cả đội phải bí mật tiến tới vị trí thuận lợi để hạ mục tiêu. Họ cũng phải ngụy trang để hòa mình vào môi trường, ngăn kẻ địch phát hiện.
|
|
Thông thường, mục tiêu của lính bắn tỉa Mỹ là sĩ quan, chuyên viên hoặc những nhân vật có ảnh hưởng của đối phương. Ngoài ra, họ cũng đảm trách nhiệm vụ phá hủy cơ sở vật chất của kẻ địch như radar, máy phát điện, máy nước hoặc phá hủy các loại khí tài quân sự như xe cộ, máy bay. Tuy nhiên, lính bắn tỉa có thể phải nằm bất động nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày để có cơ hội thực hiện cú bắn hoàn hảo.
|
|
Quân đội Mỹ khẳng định, lính bắn tỉa hoạt động theo cặp sẽ mang lại hiệu quả cao hơn so với một tay súng đơn độc. Hai người giúp phạm vi quan sát rộng hơn, ngụy trang tốt hơn và tạo ra cơ hội rút lui an toàn hơn. Khả năng tiêu diệt mục tiêu của họ cũng lớn hơn một tay súng đơn độc.
|
|
Hoa tiêu cần nhìn thấu không trung để nhận thấy sự biến dạng của các dòng khí. Họ xác định vận tốc và hướng gió thổi nhằm hạn chế đến mức tối thiểu tác động của điều kiện tự nhiên tới viên đạn. Hoa tiêu cũng cần đảm bảo kẻ địch không nhìn thấy khói thoát ra từ nòng súng sau mỗi cú bắn. Trong trường hợp vị trí của đội bắn tỉa bị lộ, họ sẽ sử dụng súng trường tấn công mang theo bên mình như M16 hoặc M4 để đáp trả kẻ địch.
|
|
Để đáp ứng yêu cầu hạ gục mục tiêu trong một phát đạn duy nhất, lính bắn tỉa phải chọn những khẩu súng uy lực, có tầm bắn xa. Những khẩu súng bắn tỉa được ưa thích thường phải lên đạn sau mỗi cú bắn. Ngoài ra, xạ thủ chỉ gắn bó với một hoặc một vài khẩu súng mà họ quen thuộc. Lính bắn tỉa cũng cần lựa chọn thiết bị ngắm phù hợp cho từng nhiệm vụ.
|
|
Kính ngắm quang học có khả năng phóng đại mục tiêu lên khoảng 10 lần. Chúng được thiết kế để tùy chỉnh phạm vi và sức gió, giúp xạ thủ sử dụng hiệu quả nhất. Kính ngắm không phản chiếu ánh nắng mặt trời, giúp vị trí ẩn nấp của xạ thủ không bị lộ.
|
|
Lính bắn tỉa có những bộ đồ ngụy trang riêng với từng môi trường chiến đấu. Tuy nhiên, họ vẫn phải “trang trí” chúng để nó đồng nhất với môi trường xung quanh. Họ cũng được học kỹ năng ngụy trang từ những vật liệu sẵn có trong tự nhiên nhằm hạn chế khả năng bị phát hiện.
|
|
Để duy trì khả năng bách phát bách trúng, lính bắn tỉa phải rèn luyện thường xuyên ngoài thao trường. Đặc thù nhiệm vụ khiến họ phải hoàn thiện kỹ năng chiến đấu để tự quyết định số phận của bản thân.
|
|
Quân đội Mỹ có những trường đào tạo bắn tỉa quy mô để tôi luyện những tay súng hàng đầu. Họ tiến hành chọn lọc các ứng viên qua từng giai đoạn huấn luyện nhằm chọn ra những người ưu tú nhất.
|
|
Để rèn luyện kỹ năng trinh sát, lính bắn tỉa và hoa tiêu cần học cách mô tả đồ vật mà không được gọi tên. Mỗi người được nhìn thấy các đồ vật trong 1 phút vào buổi sáng. Sau một ngày huấn luyện, chỉ huy yêu cầu họ mô tả những gì nhìn thấy. Nếu nhìn thấy một chiếc kẹp giấy, ứng viên phải mô tả nó là “dây kim loại màu bạc, uốn cong hình bầu dục ở hai đầu”.
|
|
Nhiều lính bắn tỉa Mỹ khẳng định, điều kiện tác chiến bên ngoài dễ hơn nhiều các bài tập trong trường đào tạo. Tuy nhiên, yêu cầu khắt khe giúp họ sở hữu những kỹ năng tác chiến hoàn hảo, giúp tăng cơ hội hoàn thành nhiệm vụ và rút lui an toàn ngoài thực địa.
|
Hồng Duy
Ảnh: Military.com
Mỹ
súng trường bắn tỉa
Mỹ
lính bắn tỉa
xạ thủ
hoa tiêu
quân đội Mỹ