Thư viện Quốc gia Việt Nam là nơi lưu trữ tri thức lớn của cả nước. Công tác số hóa đã được thực hiện trong nhiều năm qua, nhằm phục vụ nhu cầu đa dạng của bạn đọc trong thời đại số.
Bà Kiều Thúy Nga - Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam - chia sẻ thêm về kho tư liệu số này.
Bà Kiều Thúy Nga - Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam. Ảnh: Phạm Thắng. |
Nguồn tài liệu số lớn nhất cả nước
- Là người tham gia công tác khuyến khích văn hóa đọc, bà đánh giá như thế nào về Hội sách trực tuyến quốc gia đang diễn ra trên sàn Book365.vn?
- Đây là năm thứ hai hội sách quốc gia được tổ chức theo hình thức trực tuyến, đây là hình thực mới trong thời đại 4.0. Trước đây, bạn đọc có thể hoạt động trực tiếp, nhưng ngày nay, chúng ta thêm lựa chọn tương tác trên môi trường số.
Ngoài ra, hội sách năm nay có hoạt động về giao dịch, mua bán bản quyền trên nền tảng thương mại điện tử, rất thuận tiện cho các đơn vị xuất bản cũng như bạn đọc.
- Bên cạnh sách in, sách số cũng là xu hướng. Thư viện Quốc gia Việt Nam đã có hoạt động gì để phát triển tài liệu số?
- Chúng tôi cũng là một trong những đơn vị tiên phong xây dựng thư viện số của ngành thư viện. Ngay từ những năm 1980, chúng tôi đã xây dựng thư viện điện tử. Đến những năm 1990, chúng tôi số hóa nguồn tài liệu, giúp bạn đọc sau này có thể truy cập trực tuyến và đọc sách điện tử.
Những dự án mà trước đây chúng tôi đã triển khai đều có sự phối hợp của các đối tác nước ngoài. Gần đây, chúng tôi có dự án phối hợp Thư viện Quốc gia Pháp để ra mắt “Thư viện Hoa phượng vĩ”. Ngày 7/4 vừa rồi, chúng tôi đã có buổi lễ ra mắt cổng thông tin này.
Điều này cũng thể hiện nỗ lực từ phía Thư viện Quốc gia Việt Nam về việc cung cấp phương tiện, cũng như sản phẩm số giúp bạn đọc dễ dàng truy cập.
Thời gian tới đây, thực hiện chương trình chuyển đổi số của Chính phủ, chúng tôi xây dựng các chương trình liên quan hai nội dung: Xây dựng thư viện số quốc gia và mục lục liên hợp trực tuyến (Online Union Catalogs). Hai nội dung này sẽ được triển khai trong thời gian tới.
- Hiện tại, Thư viện Quốc gia Việt Nam có nguồn tài liệu số hóa ra sao?
- Thư viện Quốc gia Việt Nam có nguồn tài liệu số lớn nhất cả nước, lên tới hàng triệu trang. Đây là nguồn tài liệu số do Thư viện Quốc gia Việt Nam tự phát triển xây dựng.
Ngoài ra, chúng tôi cũng cung cấp một số nguồn cơ sở dữ liệu trực tuyến được mua từ nước ngoài.
- Thư viện truyền thống đã hoạt động rất hiệu quả, còn thư viện số thì sao?
- Trên thực tế, trong nhiều năm, hình thức phục vụ truyền thống đã là điểm mạnh của Thư viện quốc gia. Đây là nơi tra cứu thông tin của nhiều thế hệ sinh viên ở các trường đại học. Hoạt động này vẫn được duy trì.
Hiện nay, ngoài phục vụ sách in, chúng tôi đang tăng cường phục vụ các hoạt động tra cứu về tài liệu số. Nhưng để đạt hiệu quả, hình thức này còn phải phụ thuộc nhiều vào nguồn đầu tư.
Với nguồn tư liệu rất dồi dào ở Thư viện Quốc gia Việt Nam hiện nay, tôi mong nguồn tài nguyên tư liệu số này phải được nhân lên nhiều hơn nữa. Điều này cũng để phục vụ nhu cầu truy cập các tư liệu nội dung số của bạn đọc hiện nay.
Ngoài ra, phát triển nguồn tư liệu số còn liên quan việc đầu tư quá trình số hóa, đầu tư về cơ sở vật chất, hạ tầng. Cần phải có sự đầu tư một cách toàn diện từ hạ tầng, nội dung đến cung cách phục vụ.
Thanh niên, sinh viên tham dự Ngày hội văn hóa đọc ở Thư viện Quốc gia Việt Nam. Ảnh: Phạm Thắng. |
Phát huy văn hóa đọc trong thế giới phẳng
- Bà nghĩ sao khi ngày càng có nhiều người đọc thông tin trên mạng, ít đọc sách?
- Trong một thế giới phẳng như hiện nay, con người chắc chắn sẽ tìm đến những phương pháp thuận tiện và nhanh gọn hơn để tra cứu thông tin, đặc biệt là việc sử dụng công nghệ và các thiết bị thông minh để tra cứu thông tin nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí.
Hiện nay, để phát triển văn hóa đọc, chúng ta phải để bạn đọc và cộng đồng biết được vai trò của sách. Ngoài sách điện tử, chúng ta còn có các nguồn tài liệu chính thống, truyền thống, tài liệu in.
Thông qua các hoạt động trong cả năm, đặc biệt là dịp tháng tư có Ngày sách Việt Nam, chúng tôi cũng muốn cộng đồng hiểu được vai trò và tầm quan trọng của sách, qua đó phát triển văn hóa đọc.
- Dịp tháng tư này, Thư viện Quốc gia Việt Nam có những hoạt động khuyến đọc gì?
- Từ năm 2006, trước khi có quyết định lấy 21/4 là Ngày sách Việt Nam, chúng tôi là đơn vị tiên phong tổ chức các hoạt động hưởng ứng văn hóa đọc vào tháng tư hàng năm. Đây cũng là tiền đề để lan tỏa nhiều hoạt động ra các thư viện trên toàn quốc.
Trong thế giới phẳng như hiện nay, con người chắc chắn sẽ tìm đến những phương pháp thuận tiện và nhanh gọn hơn để tra cứu thông tin.
Bà Kiều Thúy Nga
Trong nhiều năm, chúng tôi đã có các hoạt động mà ở đó bạn đọc có thể tham gia chương trình phù hợp nhiều lứa tuổi và thành phần, từ các em học sinh, đến các nhà nghiên cứu, nhà quản lý… Những hoạt động này mang tính chiều sâu, tạo sự tương tác giữa người tham gia với tác giả.
Ngoài ra, chúng tôi còn tổ chức các cuộc thi để các em học sinh bày tỏ cảm nghĩ của mình về cuốn sách, vẽ tranh theo sách, kể chuyện theo sách.
Bên cạnh những hoạt động đó, chúng tôi còn giới thiệu những sách có giá trị nội dung và mang tính giáo dục cao thông qua các triển lãm về sách.
Ở Ngày sách Việt Nam 2021 tại Thư viện Quốc gia Việt Nam năm nay, chúng tôi tổ chức một buổi tọa đàm với chủ đề “Thanh niên với văn hóa đọc”. Đây là diễn đàn trao đổi giữa các diễn giả với thanh niên, để các bạn có cái nhìn đúng đắn hơn đối với văn hóa đọc trong môi trường số phát triển như hiện nay.
Hiện tại, cơ sở dữ liệu số toàn văn do Thư viện Quốc gia Việt Nam tạo lập, bao gồm gần 112.000 cuốn tài liệu số hóa, tương đương 8 triệu trang.
Trong vốn di sản văn hiến to lớn đó, có sự góp mặt của các bộ sưu tập tư liệu quý, như: Luận án tiến sĩ: 25.500 bộ, sách Hán Nôm: 1.952 cuốn, sách Đông Dương: 8.000 cuốn, báo, tạp chí Đông Dương: 72.000 số, sách tiếng Anh viết về Việt Nam: 338 cuốn…
Cơ sở dữ liệu trực tuyến mua quyền truy cập: Wilson, ProQuest, sách điện tử IGroup Publishing, sách điện tử SpringerNature, SAGE Journal, SAGE Research Method…