Trong vòng 4 năm tới đây, 25% dân số thế giới dành ra ít nhất một giờ mỗi ngày trên metaverse để phục vụ công việc, giáo dục, mua sắm, tương tác xã hội và giải trí. Đây là một trong những số liệu ở báo cáo mới nhất về vũ trụ ảo của Gartner.
Metaverse sẽ là thành phần không thể thiếu của thế giới
Siêu vũ trụ ảo gần đây đã nổi lên và trở thành một xu hướng chính của các doanh nghiệp trên toàn cầu. Các nhãn hàng cũng đang nỗ lực xây dựng nền tảng và cơ sở hạ tầng phong phú để đưa người dùng sống “thật” trong thế giới ảo.
Theo Marty Resnick, Phó chủ tịch nghiên cứu tại Gartner, các doanh nghiệp cần phối hợp với nhau để đưa metaverse về một thể thống nhất, cung cấp trải nghiệm thực tế ảo, không gian 3 chiều mang tính tương tác cao, đáp ứng nhu cầu ngày một cao của người dùng.
Theo ước tính, đến năm 2026, 30% các nhãn hàng sẽ cung cấp sản phẩm và dịch vụ trên metaverse. Ảnh: CoinTelegraph. |
Ông cho biết các hoạt động trên vũ trụ ảo từ đi học, đi làm đến kinh doanh như mua bán đất, xây nhà hiện vẫn còn thiếu đồng bộ, phân bố riêng lẻ trên các nền tảng khác nhau.
“Trong tương lai, các tập đoàn sẽ chuyển sang một môi trường duy nhất và thống nhất - metaverse - điểm đến cho tất cả dịch vụ và trải nghiệm”, Phó chủ tịch Gartner nhận định.
Theo nghiên cứu của Gartner, metaverse sẽ thay đổi cách thức người dùng tương tác với thế giới ảo. Siêu vũ trụ ảo sẽ trở thành địa điểm tập hợp tất cả hoạt động xã hội, họp hành, sự kiện game, hòa nhạc…
Bài toán khó cho các doanh nghiệp
Là một hệ sinh thái mở và không giới hạn, metaverse không thuộc sở hữu của bất kỳ doanh nghiệp, tập đoàn riêng lẻ nào. Gartner kỳ vọng metaverse sẽ có một nền kinh tế ảo vận hành bởi tiền mã hóa và NFT.
Báo cáo chỉ ra metaverse sẽ ảnh hưởng đến những tác vụ hàng ngày của con người. Từ việc tuyển dụng, cộng tác đến kết nối giữa lãnh đạo với nhân viên, rất nhiều công việc sẽ được thực hiện trên môi trường làm việc ảo.
“Các doanh nghiệp sẽ không cần phải xây dựng cơ sở hạ tầng của riêng mình vì metaverse sẽ là nguồn cung cấp. Ngoài ra, những sự kiện tương tác trực tuyến trên nền tảng này sẽ là cơ hội để mở rộng mạng lưới quan hệ, việc làm”, Gartner bổ sung.
Các tập đoàn đang tận dụng mọi nguồn lực để tái tạo cuộc sống người dùng trong thế giới kỹ thuật số. Ảnh: Oculus. |
Tuy nhiên, ông Resnick cho rằng công nghệ metaverse hiện vẫn còn non trẻ và nhiều thiếu sót. Do đó, ông cảnh báo tập đoàn và các nhà đầu tư nên thận trọng.
“Các nhà quản lý nên học hỏi, khai mở và chuẩn bị sẵn sàng để đón đầu và định vị thương hiệu trong thế giới ảo”, ông Resnick khẳng định.
“Bây giờ còn quá sớm để dự đoán chính xác tương lai của metaverse. Nhưng chúng tôi chắc chắn thế giới ảo sẽ mở ra những trải nghiệm hoàn toàn mới lạ, đồng thời nâng cao chất lượng sống của con người”, Jawad Ashraf, nhà đồng sáng lập và CEO của Terra Virtua, cho biết.
Trước đó, một nghiên cứu của công ty Strategy Analytics cũng chỉ ra thị trường metaverse toàn cầu dự kiến sẽ đạt 42 tỷ USD vào năm 2026. Mặt khác, báo cáo vào tháng 11/2021 của gã khổng lồ tiền điện tử Grayscale lại cho rằng giá trị của metaverse có thể lên đến 1.000 tỷ USD trong vài năm tới. Lượng người dùng tính đến tháng 6/2021 tăng vọt gấp 10 lần so với năm 2020.
Nhiều thương hiệu cũng có động thái gia nhập metaverse. Tháng 10/2021, Mark Zuckerberg tuyên bố đổi tên công ty Facebook thành Meta, cho thấy hướng đi tập trung vào metaverse, không gian ảo cho phép mọi người tương tác cùng nhau.
Sau thương vụ thu mua gã khổng lồ trò chơi điện tử Activision Blizzard, Microsoft từng khẳng định mình sẽ là người “đặt nền móng đầu tiên cho siêu vũ trụ ảo”. Mặt khác, Walmart, tập đoàn bán lẻ hàng đầu tại Mỹ, cũng đang lên kế hoạch kinh doanh sản phẩm ảo, đồng thời tìm cách tạo lập NFT và tiền điện tử độc quyền, theo CNBC.