Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hành trình đi tìm bản ngã trong tiểu thuyết của Choi In-ho

Tác giả đã tạo nên biến tấu khác lạ cho một chủ đề không hề mới. Liệu những con người hiện đại có nhận ra mình đã vô tình đánh mất bản thân trong guồng quay hối hả của cuộc sống.

Thành phố với những người quen xa lạ là cuốn tiểu thuyết tâm lý giả tưởng của nhà văn người Hàn Quốc Choi In-ho. Nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết là K một người đàn ông trung niên hiền lành, sống một chuỗi ngày lặp đi lặp lại, bình lặng đến nhàm chán bên vợ và con gái. Nhưng mọi thứ bỗng bị đảo lộn vào một buổi sáng khác thường.

Đồng hồ báo thức kêu inh ỏi, lúc 7h sáng dù hôm đó là ngày thứ 7. Lọ nước hoa hồng K vẫn dùng bị thay thế bằng một nhãn hiệu khác. Cũng từ đây, mọi người xung quanh, ngay cả vợ và con gái cũng dần trở nên xa lạ với K cho dù hình dáng bên ngoài không có gì thay đổi. Dù ở ngay trong nhà mình, nhưng dường như K đang lạc vào một thành phố xa lạ. Anh ta có 48 giờ để tìm ra sự thật.

Choi In-ho đã có một cuộc hành trình khám phá bản ngã và “cái tôi” của nhân vật hết sức độc đáo. Song hành với nhân vật K ta bỗng hồ nghi: thân thể là thứ duy nhất, nhưng phải chăng luôn có nhiều bản ngã, nhiều cá tính, ngự trị trong thể xác duy nhất ấy. Dù cạnh một người đến bao lâu đi chăng nữa, ta cũng chỉ “làm quen” được với thể xác của người đó. Còn những thứ cấu tạo nên tâm hồn phải vốn là một cõi hỗn mang không thể nắm bắt. K nghi hoặc người phụ nữ giờ đây anh ta gọi là “vợ” không phải là người vợ anh ta từng chung sống bấy lâu. Liệu có phải, bấy lâu nay K chỉ tiếp xúc với một bản ngã trong vô số những bản ngã của con người ấy mà thôi?

Hành trình 48 giờ “phá án” của K không giống như hành trình truy tìm hung thủ gay cấn mà chúng ta hay gặp trong các tiểu thuyết trinh thám. Hai ngày ngắn ngủi ấy giống như những thước phim “quay chậm” của cuộc sống. K vẫn gặp những con người ấy, vẫn đi tới những góc phố quen thuộc, nhưng anh ta nhận ra bản thân mình đã đổi khác quá nhiều. Guồng quay vội vã của cuộc sống làm K đánh mất “cái tôi” của chính mình.

Thanh pho voi nhung nguoi quen xa la anh 1
Tiểu thuyết Thành phố với những người quen xa lạ.

Thành phố với những người quen xa lạ  giống như bản hòa tấu được trình diễn bởi nhiều nhạc cụ, trong đó miêu tả tâm lý đóng vai trò chủ đạo. Đọc kỹ tác phẩm ta có thể thấy “chân dung của một độc giả lão luyện” bên trong con người của Choi In-ho. Không phải ngẫu nhiên mà tác giả lại gọi nhân vật chính trong tiểu thuyết của mình là K. Chúng ta có thể cảm nhận được hình bóng của cuốn tiểu thuyết đồ sộ Lâu đài của Franz Kafka khi đọc Thành phố với những người quen xa lạ. Một nhà văn ở thời đại công nghiệp đầu thế kỉ XX, một nhà văn sống giữa giai đoạn “toàn cầu hóa” của thế kỉ XXI; giữa hai con người ấy dường như có một mối giao cảm nào đó. Phải chăng đứng trước thay đổi lớn lao của thời cuộc, những con người duy cảm ấy luôn thấy cô đơn?

 

Trong tác phẩm dường như văn học, tôn giáo và nghệ thuật đã có sự hòa quyện nhuần nhuyễn, đến độ hợp nhất. Là một người theo đạo Thiên Chúa, là một con chiên sùng đạo, Choi In-ho không ngần ngại thể hiện sự sùng kính của mình với Đức Chúa Jesus. Với ông niềm tin tôn giáo như một điểm tựa cứu rỗi tâm hồn, ở đó con người ta có thể tìm thấy sự thanh tẩy, gột rửa tội lỗi hay ít nhất có thể khiến con người ta cảm thấy nhẹ nhõm.

Dường như nhà văn đã xóa bỏ mọi danh giới của hiện thực và ảo giác. Choi In-ho đưa người đọc đến chuỗi ảo ảnh liên tục của nhân vật K, nhưng bằng một bút pháp rất đáng tin, tác giả lại khiến ta nghĩ đó là hiện thực. Điểm đặc biệt của cuốn tiểu thuyết này nằm ở chỗ: không có nhân vật nào trong tác phẩm có tên cụ thể. Tất cả đều được gọi bằng những chữ cái viết tắt. Phải chăng không chỉ có K là người đánh mất “cái tôi” trong thành phố xa lạ ấy.

Choi In-ho (1945-2013) là nhà văn đương đại được đánh giá cao tại Hàn Quốc. Ông tốt nghiệp khoa Văn học Anh của Đại học Yonsei. Thành danh từ rất sớm, năm 17 tuổi ông đã dành được Giải nhất Cuộc thi Viết văn Mùa Xuân do Nhật báo Hàn Quốc tổ chức. Năm 1967, sau khi truyện ngắn Bệnh nhân kiến tập dành Giải nhất Cuộc thi Viết văn Mùa Xuân của Nhật báo Chosun, Choi In-ho bắt đầu sự nghiệp sáng tác chuyên nghiệp.

Thụy Oanh

Bạn có thể quan tâm