Tập quán tư duy thiên lệch trong bao nhiêu năm qua là “thượng đế” đòi hỏi các hãng hàng không phải phục vụ tận tình chu đáo, nhưng lại quên rằng mình cũng phải có cách hành xử văn minh, lịch sự và có văn hóa chứ không thể hành xử tùy tiện.
Bị từ chối vận chuyển, xé áo nhân viên hàng không
Anh Ngô Đức H, nhân viên hãng hàng không Vietjet Air vẫn còn nhớ rõ sự việc xảy ra mà anh bị một nữ hành khách hung hãn xé rách toạc áo. Chuyến bay VJ 8687 từ Hà Nội đi TP.HCM dự định cất cánh lúc 22 h. Thời điểm 21h 20 phút, tại cửa ra máy bay số 15, anh H. thấy hành khách Trương Thị Thiên Tr. (sinh 1980, quê quán Bình Định) mang theo hành lý cồng kềnh vượt quá số lượng quy định, nên đã yêu cầu cân lại hành lý. Tuy nhiên hành khách này lại không muốn ký gửi theo đúng quy định và còn tỏ thái độ bất hợp tác.
Anh H. phải thực hiện quy định của hãng và thông báo từ chối vận chuyển đối với chị Tr. Ngay lập tức nhân viên này bị chị Tr xông vào hành hung và rượt đuổi, kéo giật áo đến rách. Sự việc chỉ dừng lại khi an ninh sân bay tới can thiệp. Cuối cùng, Cảng vụ Hàng không miền Bắc đã ra quyết định xử phạt hành khách Trương Thị Thiên Tr. số tiền 7.500.000 đồng, xem xét cấm bay đối với nữ hành khách này.
Theo đại diện Cục Hàng không Việt Nam, những trường hợp khách hành hung nhân viên như Trương Thị Thiên Tr. không còn là hy hữu. Trước đó, trên chuyến bay từ TP.HCM đi Bangkok, ngày 5/5/2014, hành khách Lê Thị Ngọc Q. cũng mang theo hành lý quá cước, khi bị nhắc nhở đã thoá mạ nhân viên của hãng và không ngừng gào thét đòi lên máy bay. Khi được “nhân nhượng” cho lên máy bay, nữ hành khách này tiếp tục ngang nhiên để hành lý quá cước sai vị trí.
Khi bị tiếp viên nhắc nhở, Q. lại tiếp tục gây sự, thoá mạ nhân viên của hãng khiến an ninh cụm cảng phải can thiệp, đưa nữ hành khách này trở lại sân bay Tân Sơn Nhất.
Chính người viết bài này đã từng chứng kiến một tiếp viên bị thóa mạ đến… thất thần. Chuyến bay VJ8389 từ Đà Nẵng đi TP.HCM ngày 22/4/2013 theo lịch trình khởi hành lúc 9h. Tuy nhiên, chuyến bay khởi hành muộn hơn 1 giờ đồng hồ khiến gần 200 hành khách phải chờ đợi, chỉ vì do nhân viên kỹ thuật của sân bay Đà Nẵng bê trễ trong việc ký vào biên bản kỹ thuật để máy bay có thể cất cánh.
Nữ tiếp viên trưởng chuyến bay VJ8389 từ Đà Nẵng đi TPHCM ngày 22/4/2013 bị một nam hành khách chửi bới, thoá mạ buộc phải rúc vào một góc trên khoang. |
Thế là một nam hành khách trung niên, lôi cô tiếp viên trưởng ra mắng nhiếc với đủ thứ ngôn từ nặng nề, nào là “đồ ngu”, “kém học thức”, “kém văn hóa”, “không biết cách ăn nói” v.v… Không chịu nổi, cô tiếp viên mặt tái mét phải đứng lùi vào phía trong khoang chịu trận.
Vietnam Airlines cũng “đau đầu” trước vấn nạn hành khách gây rối tại sân bay. Mới đây, tại sân bay quốc tế Đà Nẵng, hành khách Phạm Văn T. đã chửi bới, lăng mạ nhân viên của hãng và nhân viên an ninh tại cửa ra máy bay. Tại sân bay Cam Ranh, hành khách Vũ Quang H. khi qua cửa soi chiếu đã gây rối với nhân viên an ninh và bị từ chối hoàn tất các thủ tục an ninh.
Không ít hành khách nồng nặc mùi bia rượu, vì thế khi chỉ bị nhắc nhở nhẹ thì đã bức xúc và nặng lời ngay với nhân viên an ninh sân bay và hãng hàng không.
Vô tư như ở… ngoài đường
Tới thời điểm hiện nay, ngành hàng không đã xử phạt không ít trường hợp hành khách tự ý mở cửa thoát hiểm làm bung phao trượt. Gần đây, trên chuyến bay VN 270 từ TP.HCM đi Thanh Hóa, khi máy bay vừa đáp xuống sân bay Thọ Xuân thì một hành khách 61 tuổi bỗng dưng tự ý mở cửa thoát hiểm để... đi xuống.
Một hành khách khác trên chuyến bay Vietnam Airlines từ Hà Nội đi TP.HCM cũng tự ý mở cửa thoát hiểm khiến bung phao trượt, chỉ vì… để hít khí trời. Hậu quả của những hành động thiếu ý thức và thiếu hiểu biết đó làm hãng hàng không phải tốn chi phí 10.000USD cho mỗi lần ra nước ngoài cuộn lại phao, đóng lại cửa thoát hiểm, chưa kể thiệt hại do phải dùng máy bay khác thay để khai thác chuyến…
Nói chuyện điện thoại khi máy bay đang chuẩn bị cất/hạ cánh và ồn ào, nhốn nháo trên khoang hành khách là chuyện thường xảy ra trên các chuyến bay ở Việt Nam. Các vụ việc vi phạm còn có nguyên nhân là nhiều hành khách thường lơ là trước các hướng dẫn bay và những quy định cấm mà tiếp viên đã thông báo, nhắc nhở.
Dịch vụ hàng không ở nước ta tuy chưa thực sự hoàn hảo, song cũng cần nhìn nhận rằng, việc khiến cho môi trường dịch vụ hàng không chưa hoàn hảo đó cũng có một phần lỗi từ những khách hàng thiếu ý thức, thiếu văn hóa và văn minh hàng không. Chúng tôi đã từng chứng kiến cảnh hai người đàn ông hăm he và suýt nữa choảng nhau chỉ vì việc xếp hàng làm thủ tục không trật tự, chen lấn trong một chuyến bay của Vietjet Air từ TP.HCM đi Hà Nội. May mà sau đó nhân viên an ninh kịp thời đến can thiệp và nhắc nhở.