Hàng tồn kho lại tăng nhanh
Tháng 7, chỉ số nhà quản trị mua hàng nhích nhẹ so với tháng 6 nhưng vẫn dưới ngưỡng 50 điểm và có tháng giảm thứ ba liên tiếp.
Báo cáo tình hình sản xuất trong tháng 7 tại Việt Nam, HSBC cho biết, trong tháng này, lĩnh vực sản xuất tiếp tục suy giảm dù tốc độ chậm lại. Số lượng và sản lượng đơn đặt hàng giảm yếu hơn, biên lợi nhuận vẫn chịu áp lực lớn khi giá xuất xưởng giảm tiếp, còn giá đầu vào tăng nhanh hơn. Tốc độ giảm đơn đặt hàng xuất khẩu mới diễn ra tháng thứ hai liên tiếp và nhanh nhất từ đầu năm.
Đáng chú ý, hàng tồn kho thành phẩm tăng 2 tháng liên tiếp và có mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 6/2012. Trong tháng 7, sản lượng dư thừa cũng được chuyển sang thành hàng tồn kho.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 7 đạt 48,5 điểm. Mức này dù cải thiện hơn so với 46,4 điểm của tháng 6, song vẫn nằm dưới ngưỡng 50, khiến cho PMI giảm sút tháng thứ ba liên tiếp. Theo chuẩn, mức 50 được dùng làm thước đo cho sự suy giảm hay tăng trưởng PMI từng tháng, càng thấp hơn 50 điểm, sản xuất càng suy giảm, và ngược lại.
Bình luận về PMI Việt Nam tháng 7, chuyên gia kinh tế của HSBC, bà Trinh Nguyen cho biết, nguyên nhân chính của tình trạng này là điều kiện yếu kém của cả trong nước và nước ngoài, khi nhu cầu Trung Quốc yếu kém đi. Trong quý IV, các điều kiện bên ngoài có thể được cải thiện khi nhu cầu tại Mỹ, Nhật Bản, khu vực EU và Trung Quốc phục hồi. Vấn đề cốt lõi là các cải cách của Việt Nam phải được thực hiện nhanh hơn.
"Việc cắt giảm 50 điểm lãi suất thị trường mở (OMO) của Ngân hàng Nhà nước để làm dịu nhẹ thanh khoản dường như chỉ là giải pháp tạm thời, cơ bản vẫn cần các cải cách căn bản để giải quyết khó khăn về tín dụng tại Việt Nam", chuyên gia trên nêu ý kiến.
Lan Anh
Theo Infonet