Chiều 31/10, sau khi bàn giao ca trực cho thượng sĩ Hoàng Thị Ngọc Lan, thượng tá Lê Đức Đoàn (55 tuổi, Đội CSGT số 1 Hà Nội) lặng lẽ vào bốt gấp bộ cảnh phục. Khép lại ngày trực cuối, ông không về luôn nhà như thường lệ mà đứng trên cầu nhìn, vẫy chào người dân tấp nập qua lại.
Hai khóe mắt ông nheo lại khiến những vệt chân chim hằn sâu xô vào nhau. Hơn 20 năm gắn bó cùng cây cầu Chương Dương huyết mạch, người cảnh sát "công dân thủ đô ưu tú" vẫn đau đáu một ngày sẽ không còn ai tới đây nhảy cầu quyên sinh.
Khẽ dụi khóe mắt rơm rớm nước, thượng tá Đoàn nhớ như in lần đầu tiên trong đời cứu người có ý định tự tử năm 1994. Hôm đó, đang ngồi trực, ông nhận tin một thiếu nữ chừng 20 tuổi đang ngồi vắt vẻo trên thành cầu, nhìn xuống dòng nước cuồn cuộn dưới sông.
"Lần đầu đối mặt với phút sinh tử của người khác, tôi nín thở tiến lại gần nhịp cầu số 7 và kịp kéo tay thiếu nữ khi người này cố rướn người để nhảy cầu quyên sinh", ông nhớ lại và cho hay, cô gái này tên Oanh, 19 tuổi, quê Hưng Yên.
Từ đó về sau, hễ nghe tin ai có ý định tự tử ở trên cầu Chương Dương, dù là giờ trực hay không thì ông vẫn cố gắng tới giải cứu.
Thượng tá Lê Đức Đoàn chào các tài xế qua cầu Chương Dương trong ngày làm việc cuối cùng. Ảnh: Hoàng Anh. |
Với thượng tá Đoàn kỷ niệm khiến ông nhớ nhất là lần giải cứu một cô gái vào buổi chiều tháng 8/2012. Đang trực, ông nhận được tin có người định nhảy cầu tự tử. Vẫy vội xe buýt tới nơi, ông thấy cô gái tóc dài mặc áo phông đỏ, quần đen lững thững trèo và ngồi trên lan can, bỏ mặc chiếc xe máy giữa cầu.
Ông nhẹ nhàng khuyên giải kéo dài thời gian để tiếp cận nhưng người này phản ứng và òa khóc. Vị thượng tá liền thủ thỉ chia sẻ về cuộc đời và khéo léo bước tới kéo cô gái vào trong cầu.
Cô gái trẻ được cứu ghì chặt vào vai người cảnh sát òa khóc khiến ông cũng ứa lệ. Nước mắt của cô gái ướt đẫm áo của ông. Chẳng còn cách nào khác, ông dỗ dành trấn an: “Thôi! Thôi! Bố xin con gái! Bố xin!”. Nghe vậy, cô gái ngoan ngoãn theo ông về bốt.
Cô cho biết, mình tên Nga quê Nam Định, do mâu thuẫn với gia đình nên nghĩ quẩn muốn quyên sinh. Ngay lập tức, thượng tá Đoàn mời chồng Nga lên chia sẻ về cuộc đời. Hai người sau đó đã hiểu nhau và cùng nhận ông là bố nuôi.
“Từ đó, mỗi lần đi đón con qua cầu, vợ chồng nó đều tạt vào bốt thăm hỏi. Nhìn gia đình cháu hạnh phúc, tôi vui lắm”, thượng tá Lê Đức Đoàn nghẹn ngào nhớ lại.
Sau hơn 20 năm gắn bó với bốt cầu Chương Dương, thiếu tá Lê Đức Đoàn đã cứu gần 40 trường hợp có ý định tự tử. |
Không chỉ cứu người lên cầu định tự tử, hay đuổi bắt cướp, thượng tá Đoàn còn được những người tham gia giao thông quý mến bởi tinh thần tương thân tương ái.
Ông nhớ, có lần đang trực thì thấy một người đàn ông trung niên lùi lũi dắt chiếc xe máy trên cầu giữa trưa nắng. Bên cạnh, dòng người vẫn tấp nập đi qua nhưng không ai dừng lại. Thấy vậy, ông hỏi thăm được biết người này tên Trung (50 tuổi, ở Gia Lâm) đang trên đường đi thăm người thân trong bệnh viện thì xe hết xăng.
Không ngần ngại, thượng tá Đoàn giúp ông Trung đẩy xe về bốt rồi lấy xe máy của mình đi mua xăng. Cảm kích trước tấm lòng của chiến sĩ CSGT này, mỗi lần qua cầu Chương Dương, ông Trung đều mang bao thuốc lá tới mời thượng tá Đoàn cùng hút.
Hình ảnh thân thuộc của người cảnh sát là công dân thủ đô ưu tú còn ghi đậm trong dấu ấn của nhiều người từng qua đây. Nhiều khi không thấy bóng dáng thượng tá Đoàn trực bốt vài ngày, có người còn vào tận nơi xem và gọi điện hỏi thăm.
Trung tá Thiều Mạnh Ngọc, Đội trưởng Đội CSGT số 1 cho hay, thượng tá Lê Đức Đoàn công tác tại đơn vị 20 năm nay và đã từng cứu gần 40 trường hợp có ý định nhảy cầu Chương Dương tự tự, tham gia bắt cướp, phá nhiều vụ án tại các địa bàn.
Năm 2012, thượng tá Đoàn được vinh danh là công dân thủ đô ưu tú năm 2012, được Thủ tướng tặng bằng khen năm 2013 và được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương chiến công năm 2014.