"Nguồn hàng hóa dồi dào, phong phú, hệ thống phân phối phủ rộng”. Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Huỳnh Trang cho biết như thế tại cuộc họp về tình hình thị trường hàng hóa Tết âm lịch 2017 ngày 4/11.
Cũng theo bà Trang, giá hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết sẽ ổn định, khó xảy ra tình trạng đột biến về giá.
Cụ thể, lương thực, thực phẩm thiết yếu cung ứng cho người tiêu dùng tập trung ở ba nguồn gồm các doanh nghiệp (DN) tham gia chương trình bình ổn thị trường (chiếm 30% thị phần); các chợ đầu mối (chiếm từ 60% thị phần), còn lại là các DN khác.
Các DN cũng đã chuẩn bị sản xuất, dự trữ hàng để cung ứng cho hai tháng trước Tết Đinh Dậu hơn 17.000 tỷ đồng, tăng 860 tỷ đồng so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Bính Thân 2016. Nhiều nhóm mặt hàng được chuẩn bị với lượng lớn, chi phối 35%-52% nhu cầu thị trường như thịt gia cầm, đường, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, thịt gia súc, dầu ăn và gạo.
Nhóm mặt hàng được chuẩn bị với lượng lớn, chi phối 35%-52% nhu cầu thị trường như thịt gia súc, thịt gia cầm, đường, thực phẩm chế biến...
|
Tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu Sở Công Thương TP.HCM tiếp tục phối hợp chặt hơn nữa với các DN, trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị để ngăn chặn hàng gian, hàng giả.
Đối với ban quản lý các chợ, ngoài việc truy xuất nguồn gốc thịt heo sạch, phải xử lý nghiêm để răn đe các hành vi gian lận, buôn bán hàng kém chất lượng.
Ông Tuyến cũng yêu cầu Sở Công Thương TP.HCM có kế hoạch mời gọi các DN, hợp tác xã sản xuất nông sản sạch đưa sản phẩm vào các hệ thống phân phối, để gia tăng sự lựa chọn cho người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, các DN cần tăng cường bán hàng lưu động và giảm giá cho người dân ngoại thành, khu lưu trú công nhân… Đặc biệt, phải nâng cao chất lượng thực phẩm, 100% số mặt hàng thiết yếu phải là hàng sạch, có nguồn gốc rõ ràng.