Hành khách chờ đợi mỏi mòn ở sân bay Hong Kong 'thất thủ'
Thứ ba, 13/8/2019 10:08 (GMT+7)
10:08 13/8/2019
Sân bay Hong Kong sáng 13/8 bắt đầu hoạt động trở lại, nhưng hành khách vẫn chờ đợi mỏi mòn khi hàng trăm chuyến bay chiều đến lẫn chiều đi vẫn được báo hủy.
Có 160 chuyến bay chiều đi từ sân bay quốc tế Hong Kong, một trong những nút giao thông hàng không bận rộn nhất thế giới, được thông báo hủy tính đến 8h ngày 13/8. Bên cạnh đó, khoảng 150 chuyến bay được lên kế hoạch đáp tại sân bay Hong Kong vào khuya 12/8 hoặc trưa 13/8 cũng được thông báo hủy. Ảnh: South China Morning Post.
Những hàng dài hành khách chờ đợi chật kín sảnh đi. Sân bay Hong Kong vẫn chưa thể khôi phục hoạt động bình thường sau cảnh hỗn loạn vào ngày 12/8. Nhiều người phải ngủ lại sân bay chờ các hãng hàng không điều chỉnh lịch trình hoạt động. Ảnh: South China Morning Post.
Sảnh đến của sân bay Hong Kong khá yên ắng. Một số người biểu tình vẫn bám trụ lại đây. Ảnh: South China Morning Post.
Cơ quan quản lý sân bay Hong Kong cho biết đã điều chỉnh lại kế hoạch chuyến bay trong ngày 13/8, đồng nghĩa hoạt động của nhiều hãng hàng không sẽ bị ảnh hưởng. Sân bay cũng đề nghị hành khách kiểm tra thông tin chuyến bay trước khi ra sân bay để tránh cảnh chờ đợi. Ảnh: South China Morning Post.
"Tôi đã ở sân bay suốt 14 tiếng. May mắn việc này không ảnh hưởng đến những kế hoạch cá nhân. Tôi chỉ đi cùng mẹ trong một chuyến công tác", Chang Ya Yuan, đến từ Đài Loan, cho biết cô phải qua đêm ở sân bay. Hai mẹ con Chang dừng chân ở Hong Kong trước khi sang Thượng Hải. Chuyến bay được lên lịch đi vào 16h ngày 12/8 nhưng bị đổi giờ bay hai lần rồi được thông báo hủy. Ảnh: South China Morning Post.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau cùng Thủ tướng Australia Scott Morrison nhày 12/8 đều lên tiếng bày tỏ quan ngại về cách giới chức Hong Kong xử lý cuộc khủng hoảng với quy mô chưa từng có tiền lệ tại đặc khu này. Ông Morrison kêu gọi các bên bình tĩnh và Đặc khu trưởng Carrie Lam cần lắng nghe những mối lo của người biểu tình về tình hình "vô cùng nghiêm trọng" hiện nay. Ảnh: South China Morning Post.
Hàng nghìn người biểu tình ngày 12/8 đã đổ về tọa kháng tại sân bay quốc tế Hong Kong, khiến hoạt động tại sân bay bị đóng băng. Nhân viên sân bay không tiếp tục làm việc do thông báo tạm thời đóng cửa. Cuộc biểu tình tại sân bay Hong Kong trên đảo Lantau giờ đã bước sang ngày thứ 5. Ảnh: AP.
Dương Quang, người phát ngôn Văn phòng Các vấn đề Hong Kong và Macau thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc, nói rằng các cuộc biểu tình ở Hong Kong "đã có những dấu hiệu đầu tiên của khủng bố". Trong khi đó, một quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ đã lên tiếng kêu gọi "tất cả các bên" kiềm chế, tránh diễn ra bạo lực, theo Guardian. Ảnh: AP.
Làn sóng biểu tình tại Hong Kong đã bước sang tuần thứ 10, với nhiều vụ đụng độ bạo lực giữa người phản đối dự luật dẫn độ với lực lượng cảnh sát chống bạo động. Vào hôm 11/8, xung đột leo thang giữa người biểu tình và cảnh sát. Khoảng 40 người đã nhập viện, trong đó có một phụ nữ bị bắn đạn cao su và có thể bị mù mắt. Vụ việc khiến người biểu tình phẫn nộ và kêu gọi đổ về sân bay Hong Kong phản đối. Ảnh: AP.
Bộ phận vận hành sân bay Hong Kong ngày 12/8 phải ra tuyên bố tất cả dịch vụ check-in cho các chuyến bay đi bị hủy bỏ. Trừ những chuyến bay đã hoàn thành check-in và những chuyến bay đang đến Hong Kong, tất cả các chuyến bay khác đã bị hủy đến hết ngày. Sáng 13/8, giới chức địa phương thông báo sân bay trở lại hoạt động nhưng tình trạng hủy chuyến vẫn diễn ra. Ảnh: AP.
"Mức rủi ro chính trị khi làm ăn tại Hong Kong đã đạt mức chưa từng có tiền lệ. Tình hình không còn là một giọt nước nhỏ trên chảo dầu. Các nhà đầu tư bắt đầu cân nhắc thêm những nơi an toàn hơn ở châu Á - Thái Bình Dương", Hugo Brennan, chuyên gia phân tích châu Á tại hãng tư vấn rủi ro toàn cầu Veritas Maplecroft, cảnh báo cuộc khủng hoảng đang làm tổn hại hình ảnh thành phố. Ảnh: AP.
Xe thiết giáp của cảnh sát vũ trang Trung Quốc đã được triển khai tới Thâm Quyến, thành phố nằm sát Hong Kong, làm dấy lên lo ngại leo thang bạo lực tại đặc khu hành chính này.
Các hãng thời trang hàng đầu thế giới đã phải đồng loạt lên tiếng xin lỗi do bán ra sản phẩm mang thiết kế có nội dung không phù hợp với chính sách "Một Trung Quốc".
Toàn bộ chuyến bay được lên kế hoạch trong ngày 12/8 của sân bay Hong Kong đã bị hủy bỏ khi hàng nghìn người biểu tình phản đối chính quyền tụ tập tại đây.