Bà Charlotte Aguttes-Reynier (phải) giới thiệu về cuốn sách mới ra mắt tại Hà Nội. Ảnh: Minh Thu/Vietnam+. |
Mới đây, nhà nghiên cứu người Pháp Charlotte Aguttes-Reynier (Chủ tịch Hiệp hội Nghệ sĩ Châu Á tại Paris) đã giới thiệu đến công chúng Việt Nam cuốn sách Nghệ thuật hiện đại Đông Dương (L'Art Moderne En Indochine), làm sáng tỏ những vùng tối che phủ sự phong phú và tầm quan trọng của nghệ thuật Đông Dương, một bộ phận quan trọng của lịch sử nghệ thuật quốc tế.
Nhân dịp này, bà Charlotte Aguttes-Reynier chia sẻnhững trải nghiệm sau 10 năm nghiên cứu nghệ thuật Đông Dương và cũng là hành trình đi tìm những tác phẩm “triệu đô” của Mai Trung Thứ, Lê Phổ, Lê Thị Lựu...
'Thưởng trà' dẫn lối hội họa Đông Dương
- Điều gì đưa bà đến với nghệ thuật Đông Dương?
Từ khi còn nhỏ, tôi đã đi theo cha tôi, chủ nhân nhà đấu giá Aguttes, tới các bảo tàng và tư gia của các nhà sưu tầm. Năm 1995, gia đình tôi chuyển tới Paris, nơi thị trường nghệ thuật đang diễn ra sôi động. Tôi bắt đầu quan tâm tới hội họa nói chung, cũng như hội họa phương Đông và trường phái Ấn tượng. Dần dần, tôi chuyên sâu về nghệ thuật hiện đại.
Bà Charlotte Aguttes-Reynier cùng các tác phẩm mỹ thuật thời kỳ Đông Dương. Ảnh: NVCC. |
Kể từ năm 2013, tôi bắt đầu nghiên cứu hội họa Đông Dương và các họa sĩ đến từ châu Á. Từ đó đến nay, tôi đã giám định và bán đấu giá khoảng 1.000 tác phẩm hội họa, sơn mài và điêu khắc, trong đó có hơn 115 tác phẩm của Mai Trung Thứ, khoảng 150 tác phẩm của Lê Phổ và gần 100 tác phẩm của Vũ Cao Đàm.
- Bà không chỉ tiếp cận nghệ thuật Đông Dương với tư cách là đại diện một nhà đấu giá mà còn với tâm thế của một nhà nghiên cứu. Người bán đấu giá luôn muốn đẩy giá tác phẩm lên cao còn nhà nghiên cứu phải giữ được sự khách quan khoa học. Bà có cảm thấy hai vai trò này mâu thuẫn nhau không?
Để trả lời, tôi sẽ kể cho bạn nghe một câu chuyện. Năm 2014, trong một cuộc gặp gỡ tình cờ ở Paris, tôi có duyên gặp gỡ tác phẩm “Thưởng trà” của Lê Phổ, một bức tranh lụa tuyệt đẹp với chất lượng nghệ thuật rất cao. Tôi bắt đầu nghiên cứu chuyên sâu về bức tranh này, về họa sỹ, sự nghiệp của ông... và tìm thấy niềm đam mê trong đó. Tôi ngạc nhiên khi phát hiện ra sự chênh lệch về kết quả của các phiên đấu giá tổ chức tại Châu Á và tại các nước khác trên thế giới.
Bức tranh này xứng đáng được nhìn nhận một cách khác biệt và nhà đấu giá Aguttes đã mang lại cho bức tranh giá trị đúng đắn, vượt xa những giá trị từng được ghi nhận trước đó tại châu Âu. Tôi cảm thấy mình có một sứ mệnh thổi đi lớp bụi mờ của quá khứ bao phủ lên tác phẩm, đưa nghệ thuật Đông Dương và những nghệ sĩ tài danh của Việt Nam ra ánh sáng.
Năm 2019, tôi sáng lập Hiệp hội Nghệ sĩ châu Á tại Paris nhằm mục đích làm sáng tỏ tri thức về sự nghiệp của những nghệ sĩ mang trong mình hai nền văn hóa Đông-Tây. Kể từ đó, tôi luôn mong muốn thực hiện một tác phẩm viết về Việt Nam giai đoạn 1925-1945 với hy vọng chiếu sáng 20 năm then chốt của lịch sử nghệ thuật Đông Dương. Đó là lý do để cuốn sách Nghệ thuật hiện đại Đông Dương ra đời.
- Quá trình giải mã nghệ thuật Đông Dương hẳn đã mang lại cho bà những điều bất ngờ?
Tác phẩm "Chân dung cô Phương" của Mai Trung Thứ được gõ búa với giá 3,1 triệu USD. |
Ngoài thể hiện quá trình thành lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, thế hệ các giảng viên, sinh viên ưu tú, tôi đã cố gắng đi tìm thông tin và tác phẩm gốc, hiếm thấy của các danh họa Việt Nam thời kỳ mỹ thuật Đông Dương như Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm, Lê Thị Lựu, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Phan Chánh…
Có một điều thú vị trong tác phẩm “Chiếc lược trắng” của Lê Phổ. Nếu như hình tượng người phụ nữ chiếm một vị trí quan trọng trong các tác phẩm của Lê Phổ, thì bức “Chiếc lược trắng” là một ngoại lệ. Chân dung người phụ nữ được vẽ bán diện, rất hiếm thấy trong các tác phẩm của ông, là minh chứng rõ ràng cho ảnh hưởng của phong cách Phục hưng Italy đối với họa sỹ, sau khi Lê Phổ đến thăm đất nước này vào đầu những năm 1930.
Lê Phổ đã cho ra đời một kiệt tác của sự thanh lịch và tinh tế: Tấm lụa trong suốt choàng trên tay người phụ nữ tương phản với sắc đỏ trên trang phục của cô. Là điểm nhấn chói sáng không tỳ vết, chiếc lược được trang trí tỉ mỉ như một món đồ trang sức quý giá, chiếm vị trí trung tâm của bức tranh. Là tâm điểm của bố cục, chiếc lược tô điểm trọn vẹn làn tóc mây đen bóng của một vẻ đẹp ma mị, hoàn hảo và trường tồn cùng thời gian.
Một ví dụ khác là họa sĩ Lê Thị Lựu. Khác với những người đồng môn luôn thể hiện hình ảnh người phụ nữ thanh lịch đang chơi nhạc, đọc sách, bà mang tới dấu ấn cá nhân khi vẽ họ trong khung cảnh mùa xuân hoặc khi đang làm những công việc đồng áng.
Họa sĩ Lương Xuân Nhị thường sử dụng tông màu nhẹ nhàng, kết hợp khéo léo các kỹ thuật truyền thống của phương Đông và phương Tây, thể hiện khung cảnh nông thôn và truyền thống với chủ nghĩa Hiện thực mang đậm chất thơ.
Tỉnh táo phân biệt tranh thật-tranh giả
- Hội họa Việt Nam ngày nay có vị trí như thế nào trên thế giới, thưa bà?
Tôi cho rằng các tác phẩm của các họa sĩ Pháp và Việt Nam thu hút một lượng các nhà sưu tầm gần như bằng nhau, và từ khoảng mười năm trở lại đây, tác phẩm các nghệ sĩ tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội liên tiếp đạt được các kỷ lục về giá.
Tác phẩm Thưởng trà. |
Tác phẩm của những người sáng lập, giảng viên và hiệu trưởng của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương như Victor Tardieu, Evariste Jonchère, hay Joseph Inguimberty không thể thiếu trong các bộ sưu tập về chủ đề này, ngoài ra còn phải kể đến tác phẩm của những họa sỹ chủ lực đã được họ đào tạo, nhất là Lê Phổ, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Gia Trí, Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ...
Theo khảo sát của chúng tôi, tranh của các nghệ sỹ Vũ Cao Đàm, Lê Phổ và Mai Trung Thứ có mức độ tăng trưởng bình quân hàng năm về giá bán lần lượt là 21%, 21% và 26% từ năm 2000-2022. Trong quãng thời gian từ năm 2000-2014, tăng trưởng còn hạn chế. Từ năm 2014, mức độ tăng trưởng gia tăng và đến năm 2022 tổng giá trị giao dịch các lô hàng của 3 nghệ sỹ này là hơn 38,3 triệu euro. Số tiền này vào năm 2014 mới chỉ là 4,2 triệu euro.
Chúng tôi sẽ tổ chức một cuộc đấu giá tác phẩm của các họa sỹ Châu Á vào ngày 7/3 tới đây tại Paris.
- Bà có đánh giá như thế nào về mỹ thuật Việt Nam hiện đại?
Mỹ thuật Việt Nam vẫn luôn được quan tâm và săn đón trên thế giới. Tuy nhiên, ở trong nước, tôi cho rằng thị trường mỹ thuật vẫn còn đang trong giai đoạn hình thành và có rất nhiều vấn đề.
Trước hết là các giao dịch hiện nay chủ yếu diễn ra trong khu vực tư nhân, nghĩa là người mua và người bán trực tiếp thỏa thuận với nhau. Có một thực trạng là người mua đôi khi đấu giá thành công nhưng lại bỏ tác phẩm không trả tiền. Trong khi đó, có những người bán không nghiêm túc, họ đưa ra những giấy chứng nhận giả. Thị trường Việt Nam cũng giống thị trường Hongkong ở đặc điểm là tranh giả tràn lan.
Tiếp theo, trong thời đại kỹ thuật số, việc mua bán một tác phẩm nghệ thuật cũng giống như mua bán bất động sản đã trở thành một khoản đầu tư bền vững và có thể chuyển nhượng. Đó là sợi dây liên kết giữa quá khứ và thực tại. Song, điều này chưa có quy định cụ thể tại Việt Nam.
Từ kinh nghiệm hoạt động quốc tế, tôi cho rằng các nhà sưu tập cần tỉnh táo, bổ sung kiến thức, đừng tin vào bất kỳ tờ giấy chứng nhận nào mà hãy tin vào sự kiểm định chuyên môn.
Chúng tôi cũng có một giải pháp cho tình trạng không trả tiền tác phẩm là yêu cầu đặt cọc khi tham gia đấu giá.
- Xin trân trọng cảm ơn bà.