Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hàng Việt sản xuất tại Trung Quốc?

Ngày 9/1, lực lượng chức năng kiểm lô hàng 10 container 40 feet nhập khẩu qua cảng VICT bị nghi nhập lậu, phát hiện số lượng lớn hàng Trung Quốc giả xuất xứ Việt Nam.

Từ kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa sơ bộ cũng cho thấy việc lọt lưới một lô hàng nhập lậu cực “khủng” như vậy, cán bộ hải quan có dấu hiệu sai phạm khi không kiểm đúng tỉ lệ hàng hóa cần thiết.

90% hàng hóa không đúng tờ khai

Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) và lực lượng quản lý thị trường TP.HCM cho biết, kết quả kiểm tra thêm hai container, thuộc lô 10 container đang bị tạm giữ tại kho của Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM, cho thấy có hơn 90% số lượng, chủng loại hàng hóa trong container không đúng với tờ khai hải quan. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, số lượng hàng hóa nhập lậu có giá trị hàng tỉ đồng bao gồm các mặt hàng như: máy móc ngành dệt may, thiết bị y tế, máy xay sinh tố, vải may mặc, máy đóng gói bao bì, mỹ phẩm...

Nhập bao bì để làm hàng giả?

Kiểm tra hàng hóa ở kho của quản lý thị trường cho thấy có chứa tới hơn 200kg bao bì của sản phẩm dầu gió xanh hiệu Eagle xuất xứ Singapore. Theo tìm hiểu từ một số người kinh doanh mặt hàng này, dầu gió hiệu Eagle là hàng nhập ngoại. Sản phẩm được nhập nguyên hộp chứ không phải hàng nhập chỉ có chai thủy tinh để trần. Do đó, việc có người nhập tới 200kg bao bì là vỏ hộp loại dầu gió này, nhiều khả năng để làm hàng giả.

“Rất nhiều mặt hàng khi nhập khẩu buộc phải có giấy phép của cơ quan chức năng (Bộ Y tế) như mỹ phẩm, thuốc nhuộm tóc... do ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng nhưng trên tờ khai hải quan đều không ghi nhằm trốn tránh trách nhiệm” - một cán bộ Chi cục QLTT cho biết. Điều đặc biệt, hàng ngàn sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng trên bao bì ghi sản xuất tại... Long Thành, Đồng Nai. Hàng chục thùng hàng thuốc nhuộm tóc cùng catalogue hàng hóa mang thương hiệu 16 Power Lampredrhy được ghi rõ nơi sản xuất tại 126A ấp 7, An Phước, Long Thành, Đồng Nai. Thậm chí, trên bao bì sản phẩm được in ấn công phu ghi đầy đủ công dụng, cách dùng cũng như các lưu ý sử dụng bằng tiếng Việt. Tuy nhiên không có thông tin về công ty sản xuất, hạn sử dụng của sản phẩm.

“Quá tinh vi. Rõ ràng người tiêu dùng, thậm chí cơ quan chức năng cũng sẽ bị mắc lừa với chiêu sản xuất hàng đội lốt từ Trung Quốc”, đại diện PC46 nói. Cũng theo vị này, những mặt hàng vi phạm này không thể nào được nhập khẩu trực tiếp.

Lượng lớn vải may mặc nhập lậu công khai.

Nhập hàng là “công ty ma”?

Một cán bộ PC46 nhận định qua lô hàng nhập lậu này thấy được lỗ hổng lớn từ khâu kiểm soát hàng nhập khẩu ở cửa khẩu. Việc kiểm hóa lô hàng đã được thực hiện không tốt, bộc lộ nhiều sai sót. Container chứa hơn 500 kiện hàng nhưng chỉ có 5-7 kiện hàng được khui ra trong quá trình kiểm tra thực tế hàng hóa của cán bộ kiểm hóa hải quan. Trong đó, chủng loại hàng hóa cũng không khớp với tờ khai.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trên tờ khai hải quan số 11153 đăng ký ngày 30/12/2013 qua Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 3 (phụ trách thông quan hàng hóa qua cảng Vict) của công ty trách nhiệm hữu hạn Tân Nhật Huy Vĩnh Đạt, lô hàng này gồm một container 40 feet, chứa 521 kiện hàng. Hệ thống xử lý dữ liệu hải quan điện tử xếp lô này vào luồng đỏ.

Ông Võ Văn Bông, chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 3, cho biết tỉ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa với các container hàng thuộc 10 container hàng là 5%. Như vậy, với container hàng trên, số lượng kiểm tra thực tế phải là 26 kiện. Tuy nhiên, chỉ có 5-7 kiện hàng được khui ra để kiểm tra (tùy container) thì tỉ lệ kiểm tra cao nhất cũng chỉ 1,34%.

Theo PC46 và lực lượng QLTT, đến thời điểm này vẫn chưa “lộ diện” chủ hàng. Sáng 9/1, phóng viên có mặt tại số 6-8 đường số 6, cư xá Bình Thới, phường 8, quận 11, địa chỉ trên tờ khai của công ty trách nhiệm hữu hạn Tân Nhật Huy Vĩnh Đạt, một tòa nhà văn phòng được xây dựng khá mới, khang trang nhưng cửa đóng im lìm.

Theo người dân ở khu vực này, công ty đã đóng cửa suốt từ Tết dương lịch đến nay, cũng không thấy ai xuất hiện. Biển ghi tên công ty gắn trước cửa cũng đã được gỡ xuống từ thời điểm đó (ngay sau khi hàng bị bắt vào đêm 30/12/2013). Trước đó công ty hoạt động bình thường.

Theo tìm hiểu, công ty này có đăng ký kinh doanh và ngày được cấp phép là 21/10/2013. Giám đốc công ty tên Hồ Sấm Dũng. Đặc biệt, một đơn vị nhập hàng khác là công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại xuất nhập khẩu Nhất Minh, với địa chỉ ghi là số 231/71/61C Bình Tiên, phường 8, quận 6. Tuy nhiên, thực tế không thể tìm được địa chỉ này. Trong khi đó, hệ thống dữ liệu doanh nghiệp quốc gia cho thấy công ty này đã được Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vào cuối tháng 8/2013 với chức năng bán buôn đồ dùng gia đình, phụ tùng và các bộ phận phụ trợ của ôtô, xe máy, bán buôn vải, hàng may mặc, giày dép, vận tải... Giám đốc là Trần Thị Thu Sang.

Hàng luồng đỏ kiểm tra thế nào?

Theo quy định tại nghị định 196/2012, trường hợp hàng hóa nhập khẩu bị xếp vào luồng đỏ (do hệ thống dữ liệu hải quan điện tử xếp tự động), nhà nhập khẩu hàng phải xuất trình, nộp các chứng từ giấy thuộc hồ sơ hải quan điện tử và cơ quan hải quan kiểm tra hàng hóa thực tế trước khi cho phép thông quan.

Việc kiểm tra thực tế hàng hóa do công chức hải quan thực hiện với mức độ có thể kiểm tra một phần hoặc toàn bộ lô hàng. Mức độ và hình thức kiểm tra do chi cục trưởng chi cục hải quan quyết định. Nội dung kiểm tra thực tế hàng hóa gồm: kiểm tra tên hàng, mã số, số lượng, trọng lượng, chủng loại, chất lượng, xuất xứ của hàng hóa...; đối chiếu sự phù hợp giữa thực tế hàng hóa với hồ sơ hải quan điện tử...

 

http://tuoitre.vn/Kinh-te/589424/hang-viet-san-xuat-tai--trung-quoc.html

Tuổi trẻ

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm