Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hàng triệu Hoa kiều mắc kẹt tại Trung Quốc vì dịch virus Vũ Hán

Hàng triệu người Trung Quốc sống ở nước ngoài, về quê đón Tết và giờ bị mắc kẹt khi nhiều quốc gia cấm công dân Trung Quốc nhập cảnh để ngăn chặn dịch virus corona.

Theo Bloomberg, trước khi dịch virus corona bùng lên từ Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc), khoảng 11 triệu người Trung Quốc sống, học tập và làm việc tại các quốc gia khác. Phần lớn về quê đón Tết Nguyên Đán cùng gia đình, và giờ không thể rời Trung Quốc vì dịch bệnh.

Rất nhiều người trong số họ giờ vật vã với công việc và chuyện học hành. "Tôi đang phải làm việc như một nô lệ. Tôi đã không ngủ suốt 24 giờ", Bloomberg dẫn lời anh Louis Yang - chuyên viên giao dịch của một quỹ đầu tư có trụ sở ở New York, Mỹ - than thở.

Yan bị mắc kẹt ở tỉnh Chiết Giang. Ngày 31/1, chính quyền Mỹ thông báo cấm người từ Trung Quốc nhập cảnh. "Hiện, tôi phải làm việc trong cả 2 múi giờ của Mỹ và Trung Quốc. Tôi bắt đầu từ trưa và làm tới tận 1h hoặc 2h sáng", Yan kể.

Việc các nước cấm người Trung Quốc nhập cảnh và hàng loạt hãng hàng không hủy chuyến bay đến và đi khỏi Trung Quốc khiến cuộc sống của các Hoa kiều bị đảo lộn hoàn toàn.

dich virus corona anh 1

Đường phố Vũ Hán trống vắng trong ngày 7/2. Ảnh: Getty Images.

Mắc kẹt và không thể rời đi

Wu - làm việc tại một công ty công nghệ ở Thung lũng Silicon (Mỹ) - cho biết anh tính đến chuyện bay sang một nước thứ ba để lách quy định cấm những người nước ngoài ở Trung Quốc trong 14 ngày không được nhập cảnh vào Mỹ.

Ý tưởng này được chia sẻ và thảo luận liên tục trên mạng xã hội ở Trung Quốc những ngày qua. Các nước thứ ba được đề cập đến nhiều là Thái Lan và Dubai (UAE).

Việc người lao động và sinh viên Trung Quốc bị mắc kẹt đã gây xáo trộn tại nhiều doanh nghiệp, từ các ngân hàng Phố Wall cho đến những công trường xây dựng ở Singapore. Khoảng 30.000 công nhân Trung Quốc rời Singapore về quê trước Tết đến nay vẫn chưa trở thể trở lại làm việc.

"Dịch virus corona là một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế Trung Quốc và gây ra tác động xấu trên toàn cầu. Nếu người lao động và sinh viên Trung Quốc không thể ra nước ngoài để làm việc và học tập trong 2 tháng tới, tổn thất kinh tế sẽ là rất nặng nề", nhà kinh tế Mark Zandi của Moody’s Analytics nhận định.

Wendy Wu, theo học để lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Yale (Mỹ), đang lưu trú tại Bangkok (Thái Lan) trong 2 tuần để có thể trở lại Mỹ. "Tôi chỉ hy vọng có thể quay lại Mỹ vào cuối tháng. Nếu không, tôi không chắc liệu tôi có thể tốt nghiệp đúng thời gian không", cô than thở.

dich virus corona anh 2

Đường phố tại Bắc Kinh trống vắng ngày 8/2. Ảnh: Getty Images.


Wu là một trong 1,53 triệu du học sinh Trung Quốc, theo dữ liệu năm 2018 của Bộ Giáo dục nước này. Những sinh viên như cô là nguồn thu quan trọng của các trường đại học ở Mỹ và Australia. Nguồn thu này sẽ bị đe dọa nếu dịch virus corona khiến họ không thể tham gia các kỳ thi.

Theo ông Rahul Choudaha, Phó chủ tịch điều hành của Studyportals, sinh viên Trung Quốc tại Mỹ đóng góp 22 tỷ USD cho nền kinh tế nước này. Dù cuộc chiến thương mại kéo dài, Trung Quốc vẫn là nguồn sinh viên quốc tế lớn nhất với Mỹ.

Tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Australia Josh Frydenberg cảnh báo virus Vũ Hán sẽ tác động đáng kể lên kinh tế nước này, một phần bởi số lượng du học sinh Trung Quốc tại đây đã tăng gấp đôi kể từ khi dịch SARS bùng phát 17 năm trước.

Bị hạn chế truy cập Internet

Đối với các sinh viên Trung Quốc đang theo học tại nước ngoài, việc không thể xuất cảnh thực sự ảnh hưởng đến quá trình học tập của họ. Tom Liu - 27 tuổi, sinh viên Đại học Stanford - hiện bị mắc kẹt tại quê nhà ở tỉnh Hồ Bắc.

Liu tâm sự: "Công việc nghiên cứu của tôi đòi hỏi phải có những thử nghiệm thực tế, vì vậy về cơ bản nó đang bị đình trệ".

Ngày 8/2, chính phủ Mỹ cho biết nước này sẽ tạm thời đình chỉ dịch vụ cấp visa thường xuyên cho người Trung Quốc do dịch virus corona dẫn tới tình trạng thiếu nhân sự. Tuy nhiên, một số trường hợp khẩn cấp vẫn được ưu tiên.

Giống như những người khác bị mắc kẹt tại Trung Quốc, Liu phải làm việc từ xa. Bên cạnh sự khác biệt về múi giờ và những hạn chế khi làm việc trên máy tính xách tay, Liu cũng gặp rất nhiều khó khăn bởi chính quyền Trung Quốc hạn chế truy cập Internet.

Những trang web phổ biến như Google và hàng loạt trang tin nước ngoài bị chính phủ Trung Quốc chặn quyền truy cập.

dich virus corona anh 3

Dịch virus corona vẫn đang diễn biến phức tạp ở Trung Quốc. Ảnh: Getty Images.

Simon Wang, nhà phân tích tài chính cao cấp tại một ngân hàng ở San Francisco, cho biết ông thức dậy lúc 4-5h sáng để bắt kịp các đồng nghiệp của mình ở California và xoay sở với kết nối Internet để làm việc.

"Tình hình có thể xấu đi khi các công ty phải đối mặt với những khó khăn do thiếu lao động Trung Quốc. Nếu các nhân sự chủ chốt không thể sớm trở lại, tác động kinh tế đối với các công ty và quốc gia sẽ nghiêm trọng hơn", nhà kinh tế Tommy Xie thuộc Chinese Banking Corp (Singapore) nhận định.

Trên thực tế, một số quốc gia khác cũng có thể áp dụng lệnh cấm đi lại với công dân Trung Quốc. Ấn Độ có 3 trường hợp nhiễm virus corona và thông báo thị thực hiện tại không còn giá trị đối với người nước ngoài đi từ Trung Quốc.

Rachel Lu đã lên kế hoạch trở lại Australia trong tuần này cho học kỳ cuối cùng tại Đại học Sydney. Nhưng giờ toàn bộ cuộc sống của cô đều bị đảo lộn.

"Tôi đã sống tại Sydney 6 năm và bây giờ tôi không thể quay trở lại Australia. Vị hôn phu và thú cưng của tôi vẫn còn đó. Tất cả các kế hoạch tương lai của tôi đều bị ảnh hưởng", cô chia sẻ đầy mệt mỏi.

Nhà máy sản xuất quần áo chuyển sang sản xuất khẩu trang Để giải quyết tình trạng thiếu hụt khẩu trang trên khắp đất nước Trung Quốc, chính quyền TP Sóc Châu, tỉnh Sơn Tây đã chuyển dây chuyền sản xuất quần áo sang sản xuất khẩu trang.

Siêu thị, nhà hàng, sân bay Trung Quốc vắng vẻ

Những tụ điểm mua sắm, vui chơi giải trí từng sôi động tại các thành phố ở Trung Quốc giờ đây trở nên vắng tanh khi người dân hạn chế ra ngoài vì sợ dịch.

Trung Quốc nuôi sống 1,4 tỷ dân giữa dịch virus Vũ Hán như thế nào?

Trong thời điểm dịch virus corona lan rộng, chính quyền Trung Quốc tuyên bố có đủ gạo và lúa mì dự trữ để cung cấp cho toàn bộ người dân đến hết năm 2020.

Thanh Hoa

Bạn có thể quan tâm