"Chúng tôi chưa thấy một cảnh tượng xảy ra trên quy mô lớn như vậy từ trước đến nay", New York Times dẫn lời ông Kjartan Knutsen, quan chức thuộc Cơ quan Môi trường Na Uy, cho biết.
"Những loài động vật chết từng con riêng rẽ do bị sét đánh, thậm chí có những sự cố mà cừu chết theo nhóm từ 10 đến 20 con, nhưng chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến sự việc nào như thế này".
Nguyên nhân dẫn đến sự việc trên được cho là do sét đánh. Theo ông Knutsen, khi xảy ra giông bão, tuần lộc thường đứng co cụm với nhau. Bình thường tập tính co cụm đó giúp chúng tồn tại, tuy nhiên, trong trường hợp này, chúng đã phải trả giá bằng cái chết. Mưa dữ dội và sét lớn cuối tuần trước đã khiến tuần lộc chết ngay tại chỗ.
Hàng trăm xác tuần lộc nằm la liệt trên cao nguyên Hardangervidda, Na Uy. Ảnh: Reuters |
Anton Krag, một nhà động vật học và giám đốc điều hành của Liên minh Bảo vệ động vật Na Uy, cho biết ông hy vọng việc công khai thông tin về số lượng tuần lộc tử vong có thể giúp người dân nhận thức rõ hơn về những nguy hiểm mà loài động vật này đang phải đối mặt.
Ông cho hay, tuy sự kiện bất thường này xuất phát từ những yếu tố tự nhiên khó tránh khỏi, nhưng cũng không thể bỏ qua những nguyên nhân từ phía con người khiến số lượng tuần lộc suy giảm. Mỗi năm, hàng trăm con tuần lộc bị chết do xe lửa vì chính phủ Na Uy là chưa sẵn sàng đầu tư cho các hàng rào bảo vệ hay do các hoạt động săn bắt.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng tiến hành xác minh xem sự việc tuần lộc chết hàng loạt này có liên quan đến bệnh rối loạn thần kinh truyền nhiễm mang tên CWD, vốn có mối quan hệ với chứng bò điên đã được phát hiện trên những con tuần lộc ở miền Nam Na Uy hồi tháng 3 hay không.
Cao nguyên Hardangervidda thuộc công viên quốc gia cùng tên nằm ở vùng trung nam Na Uy là nơi sinh sống của đàn tuần lộc hoang dã lớn nhất châu Âu. Trước đó, vào năm 2005, 68 con bò tại Australia cũng bị chết do sét.