Hôm qua (8/1), Phòng cảnh sát kinh tế (PC46) Công an TP.HCM phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM kiểm kê lô hàng 10 container 40 feet bị tạm giữ trước đó do nghi ngờ chứa hàng lậu. Kết quả: hàng lậu chiếm hơn 90%.
Trước đó, vào đêm 30/12/2013, đội cảnh sát kinh tế số 2 thuộc PC46 phối hợp với đội QLTT 2A kiểm tra và quyết định tạm giữ toàn bộ lô hàng do nghi nhập lậu ngay khi hàng vừa được thông quan khỏi cảng VICT (Q.7).
Hàng tiền tỷ, ghi tiền triệu
Theo tìm hiểu của chúng tôi, 10 container hàng này do nhà xe Tuấn Hiệp vận chuyển đã được Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 3 cho thông quan. Ngày 8/1, sau khi kiểm đếm thực tế hàng hóa, kết quả ban đầu cho thấy hàng loạt sản phẩm trong những container này không có trong tờ khai hải quan nhập khẩu, nhiều mặt hàng nghi giả nguồn gốc xuất xứ.
“Bản thân chúng tôi cũng choáng khi chứng kiến cảnh 10 container “hùng dũng” ra khỏi cảng sau đó tập kết lại để chờ đưa hàng vào thành phố tiêu thụ. Số hàng này đều được nhập khẩu từ Trung Quốc “đổ bộ” vào thành phố nhằm tiêu thụ trong dịp tết” - đại diện PC46 cho hay.
Đội quản lý thị trường 2A TP.HCM kiểm tra mặt hàng câu đối treo xuất xứ Trung Quốc bị bắt giữ trưa 8/1 - Ảnh: Quang Định |
Đêm 30/12/2013, đội cảnh sát kinh tế số 2 phối hợp với đội QLTT 2A kiểm tra 10 container đang đậu trước khu vực cảng VICT (cảng Sài Gòn khu vực 3). Do nghi vấn những container này chứa hàng nhập lậu, giả từ Trung Quốc nên đơn vị tạm giữ hàng hóa, xác minh chủ sở hữu. Được biết, tất cả container hàng hóa này được nhập khẩu từ cảng Shekou và Nahsha New Port (Trung Quốc), được thông quan qua cảng VICT.
Kết quả kiểm đếm hai container ban đầu cho thấy, lượng hàng hóa rất đa dạng, bao gồm: thiết bị loa, đèn led, văn phòng phẩm, máy móc ngành dệt may, dụng cụ trang trí phục vụ tết (bánh pháo điện, giấy dán trang trí), các loại vải vóc, đồ gia dụng... Trong khi đó, tờ khai hải quan của đơn vị nhập khẩu chỉ gồm các mặt hàng như: dây viền trang trí, máng đèn neon, đầu nối dây điện... với giá trị chỉ 10 triệu đồng/container.
Đội quản lý thị trường 2A TP.HCM kiểm tra hàng xuất xứ Trung Quốc bị bắt giữ trưa 8/1 - Ảnh: Quang Định |
“Có đến trên 90% những mặt hàng này không hề được kê khai trong tờ khai hải quan nhập khẩu” - một cán bộ QLTT cho biết. Theo cơ quan chức năng, việc kiểm đếm phải mất năm ngày mới biết chính xác số lượng, giá trị hàng nhập lậu. Sau đó đơn vị tiến hành giám định để phân rõ lượng hàng giả. Ước tính giá trị lô hàng trong hai container kiểm đếm trong ngày 8/1 lên đến hàng tỉ đồng, trong đó lượng hàng nhập lậu chiếm hơn 90%.
Có tên nhưng không có chủ!
Trên tờ khai hải quan, công ty thực hiện nhập khẩu số hàng hóa trên gồm Công ty TNHH Tân Nhật Huy Vĩnh Đạt (cư xá Bình Thới, P.8, Q.11) và công ty TNHH TM-XNK Nhất Minh (Q.6). Tuy nhiên, dù đã bị tạm giữ từ đêm 30/12/2013 nhưng phải đến ngày 8/1/2014, PC46 và lực lượng QLTT TP.HCM mới kiểm đếm hàng hóa vì không có bất cứ ai đứng ra nhận là chủ hàng.
Cho đến thời điểm này, chủ hàng vẫn chưa xuất hiện. Nhà xe Tuấn Hiệp vận chuyển lô hàng này cho biết, không biết chủ hàng là ai. Theo cơ quan chức năng, mặc dù đơn vị gửi thư mời nhưng đến thời điểm này cả hai công ty nhập khẩu đều chưa xuất hiện. Trong khi đó, trên bao bì các kiện hàng ghi rất cụ thể những thông tin, số điện thoại của người nhận hàng.
Cũng theo cơ quan chức năng, với 10 container đang bị tạm giữ, phát hiện nhiều hàng nhập lậu được xác định do hai cán bộ kiểm hóa, giám sát cho thông quan là ông Hoàng Trường Thọ và Nguyễn Phước Tường, nhân viên hải quan cảng khu vực cảng VICT.
Ngày 8/1, trao đổi với PV, ông Võ Văn Bông - Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 3 (thuộc Cục Hải quan TP.HCM), đơn vị phụ trách cảng VICT - cho biết lô hàng 10 container mà PC46 và Chi cục QLTT TP.HCM bắt giữ được doanh nghiệp khai báo hải quan là nhập khẩu hàng bách hóa. Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 3 đã kiểm tra thực tế hàng hóa. Tỉ lệ kiểm tra là 5% ở tất cả các container.
Cán bộ hải quan kiểm tra cho biết hàng đúng như khai báo trên tờ khai nên đã được thông quan. Sau khi PC46 bắt giữ hàng, phía hải quan đã cung cấp các hồ sơ của lô hàng này để cơ quan chức năng xác minh chủ hàng. Ông Bông cho biết ngoài 10 container đã bị tạm giữ, lô hàng này hiện vẫn còn bốn container đang nằm trong cảng. Tuy nhiên doanh nghiệp nhập khẩu chưa khai báo hải quan.
Luồng đỏ vẫn rủi ro
Những doanh nghiệp được xếp vào luồng xanh phải là những đơn vị có “lý lịch” nhập hàng tốt, chưa từng vi phạm, hàng được định danh rõ ràng, không có rủi ro về thuế, hoặc thuế suất bằng 0%... Ở luồng này, doanh nghiệp được thông quan luôn trên cơ sở thông tin khai báo. Tuy nhiên, hàng hóa được xếp vào luồng xanh bị doanh nghiệp lợi dụng miễn kiểm tra thực tế để nhập hàng không đúng với khai báo.
Luồng vàng là những mặt hàng nhập khẩu được ưu đãi thuế sẽ phải kiểm tra thực tế giấy tờ, chứng từ nhập hàng.
Luồng đỏ là những trường hợp doanh nghiệp đã từng vi phạm, hàng có nhiều rủi ro về thuế..., hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra thực tế. Cán bộ hải quan quyết định mức kiểm tra thực tế hàng hóa trong khoảng 5-10% ở bất cứ vị trí nào trong container. Vì thế, hiệu quả của việc kiểm tra phụ thuộc rất nhiều vào cán bộ hải quan.
Hàng Trung Quốc đội lốt
Theo quan sát, ngoài lượng hàng không có trong tờ khai hải quan, nhiều sản phẩm ghi xuất xứ từ Singapore, Thái Lan và thậm chí in sẵn chữ tiếng Việt. Trong đó, riêng sản phẩm áo ngực có hơn 10.000 cái đựng trong hơn 20 bao hàng ghi rõ bằng tiếng Việt. Hơn 100kg bao bì dầu gió xanh hiệu Eagle xuất xứ Singapore cùng hàng trăm sản phẩm bản lề cửa kính ghi xuất xứ Thái Lan.
“Những sản phẩm này chúng tôi sẽ đem giám định thật giả, nhưng có thể dễ dàng nhận thấy tình trạng hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt cũng như giả xuất xứ các nước khác được thực hiện tại Trung Quốc trước khi đưa vào trong nước tiêu thụ” - một cán bộ kiểm đếm cho biết.