Bất chấp cam kết không sa lầy vào công cuộc xây dựng Afghanistan hậu chiến, Mỹ đã lãng phí hàng trăm tỷ USD để dựng dậy đất nước nghèo cùng cực bằng những giải pháp kệch cỡm.
George W. Bush, Barack Obama và Donald Trump đều hứa hẹn cùng một điều: Mỹ sẽ không bị mắc kẹt với gánh nặng xây dựng Afghanistan sau chiến tranh.
Tháng 10/2001, ngay sau khi ra lệnh cho các lực lượng Mỹ xâm chiếm, TT Bush nói rằng ông sẽ thúc giục Liên Hợp Quốc “tiếp nhận trách nhiệm xây dựng Afghanistan”.
Tám năm sau, Obama khẳng định chính phủ của ông cũng sẽ không bị sa lầy trong “dự án dựng quốc” kéo dài. Tám năm sau đó, ông Trump cam kết tương tự: “Chúng ta không còn là đất nước dựng quốc nữa”.
Tuy nhiên, Mỹ đã cố gắng xây dựng lại Afghanistan trên quy mô khổng lồ.
Từ năm 2001, Washington đã chi nhiều ở Afghanistan hơn bất kỳ quốc gia nào, phân bổ 133 tỷ USD cho việc tái thiết, các chương trình viện trợ và lực lượng an ninh Afghanistan.
Theo điều tra của Washington Post, điều chỉnh theo lạm phát, số tiền đó cao hơn cả những gì Mỹ đã chi tiêu ở Tây Âu với Kế hoạch Marshall sau Thế chiến II.
Tuy nhiên, không giống Kế hoạch Marshall, dự án xây dựng quốc gia đắt đỏ cho Afghanistan đã lộn xộn ngay từ đầu và trở nên tồi tệ hơn khi chiến tranh kéo dài, theo cuộc phỏng vấn bí mật của chính phủ với các nhà ngoại giao, quan chức quân đội và nhân viên cứu trợ đóng vai trò trực tiếp trong cuộc xung đột.
Thay vì mang lại ổn định và hòa bình, Mỹ đã vô tình xây dựng một chính phủ Afghanistan tham nhũng, rối loạn, lệ thuộc vào sức mạnh quân sự của Mỹ để sinh tồn. Giả sử nó không sụp đổ, các quan chức Mỹ nói rằng nó sẽ cần thêm hàng tỷ USD viện trợ hàng năm trong nhiều thập kỷ.
Trái: Thủy quân lục chiến Anh ẩn nấp trong chiến dịch chống Taliban năm 2007 gần đập Kajaki ở tỉnh Helmand (Ảnh: Getty). Phải: Người Afghanistan biểu tình chống Mỹ ở tỉnh Jalalabad sau vụ lính Mỹ bị cáo buộc bắn chết dân làng ở Kandahar, tháng 3/2012 (Ảnh: Reuters). |
Phát biểu thẳng thắn, những người được phỏng vấn nói Washington đã cố gắng một cách dại dột để tái tạo Afghanistan bằng cách áp đặt nền dân chủ tập trung và nền kinh tế thị trường tự do vào xã hội bộ lạc cổ xưa không ăn khớp với bất cứ thứ gì.
Sau đó, họ nói, Quốc hội Mỹ và Nhà Trắng đã làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn bằng cách rót vào đất nước nghèo khổ số tiền nhiều hơn mức nó có thể hấp thụ. Việc rót tiền diễn ra trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Obama, khi ông tăng số lượng quân đội Mỹ tại khu vực chiến tranh lên 100.000.
“Lượng nhân lực và tiền của khổng lồ đổ về Afghanistan. Nó giống như đổ nước vào phễu, nếu đổ quá nhanh, nước sẽ tràn qua phễu xuống đất. Chúng tôi đã làm lụt cả đất”, David Marsden, cựu quan chức của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), nói.
Trái: Các cô gái từ làng Ghumaipayan Mahnow ở phía đông bắc xem các công nhân Liên Hợp Quốc dỡ phiếu bầu trước cuộc bầu cử tổng thống tháng 10/2004 (Ảnh: AP). Phải: Nhân viên bảo trì đường bộ ở Kabul năm 2013 (Ảnh: Washington Post). |
Nhờ một số biện pháp, cuộc sống ở Afghanistan đã được cải thiện rõ rệt kể từ năm 2001. Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh đã giảm. Số lượng trẻ em trong trường học tăng vọt. Quy mô nền kinh tế Afghanistan đã tăng gần gấp bốn lần.
Nhưng các dự án của Mỹ đã phản tác dụng theo nhiều cách khác. Ngay cả những người ủng hộ viện trợ nước ngoài cũng băn khoăn liệu Afghanistan có trở nên tốt hơn nếu Mỹ không giúp đỡ chút nào hay không.
“Chúng tôi đã chi quá nhiều tiền mà những thứ đạt được thì quá ít”, Michael Callen, nhà kinh tế của Đại học California tại San Diego chuyên về lĩnh vực công cộng Afghanistan, nói.
Callen và những người khác đổ lỗi cho một loạt sai lầm lặp đi lặp lại trong hơn 18 năm - kế hoạch lộn xộn, chính sách sai lầm, hệ thống quan liêu.
Nhiều người nói rằng chiến lược xây dựng quốc gia nói chung đã bị làm suy yếu thêm bởi sự kiêu ngạo, thiếu kiên nhẫn, thiếu hiểu biết và niềm tin rằng tiền có thể sửa chữa bất cứ điều gì.
Họ nói phần lớn số tiền cuối cùng đã rơi vào túi của các nhà thầu đắt đỏ hoặc các quan chức Afghanistan tham nhũng, trong khi các trường học, bệnh viện và đường xá được Mỹ tài trợ trở thành đống đổ nát nếu chúng được xây dựng.
“Đôi lúc chúng ta có thể bội chi. Chúng ta là một quốc gia giàu có và có thể rót tiền xuống hố mà không làm ngân hàng phá sản. Nhưng chúng ta có nên làm vậy không? Chúng ta có thể tính toán hợp lý hơn không?”, Douglas Lute, trung tướng quân đội, người từng dẫn dắt cuộc chiến Afghanistan từ năm 2007 đến 2013, nói với những người phỏng vấn của chính phủ.
Washington Post đã tiếp cận được những tài liệu chấn động này cho loạt bài điều tra về những bê bối và dối trá của chính quyền Mỹ về cuộc chiến Afghanistan. Sự chấn động của loạt bài này được ví với hồ sơ Pentagon Papers của thời chiến tranh Việt Nam.
Lute nói rằng Mỹ đã vung tiền cho các con đập và đường cao tốc chỉ “để chứng minh chúng ta có thể tiêu tiền” dù nhận thức rõ rằng người Afghanistan, những người nghèo nhất và ít học nhất trên thế giới, có thể không bao giờ giữ được các dự án cơ sở hạ tầng lớn như vậy.
“Một ví dụ chua chát về điều này là buổi lễ cắt băng khánh thành với chiếc kéo khổng lồ mà tôi tham dự cùng cảnh sát trưởng ở một tỉnh rất nghèo”, Lute nói. Ông kể rằng Công binh Lục quân Mỹ đã giám sát việc thiết kế và xây dựng trụ sở cảnh sát có mặt tiền bằng kính và cửa sổ trời.
“Cảnh sát trưởng thậm chí không thể mở cửa. Ông ta chưa bao giờ thấy tay nắm cửa như thế. Đối với tôi, điều này gói gọn toàn bộ trải nghiệm ở Afghanistan”, Lute nói.
Kể từ khi chiến tranh bắt đầu, các quan chức Mỹ đã tranh luận và lên án về chi phí tái thiết Afghanistan. Năm 2008, khi các báo cáo về gian lận và chi tiêu quá mức chất đống, Quốc hội đã thành lập cơ quan giám sát để theo dõi dòng tiền.
Kể từ đó, Văn phòng Tổng Thanh tra Đặc biệt về Tái thiết Afghanistan, hay SIGAR, đã thực hiện hơn 1.000 cuộc kiểm toán và điều tra, phơi bày các dự án lãng phí và cho thấy 2 tỷ USD có thể đã được tiết kiệm.
Năm 2014, SIGAR khởi động dự án đặc biệt trị giá 11 triệu USD có tên “Những bài học Kinh nghiệm” để xem xét những thất bại trong chính sách ở Afghanistan. Nhân viên cơ quan đã phỏng vấn hơn 600 người có kinh nghiệm trực tiếp trong cuộc chiến.
Trái: Tổng thống Bush phát biểu tại phiên họp chung của Quốc hội năm 2001. Phải: Tổng thống Obama nói chuyện với Richard Holbrooke, đặc phái viên về Pakistan và Afghanistan, tại Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington năm 2009. Ảnh: AP. |
Trong số ba tổng tư lệnh, Bush có lẽ là người ít có khả năng trở thành người có thể tái thiết Afghanistan nhất. Khi lần đầu tiên vận động tranh cử tổng thống, ông đã chế giễu chính quyền Clinton vì cam kết “tái thiết” ở Somalia và Haiti dù không được ủng hộ.
“Tôi không nghĩ rằng quân đội của chúng ta nên được sử dụng cho những gì mà người ta gọi là tái thiết. Tôi nghĩ rằng quân đội của chúng ta nên được sử dụng để chiến đấu và chiến thắng”, ông nói trong cuộc tranh luận với ứng viên đảng Dân chủ Al Gore vào tháng 10/2000.
Một năm sau, Bush ra lệnh cho lực lượng Mỹ xâm chiếm Afghanistan. Chiến thắng trên chiến trường đến nhanh chóng. Xử lý hậu quả lại mất nhiều thời gian hơn dự kiến.
Không có quốc gia nào cần xây dựng nhiều hơn Afghanistan. Đất nước nghèo cùng cực này bị tàn phá bởi chiến tranh liên tục từ năm 1979.
Rất ít người Afghanistan biết nhiều về thế giới bên ngoài. Phần lớn không biết chữ. Những kẻ cai trị bị lật đổ của đất nước, Taliban, một phong trào tôn giáo cực đoan, đã cấm nhiều dấu ấn của nền văn minh hiện đại, bao gồm truyền hình, nhạc cụ và quyền bình đẳng cho phụ nữ.
“Chúng tôi đang đối phó với các phần của một xã hội mà ở đó người ta nghĩ rằng vua vẫn nắm quyền, không bao giờ biết người Nga đến hay người Mỹ đang ở đây”, Jordan Sellman, người đã dành nhiều năm ở Afghanistan làm việc cho USAID, nói với những người phỏng vấn của chính phủ.
“Họ thậm chí không sử dụng tiền tệ mà dùng vật phẩm để trao đổi. Chúng tôi đã mang những thứ của thế kỷ 21 đến một xã hội sống trong một thời kỳ khác”, ông nói.
Các cậu bé chơi bóng đá vào năm 2005 trong một hồ bơi thời Liên Xô trống rỗng và bị chiến tranh tàn phá ở Kabul. Ảnh: AP. |
Theo những người được phỏng vấn cho dự án Bài học Kinh nghiệm, ban đầu, chính quyền Bush đã cố gắng tránh trách nhiệm tái thiết Afghanistan.
Tuy nhiên, cuối cùng, chính quyền Bush nhận ra rằng họ có nhiệm vụ giúp Afghanistan xây dựng nền kinh tế mới từ con số không. Mặc dù Afghanistan hầu như chưa có kinh nghiệm với thị trường tự do, Mỹ đã gây áp lực để người Afghanistan chấp nhận chủ nghĩa tư bản kiểu Mỹ.
Các nhà tài trợ nhấn mạnh rằng phần lớn viện trợ được dành cho giáo dục, mặc dù Afghanistan, một quốc gia nông nghiệp tự cung tự cấp, có rất ít việc làm cho sinh viên tốt nghiệp.
“Chúng tôi xây dựng trường học bên cạnh những trường bỏ trống và điều đó thật không hợp lý”, một sĩ quan Lực lượng Đặc biệt nói. Ông cho biết người Afghanistan địa phương đã bày tỏ “họ không thực sự muốn trường học. Họ nói rằng họ muốn con của họ đi chăn dê”.
Các quan chức Mỹ và châu Âu cũng khăng khăng muốn Afghanistan theo đuổi thương mại tự do mặc dù nước này gần như không có gì giá trị để xuất khẩu.
“Chúng tôi có thể bán gì? Một vài chùm nho hay thứ gì tương tự ư?”, một quan chức Afghanistan nói trong cuộc phỏng vấn Những bài học Kinh nghiệm vào tháng 3/2017.
Không cần đến một nhà khoa học chính trị để thấy rằng Afghanistan cần một hệ thống chính phủ tốt hơn. Bị chia cắt bởi các bộ lạc thù địch và các lãnh chúa độc tài, đất nước này có lịch sử đầy biến động của các cuộc đảo chính, ám sát và nội chiến.
Chính quyền Bush đã thuyết phục người Afghanistan áp dụng giải pháp do Mỹ sáng tạo - nền dân chủ lập hiến dưới sự điều hành của một tổng thống được bầu bằng phiếu phổ thông.
Theo nhiều cách, chính phủ mới giống như một phiên bản Thế giới Thứ ba của Washington. Quyền lực được tập trung ở thủ đô Kabul. Một bộ máy quan chức liên bang mọc lên theo mọi hướng, được chăm bẵm bởi USD và quân đoàn các cố vấn phương Tây.
Theo hiến pháp mới, tổng thống Afghanistan nắm quyền lớn hơn nhiều so với hai nhánh chính phủ khác - quốc hội và tư pháp - và cũng phải bổ nhiệm tất cả thống đốc tỉnh. Tóm lại, quyền lực tập trung trong tay một người.
Hệ thống cứng nhắc do Mỹ thiết kế mâu thuẫn với truyền thống Afghanistan, tiêu biểu bởi sự pha trộn giữa quyền lực phi tập trung và phong tục bộ lạc. Nhưng khi người Afghanistan bị hạ gục và khánh kiệt, người Mỹ nắm quyền điều khiển.
“Sau khi Taliban sụp đổ, người ta nghĩ rằng chúng ta cần một tổng thống ngay lập tức nhưng đó là sai lầm”, một quan chức Đức bày tỏ.
Một lý do lớn cho quyết định này là các nhà lãnh đạo Mỹ đã để ý đến một nhà cai trị tiềm năng. Hamid Karzai, thủ lĩnh bộ lạc từ miền Nam Afghanistan, thuộc nhóm dân tộc lớn nhất của đất nước, người Pashtun.
Có lẽ quan trọng hơn, Karzai nói tiếng Anh trôi chảy và là nhân vật cộng tác của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Năm 2001, một điệp viên Mỹ đã cứu mạng ông và CIA giữ Karzai trong biên chế của mình nhiều năm sau đó.
Trái: Lính cận vệ tại dinh tổng thống ở Kabul năm 2014. Phải: Tổng thống Hamid Karzai trong cuộc phỏng vấn năm 2014 với Washington Post ở Kabul. Ảnh: Washington Post. |
Lúc đầu, trong mắt người Mỹ, hệ thống chính phủ mới do Karzai lãnh đạo đã hoạt động. Năm 2004, sau khi làm lãnh đạo lâm thời, Karzai được bầu làm tổng thống tại Afghanistan trong cuộc bầu cử dân chủ quốc gia đầu tiên. Ông đã xây dựng mối quan hệ cá nhân với Bush. Hai nhà lãnh đạo thường xuyên trò chuyện qua kết nối video.
Nhưng quan hệ của họ dần rạn nứt. Karzai trở nên cứng rắn và chỉ trích quân đội Mỹ vì sự gia tăng các cuộc không kích và đột kích ban đêm gây thương vong và khiến nhiều người dân phải di dời. Trong khi đó, các quan chức tức tối khi Karzai thỏa thuận với các lãnh chúa và phân chia quyền điều hành như chiến lợi phẩm chính trị.
Từ trái, quan chức của USAID James Bever, Tổng thống Karzai, Bộ trưởng Ngoại giao Afghanistan Abdullah Abdullah và Đại sứ Mỹ Zalmay Khalilzad rà soát bản đồ của các dự án xây dựng đường bộ tại một cuộc họp năm 2004 ở Kabul. Ảnh: Getty. |
Năm 2009, Karzai tái đắc cử. Các quan chức Mỹ gây áp lực điều tra kết quả bỏ phiếu. Trong khi đó, Karzai cáo buộc chính quyền Obama xâm phạm chủ quyền Afghanistan và âm mưu lật đổ ông.
Cuối cùng, các quan chức Mỹ phải rút lại phản đối. Rốt cuộc, họ đã xây dựng quốc gia mới và giao cho Karzai phụ trách.
Vài tuần sau khi Karzai tái đắc cử, Obama tuyên bố sẽ gửi thêm 30.000 lính Mỹ đến khu vực chiến tranh như một phần của chiến lược mới để đánh bại Taliban và củng cố nhà nước Afghanistan.
Trong bài phát biểu tháng 12/2009 tại Học viện Quân sự Mỹ ở West Point, New York, ông Obama nói với người Mỹ rằng điều này không có nghĩa là kéo dài chiến dịch dựng quốc vốn đã chật vật qua 8 năm.
Tuy nhiên, các tướng lĩnh hiểu rõ thực tế.
Trong phiên điều trần tháng 6/2010 tại Quốc hội, Tướng quân đội David H. Petraeus, chỉ huy Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ lúc đó, thừa nhận Mỹ đang xây dựng, tái thiết Afghanistan.
Trên thực tế, một nền tảng trong chiến lược chống khủng bố của Obama là xây dựng chính phủ Afghanistan với tốc độ chóng mặt bằng số tiền lớn chưa từng thấy từ kho bạc Mỹ.
Petraeus và các chỉ huy khác của Mỹ đặt cược rằng người dân Afghanistan sẽ ngừng hỗ trợ Taliban nếu họ cảm thấy chính quyền Karzai có thể bảo vệ họ và cung cấp các dịch vụ cơ bản.
Nhưng có hai rào cản lớn.
Đầu tiên, không có nhiều thời gian để chiến lược chống du kích phát huy hiệu quả. Obama chỉ cho Lầu Năm Góc 18 tháng để xoay chuyển cuộc chiến trước khi bắt đầu đưa quân đội về nước.
Thứ hai, trên khắp Afghanistan, hầu như không có sự hiện diện của chính phủ. Ở những nơi nó hiện diện, chính quyền thường tham nhũng và bị người dân chán ghét.
Do đó, chính quyền Obama đã ra lệnh cho quân đội, Bộ Ngoại giao, USAID và các nhà thầu của họ xây dựng chính phủ Afghanistan càng nhanh càng tốt.
Binh lính và nhân viên cứu trợ được sử dụng ngân quỹ gần như vô hạn để xây dựng trường học, bệnh viện, đường xá - bất cứ thứ gì có thể giành được lòng trung thành từ dân chúng.
Trong lúc vội vã chi tiêu, các cơ quan của Mỹ đã lãng phí khoản tiền lớn cho các dự án ma không bao giờ thành hình.
Khu công nghiệp rộng hàng chục ha chỉ nằm trên giấy, dự án đập thủy điện trị giá hàng trăm triệu USD không thể duy trì hoạt động nếu thiếu trợ cấp nước ngoài và không mang lại hiệu quả thương mại.
Trong tất cả sai sót với chiến dịch dựng quốc Afghanistan - lãng phí, không hiệu quả, những ý tưởng nửa vời - không có gì khiến các quan chức Mỹ bối rối hơn thực tế là họ không thể biết liệu có bất kỳ điều gì thực sự giúp họ chiến thắng trong cuộc chiến hay không.