24Sau khi cơ quan chức năng xác định 6 em bé ở Tịnh thất Bồng Lai không phải trẻ mồ côi mà đang sống cùng mẹ ruột, Zing đã đến nơi này để tìm hiểu.
Không làm mất lòng ai nhưng họ sống biệt lập, không nói chuyện, tiếp xúc hàng xóm - đó là những điều người dân trong khu vực chia sẻ về căn nhà mang tên Tịnh thất Bồng Lai (xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An).
Nguồn gốc căn tịnh thất
Theo ghi nhận ngày 23/9, cổng của Tịnh thất Bồng Lai đóng kín. Bảng thông báo tạm ngưng tiếp khách trong thời gian này để phòng Covid-19 được dán trên cánh cửa.
Sau khi phóng viên bấm chuông, một phụ nữ từ phía trong nhìn qua khe cổng và đáp lời, nói các tu sĩ đã đi vắng và xin lại số điện thoại chúng tôi để liên lạc sau.
Tịnh thất Bồng Lai luôn đóng kín cửa. Ảnh: An Huy. |
Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Văn Đỏ (53 tuổi, ngụ xã Hòa Khánh Tây) chia sẻ tịnh thất này trước đây do một người đàn ông tên Thành sống và lập cơ sở thờ tự.
Hơn 10 năm trước, ông Thành rời mảnh đất này và tới Bà Rịa - Vũng Tàu. Trước khi đi, căn nhà, mảnh vườn được ông nhượng lại cho Cao Thị Cúc (khoảng 60 tuổi, ngụ huyện Cần Đước).
Tới năm 2015, ông Lê Tùng Vân cùng một số người khác đến đây sinh sống. Cánh cổng bằng tôn cao khoảng 3 m được dựng lên từ ngày ấy.
"Người địa phương hiếm ai nhìn được vào bên trong. Thỉnh thoảng, một vài đoàn từ thiện đến, họ mở cửa và đóng lại ngay", ông Đỏ chia sẻ.
Những người biệt lập
Ông Đỏ thông tin thêm những người sinh sống trong tịnh thất không nói chuyện, tiếp xúc với hàng xóm và giữ thái độ biệt lập với người bên ngoài.
"Mọi sinh hoạt của họ đều diễn ra lặng lẽ phía bên trong bức tường bê tông", người đàn ông trú cùng khu vực tỏ vẻ băn khoăn.
Bên cạnh đó, bà Trần Thị Lệ (48 tuổi), ngụ cách tịnh thất vài trăm mét cho biết chỉ thấy những người sống trong tịnh thất chạy xe máy ra vào, chưa bao giờ tiếp xúc gần. Các tu sĩ sống trong Tịnh thất Bồng Lai cũng không làm ảnh hưởng hay mất lòng ai tại địa phương.
Tịnh thất Bồng Lai được những người sống nơi đây đổi tên thành Thiền am bên bờ vũ trụ. Ảnh: An Huy. |
“Cách đây hơn 9 tháng, một nhóm khoảng 20 người đến ngôi tịnh thất này tìm con gái, xảy ra xô xát với các tu sĩ. Công an có đến làm việc và từ đó đến nay, nơi này không xảy ra chuyện gì thêm”, bà Lệ nói.
Ông Nguyễn Văn H. (52 tuổi) cũng tỏ vẻ tò mò trước những sinh hoạt bên trong cánh cổng cao 3 mét. Ông khẳng định đã nhiều lần vào đây để sửa chữa điện, tuy nhiên, lần nào cũng có điều khác lạ.
“Tôi vào tịnh thất sửa điện nhưng bà Cúc yêu cầu không được tùy tiện đi lại. Tôi đi đâu cũng có người bám theo như vệ sĩ. Những người sống trong tịnh thất có điều hơi khác thường, chẳng giao tiếp với ai ở địa phương. Cổng tịnh thất luôn đóng 24/24h, kể cả ngày Tết”, ông H. nói.
Ngày 22/9, Công an tỉnh Long An cho biết đã có kết quả xác minh những người sống tại hộ bà Cao Thị Cúc ở ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa.
Theo đó, đa số những người sống tại hộ bà Cúc đều có quan hệ huyết thống. 6 bé tạm trú nơi đây đều ở cùng với mẹ, không phải trẻ mồ côi.
Hòa Thượng Thích Minh Thiện, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An, khẳng định “Tịnh thất Bồng Lai” ở xã Hòa Khánh Tây không phải là cơ sở tự viện hợp pháp do Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh quản lý.
Những người đang sống và sinh hoạt tại cơ sở này không phải là tu sĩ phật giáo. Nhóm người này lợi dụng hình thức tu sĩ phật giáo để lừa gạt lòng tin của tín đồ phật giáo nhằm trục lợi.