Các tay súng bịt mặt xông lên một xe bus ở phía bắc Mexico, mang theo một danh sách tên. Không có tiếng súng nào vang lên. Họ mang theo ít nhất 19 hành khách rồi lái xe đi mất mà không để lại dấu tích.
Không ai biết họ đi đâu.
Giới chức đang điều tra vụ việc mà họ nói có thể là vụ bắt cóc hàng loạt. Các lãnh đạo cao cấp Mexico cũng đưa ra một số lời giải thích trong những ngày gần đây.
Một chi tiết quan trọng được họ tiết lộ: những hành khách mà các tay súng đưa ra khỏi xe bus có khả năng là người di cư đi qua Mexico để đến Mỹ.
Giữa lúc tranh luận về vấn đề di dân ở biên giới Mexico – Mỹ vẫn luôn nóng ở cả 2 nước, kết quả điều tra vụ việc này sẽ ảnh hưởng tới chính sách ở cả 2 bên đường biên giới.
Một xe tải đi trên cao tốc nối San Fernando và Reynosa, gần nơi 19 di dân bị mất tích. Ảnh: Getty Images. |
Giả thuyết 1: Các di dân bị bắt cóc
Các quan chức mới đầu cố gạt đi khả năng các di dân bị bắt cóc, nhưng sau đó đã công bố một chiến dịch toàn quốc để tìm những người mất tích.
Các tay súng xông lên xe bus vào ngày 7/3 dọc đường cao tốc nối San Fernando, thị trấn ở bang Tamaulipas phía bắc Mexico, với thành phố Reynosa (Mexico) giáp biên giới với bang Texas của Mỹ.
Phải mất vài ngày để các quan chức hé lộ vụ việc, và họ đã chịu sự chỉ trích từ truyền thông Mexico vì điều này. Chính quyền nói họ cần phải xác nhận trước khi công bố thông tin.
San Fernando là nơi xảy ra vụ thảm sát di dân một thập kỷ trước. Năm 2010, các điều tra viên phát hiện thi thể của 72 di dân trong một ngôi nhà năm 2010. Một năm sau, họ phát hiện thi thể của gần 200 người trong một mộ tập thể ở cùng khu vực trong khi điều tra các vụ hành khách bị bắt cóc trên xe bus.
Nhưng các vụ bắt cóc di dân không phải chỉ xảy ra 10 năm trước ở Tamaulipas, nơi các băng đảng ma túy hoành hành. Giữa tháng 3, giới chức tuyên bố họ đã giải cứu được một nhóm 34 di dân bị bắt cóc.
Ảnh từ Hải quân Mexico cho thấy địa điểm thi thể 72 di dân đã chết được tìm thấy năm 2010, cách biên giới Mỹ gần 160 km. Ảnh: AP. |
Hàng nghìn di dân bị bắt cóc, điều tra không thỏa đáng
Trong nhiều năm, các nhà hoạt động và giới phân tích đã cảnh báo di dân từ Trung Mỹ thường xuyên bị tấn công khi đi qua Mexico. Năm 2011, ủy ban nhân quyền của nước này ước tính hơn 11.000 di dân đã bị bắt cóc trong quãng thời gian 6 tháng.
Những kẻ bắt cóc dùng những chiêu thức khác nhau ở những vùng khác nhau ở Mexico, Stephanie Leutert, giám đốc Sáng kiến An ninh Mexico ở Đại học Texas – Austin (Mỹ), nói với CNN. Ở bang Tamaulipas, chặn xe bus là chiến thuật phổ biến, theo bà Leutert, đồng tác giả một báo cáo về nạn bắt cóc di dân vào năm ngoái.
“Các xe có vũ trang chặn xe bus, người có vũ khí lên xe và kéo hành khách ra – đó là các bước bắt cóc phổ biến và đã trở thành một chiêu thức”, bà Leutert nói với CNN.
Maureen Meyer, phụ trách Mexico và quyền của di dân tại Văn phòng Washington về Mỹ Latinh (WOLA), một tổ chức nghiên cứu và vận động nhân quyền cho châu lục này, nói vụ việc mới đây có điểm khác: được dư luận chú ý. Rafael Alonso Hernandez Lopez, trưởng khoa tiến sĩ về nghiên cứu di dân ở Đại học Biên giới Phía bắc ở Tijuana, Mexico cũng đồng tình với nhận định này, và nói đây là vụ bắt cóc đầu tiên dưới thời tổng thống mới ở Mexico.
Bà Meyer nhìn nhận vụ việc này là vụ mới nhất trong hàng loạt vụ khác mà chính quyền Mexico không điều tra thỏa đáng.
“Di dân bị tội phạm nhắm đến chính vì họ đang yếu thế”, bà nói với CNN. “Họ trở thành món lợi kếch xù với các nhóm tội phạm bắt cóc họ để đòi hàng nghìn USD tiền chuộc”.
Cảnh sát đứng cạnh một mộ tập thể ở San Fernando, Mexico năm 2011. Chính quyền nói các băng đảng ma túy đã bắt cóc hành khách đi xe bus và chôn họ vào các mộ tập thể. Ảnh: AP. |
Giả thuyết 2: Các tay súng được di dân thuê
Giữa các đồn đoán của dư luận, Tổng thống Mexico Andres Manual Lopez Obrador và một cố vấn an ninh quốc gia của ông đưa ra khả năng các di dân không phải bị bắt cóc, mà đã thuê các tay súng để đưa họ vượt biên vào Mỹ.
Giới chức Mexico đang tìm hiểu xem có ai ở Trung Mỹ báo người thân mất tích hay không, và họ chưa thấy điều gì bất thường.
Bộ trưởng An ninh Mexico Alfonso Durazo nói với các phóng viên việc không có phát súng nào và chỉ có đàn ông bị đưa ra khỏi xe bus là điều đáng chú ý.
“Các thông tin tình báo cho biết các nhóm tội phạm hoạt động trong khu vực này làm dịch vụ vận chuyển di dân đến Mỹ”, ông Durazo nói ngày 12/3.
Đến ngày 14/3, Bộ trưởng Quốc phòng Mexico đưa ra các hình ảnh cho thấy xe bus đã đi qua một trạm kiểm soát của quân đội một giờ trước khi chạm trán các tay súng. Cả 44 hành khách trên xe đã được kiểm tra, ông nói. Giới chức Mexico tin rằng những di dân đã mang theo giấy tờ giả, vì các nhân viên kiểm tra xe bus không phát hiện người nước ngoài nào.
Năm 2011, ủy ban nhân quyền của Mexico ước tính hơn 11.000 di dân đã bị bắt cóc trong quãng thời gian 6 tháng. Ảnh: Getty Images. |
Tội phạm có tổ chức đe dọa cả khu vực
Đối với Leutert, chuyên gia ở ĐH Texas – Austin, giả thuyết này khó thuyết phục.
“Nếu định gặp những kẻ buôn người thuê, họ sẽ dừng lại xuống xe rồi gặp”, bà nói. “Vụ này có vẻ giống một vụ bắt cóc di dân hơn, và tôi cho là rất đáng lo ngại”.
Jeremy Slack, giáo sư Đại học Texas tại El Paso, nghiên cứu về ảnh hưởng của bạo lực ma túy đến di dân, nói rất khó khẳng định giới chức có biết nhiều hơn hay không. Nhưng cả 2 giả thuyết đều có thể đúng.
Di dân có thể đã thuê những kẻ buôn người, có thể sau đó chúng lại muốn nhiều tiền hơn và quyết định bắt cóc thay vì đưa di dân qua biên giới như thỏa thuận, ông nói.
“Thỏa thuận được điều gì với những kẻ buôn người không có nghĩa là chúng sẽ giữ lời”, ông Slack nói với CNN.
Và có những trường hợp, di dân thỏa thuận với một nhóm tội phạm, để rồi bị nhóm tội phạm khác chen ngang, theo ông Slack.
Các chuyên gia nói nhiều yếu tố có thể khiến tình hình nguy hiểm đối với di dân nói chung càng tệ hơn trong tương lai.
“Các thị trấn biên giới có thể trở nên hỗn loạn nhanh chóng”, bà Meyer của WOLA nói với CNN. “Các băng đảng tội phạm nhắm vào di dân vì họ yếu thế, và điều này có thể ảnh hưởng lớn đến cộng đồng sống ở biên giới”.
Leutert của ĐH Texas – Austin lo ngại rằng sự trắng trợn của các vụ việc có thể báo hiệu thời kỳ bạo lực mà khu vực từng chứng kiến trong quá khứ.
“Để thực hiện một vụ bắt cóc hàng loạt, sẽ phức tạp hơn nhiều so với bắt cóc 2 người, mà phải có tội phạm có tổ chức và tham nhũng”, bà nói với CNN.