Bức ảnh thi thể bé trai 3 tuổi người Syria chết đuối, trôi dạt vào bờ biển khiến thế giới chấn động. Ảnh: Reuters |
Trên hành trình chạy trốn chiến tranh và đói nghèo, con thuyền chở gia đình bé Aylan Kurdi, 3 tuổi, gặp nạn. Khi chiếc thuyền dần chìm xuống, bố cậu bé, anh Abdullah, cố nắm lấy tay vợ và hai cậu con trai nhưng không được. Anh lạc mất vợ con giữa đám đông hoảng loạn đang cận kề cái chết.
Bố cậu bé bơi vào bờ, cố gắng tìm những người thân yêu dưới ánh đèn mờ trên bờ biển nhưng không thấy. Sau đó, mọi người biết rằng 3 mẹ con Aylan đã chết đuối cùng 9 người tị nạn khác.
Bức ảnh thi thể bé nhỏ của em trôi dạt vào một bãi biển khiến cả thế giới bàng hoàng và chấn động. Abdullah rơi vào tuyệt vọng khi nhận lại thi thể vợ con tại nhà xác bệnh viện thành phố Mugla, gần Bodrum.
Gia đình Aylan sống ở Kobane, một thị trấn chịu sự tàn phá của chiến tranh ở Syria. Dù vậy, với Aylan và anh trai, thị trấn nhỏ rất tuyệt vời khi các em có thể cười đùa, chơi với nhau, đánh thức bố vào mỗi buổi sáng.
Tuy nhiên, sau khi Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đóng chiếm thị trấn, hàng loạt cuộc giao tranh nổ ra. Gia đình em buộc phải rời quê hương, tìm một nơi yên bình hơn để sống.
Hành trình sóng gió
Chiến tranh, đói nghèo, sự thờ ơ là những nguyên nhân khiến cậu bé 3 tuổi tử nạn trên Địa Trung Hải. Ảnh: Euronews |
Theo tờ Ottawa Citizen, bác của bé trai xấu số, Teema Kurdi, tìm cách bảo lãnh cho gia đình cháu sang Canada nhưng thất bại vì thiếu giấy tờ. Vì thế, cô gửi tiền cho Abdullah và trả tiền thuê nhà cho gia đình 4 người ở Thổ Nhĩ Kỳ mặc dù "người ta đối xử với dân tị nạn Syria một cách khủng khiếp".
Bố của cậu bé từng tiếp cận một băng đảng buôn lậu để những người này đưa gia đình anh đến Hy Lạp. Lần đầu tiên, tàu bảo vệ bờ biển phát hiện và buộc họ trở lại Thổ Nhĩ Kỳ. Đến lần thứ hai, những kẻ buôn lậu không thể tìm thuyền giúp gia đình.
Anh Abdulla cùng một số người đang sống trong tuyệt vọng khác quyết định tìm thuyền và tự chèo đến đảo Kos, Hy Lạp.
Hành trình ẩn chứa nhiều nguy cơ như bị rò rỉ, quá tải, lỗi động cơ, dòng hải lưu mạnh cùng những tay súng luôn nhắm mục tiêu vào những người tị nạn. Tuy nhiên, bố của Aylan cảm thấy yên tâm vì mặt biển tĩnh lặng.
Bé trai rất phấn khích và nói với bố rằng: "Con và anh sắp có nhiều chỗ chơi rồi. Nhà mình đi đâu thế bố?"
Câu trả lời của người cha chắc chắn đã gợi lên ước mơ về cuộc sống ở châu Âu, nơi không có bom đạn, chết chóc trong lòng cậu bé. Tuy nhiên, ước mơ của em chấm dứt giữa hành trình đến miền đất hứa.
20 phút sau khi chiếc thuyền khởi hành, biển dậy sóng. Sóng lớn ập vào thuyền. 23 người tị nạn cố cầm cự trong suốt một tiếng. Chiếc thuyền chìm dần, mọi người la hét trong hoảng loạn, cô gắng bấu víu lấy cơ hội sống mong manh.
Bố của Aylan nhớ lại những giây phút cuối cùng anh được ở bên vợ con: "Chúng tôi cố cầm cự trên thuyền khoảng một giờ. Lúc đó, hai con tôi vẫn sống. Thế nhưng, chỉ lát sau, Galip ngạt thở vì sóng quá mạnh. Tôi buộc phải bỏ mặc nó để cứu con trai út. Nhưng cuối cùng, nó cũng chết. Và khi tôi quay lại, mẹ của chúng đã chết đuối".
Gia đình quá nghèo nên anh không mua nổi áo phao cho ba mẹ con. Vì thế, họ không thể thoát khỏi cái chết khi thuyền gặp nạn.
"Việc tích cóp chi phí cho cuộc chạy trốn không dễ dàng. Tôi không đủ tiền mua áo phao", anh nói trong đau đớn.
Abdullah Kurdi đứng chờ bên ngoài nhà xác ở Mugla, Thổ Nhĩ Kỳ, để nhận lại thi thể vợ con. Ảnh: AP |
Aylan cùng mẹ và anh trai là 3 trong số 12 người thiệt mạng trên hai chiếc thuyền chở 23 người lật úp trên hành trình rời bán đảo Bodrum, Thổ Nhĩ Kỳ, hướng về đảo Kos, Hy Lạp. Cái chết trở nên phổ biến trong cuộc di cư của người Syria đến miền đất hứa châu Âu.
Theo Tổ chức Di cư Quốc tế, từ đầu năm đến nay, 2.643 đã thiệt mạng khi vượt Đại Trung Hải. 94 người, bao gồm Aylan cùng mẹ và anh trai, bỏ mạng trên biển Aegean giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp.
Aylan không phải là trường hợp đầu tiên tử nạn, Abdullah cũng không phải là người duy nhất mất người thân trên hành trình nguy hiểm nhưng bức ảnh thi thể bé trai 3 tuổi trôi dạt vào bờ biển cho người dân trên thế giới hình ảnh trực quan về số phận của những người tị nạn.
Các nhà lãnh đạo, chính trị gia nhận ra rằng cộng đồng quốc tế phải hành động để giúp hàng nghìn người đang chạy trốn đói nghèo, chiến tranh tìm thấy một nơi ở yên bình hơn. Tuy nhiên, mọi nỗ lực đều không thể sửa chữa hết sai lầm ban đầu khi họ thờ ơ trước ước muốn được sống của người dân Syria, Iraq, Afghanistan và châu Phi.
Sau vụ việc, chính phủ Canada cho phép Abdullah Kurdi định cư nhưng anh từ chối. Anh muốn đưa thi thể vợ con về quê nhà an táng. Sự giúp đỡ đến quá muộn không thể bù đắp nỗi đau tinh thần của người cha mất con.