Theo Guardian, Hiệp hội Chuyên gia Sudan (Sudanese Professionals Association - SPA), tổ chức đối lập có ảnh hưởng hàng đầu đất nước, đã kêu gọi người dân ở nhà để phản đối việc hơn 100 người đã thiệt mạng hôm 3/6 khi lực lượng an ninh đàn áp một cuộc biểu tình ngồi bên ngoài trụ sở quân đội ở Khartoum.
Các hàng quán đóng cửa im lìm và đường phố thủ đô Khartoum trở nên vắng vẻ trong ngày 9/6. Tình cảnh tương tự cũng diễn ra ở thành phố Omdurrman lân cận.
"Sự phản kháng ôn hòa bằng việc bất tuân dân sự và tổng đình công chính trị là cách nhanh nhất và hiệu quả nhất để lật đổ hội đồng quân sự... và trao quyền lực cho một cơ quan dân sự chuyển tiếp", SPA cho biết trong một thông báo.
Những người biểu tình lập vật cản trên đường phố, trong khi các công việc kinh doanh không hoạt động và mọi người phần lớn ở trong nhà. Ảnh: Getty. |
Quân đội lên nắm quyền sau khi lật đổ Tổng thống Omar al-Bashir vào tháng 4, sau nhiều tháng diễn ra các cuộc tuần hành phản đối ông al-Bashir. Kể từ đó, Hội đồng Quân sự Chuyển tiếp (TMC), cơ quan nắm giữ quyền lực, đã từ chối những đòi hỏi của người biểu tình về việc chuyển sang chế độ dân sự ngay lập tức, thay vào đó mong muốn một thỏa thuận chia sẻ quyền lực chuyển tiếp.
Những cuộc đàm phán giữa phe dân chủ đối lập và TMC đã lâm vào bế tắc hồi tháng trước, và hoàn toàn sụp đổ sau khi quân đội đột kích vào nơi biểu tình tụ tập.
Các nhà vận động cho biết số người bị an ninh và quân đội bắt giữ trong những ngày gần đây có thể đã lên tới con số hàng trăm.
Internet hoàn toàn bị cắt ở thủ đô Khartoum, các phương tiện thông tin liên lạc khác bị hạn chế đáng kể.
Các lãnh đạo quân sự của Sudan đang phải chịu áp lực quốc tế ngày càng tăng trong những ngày gần đây. Cuộc đàn áp đẫm máu đầu tuần trước đã khiến phương Tây phẫn nộ, Liên minh châu Phi (AU) đã đình chỉ sự tham gia nước này vào khối và đe dọa trừng phạt nếu không có sự chuyển đổi nhanh chóng sang chế độ dân chủ.
Ngay cả Saudi Arabia và UAE, những nước trước đây ủng hộ vô điều kiện cho TMC, dường như cũng đã thay đổi cách tiếp cận vấn đề khi quan chức ngoại giao của họ ở Washington phải nhận cuộc gọi của những người đồng cấp để bày tỏ quan ngại trước tình hình Sudan.
Sudan nằm ở Bắc Phi, với dân số 40,8 triệu người, 97% trong số này theo đạo Hồi.