Hàng Thái được lòng người tiêu dùng
Mỗi năm vài bận, cứ đến hội chợ hàng Thái Lan là chị Sáu (ngụ tại đường Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình, TP HCM) dù bận đến mấy cũng thu xếp việc nhà để... ngày ngày có mặt tại hội chợ và mang về đủ thứ hàng hóa, từ quần áo, giày dép đến ca nhựa, đồ trang sức... trong niềm vui thích cực độ. Cửa hàng đồ Thái nhập khẩu gần nhà cũng là địa chỉ quen thuộc của chị Sáu và các thành viên trong gia đình.
Chị Sáu quê gốc ở huyện Chợ Mới, An Giang, quen dùng hàng Thái bán khắp các chợ dưới quê từ hồi nhỏ. Với chị Sáu, hàng Thái tốt hơn hẳn hàng Việt, đẳng cấp hơn hẳn hàng Tàu và không thua kém bao xa với hàng của Nhật Bản hay Hàn Quốc.
Hội chợ hàng Thái Lan vừa diễn ra tại TP HCM vào tháng 7 vừa qua thu hút đông đảo người tiêu dùng đến mua sắm. |
Tại hội chợ hàng Thái Lan diễn ra hồi tháng 7, nhân viên bán hàng của Công ty Trang Việt, một nhà nhập khẩu các sản phẩm đồ nhựa gia dụng, cho biết hàng Thái ngày càng hút khách nhờ giá tốt, bên cạnh những yếu tố đã quen thuộc là chất lượng và mẫu mã vượt trội. Trong thời gian qua, thuế nhập khẩu các sản phẩm nhựa gia dụng từ Thái Lan giảm dần nên giá không còn chênh lệch nhiều so với hàng Việt, công việc kinh doanh của nhà nhập khẩu này, theo đó càng phát triển.
Hàng Thái Lan có mặt tại hầu hết các hệ thống siêu thị cũng như các cửa hàng, đại lý, chợ truyền thống. Khảo sát tại một số siêu thị trên địa bàn TP HCM, hàng tiêu dùng có xuất xứ từ Thái Lan, nhất là ngành hàng nhôm, nhựa gia dụng, đang chiếm số lượng lớn trên các quầy kệ.
Nhân viên siêu thị Co.opmart trên đường Nguyễn Ảnh Thủ, quận 12, TP HCM, cho biết thời gian gần đây, người dân khu vực này bắt đầu quen với các sản phẩm nhựa gia dụng đến từ Thái Lan. Các nhà sản xuất Thái Lan cũng rất biết cách thu hút người tiêu dùng.
Chẳng hạn, một hộp nhựa loại 1 lít có giá bán 125.000 đồng, được giới thiệu có chức năng kháng khuẩn (antibacterial), kéo dài thời gian bảo quản thức ăn... Trong khi đó, sản phẩm cùng loại do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất có giá bán khoảng 85.000 đồng/cái nhưng lại không có các chức năng như hàng Thái. “Rõ ràng, nếu so sánh thì hàng Thái Lan thu hút người tiêu dùng hơn”, một nhân viên tại đây nói.
Sức thu hút của hàng Thái đối với người tiêu dùng cũng tạo cơ hội làm ăn cho không ít doanh nghiệp. Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn cách đây chưa lâu, ông Trương Văn Dũng, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Thiết bị chăm sóc sức khỏe số 1, một thành viên của tập đoàn Đức Trung có trụ sở ở Hà Nội, đã chia sẻ về tiềm năng lớn khi kinh doanh hàng Thái.
Theo ông, rất dễ thấy hàng Thái Lan được người tiêu dùng ưa chuộng hơn hàng Trung Quốc vốn nhiều tai tiếng. Còn so với các nước trong khu vực Đông Nam Á thì hàng Thái cũng quen thuộc hơn rất nhiều.
Hiện tại, công ty ông Dũng đang nhập khẩu, phân phối dòng sản phẩm gia dụng bằng chất liệu sứ từ Thái Lan và tốc độ tăng trưởng rất ổn định. Công ty này đang tìm kiếm đầu mối để trở thành tổng đại lý phân phối nhãn hàng Ocean, một nhãn hiệu đồ gia dụng bằng thủy tinh được ưa chuộng tại Việt Nam.
Hàng Việt Nam không thua kém nhiều so với hàng Thái, tuy nhiên, các doanh nghiệp lại có điểm yếu cố hữu là chất lượng không ổn định, lúc ban đầu thì được người tiêu dùng ưa chuộng nhưng khi đơn hàng có số lượng lớn là chất lượng lại sụt giảm.
Bà Nguyễn Ánh Hồng, Tổng giám đốc hệ thống siêu thị Maximark, cho biết chuyện hàng Thái tràn ngập trên thị trường đã diễn ra từ lâu. Hàng Thái thu hút người tiêu dùng là nhờ chất lượng và mẫu mã. Và cùng với việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), giá cả hàng hóa có cơ hội giảm 10-15% so với trước.
Doanh nghiệp Việt Nam không còn đường lùi
Không chỉ được lòng người tiêu dùng và nhà phân phối, các mặt hàng Thái Lan còn được sự “hậu thuẫn” từ các nhà phân phối của Thái. Thông qua các thương vụ mua bán sáp nhập như BJC mua cổ phần của FamilyMart trong liên doanh với Công ty Phú Thái và mở chuỗi cửa hàng tiện lợi B’s mart; hay BJC mua 19 siêu thị Metro Cash & Carry, hàng Thái càng dễ dàng có mặt tại các hệ thống siêu thị ở Việt Nam.
Ở ngành nhựa, các doanh nghiệp Thái cũng đã dần thâu tóm hoặc sở hữu lượng lớn cổ phần tại các doanh nghiệp Việt Nam. Chẳng hạn, tập đoàn SCG mua 80% cổ phần Công ty Bao bì nhựa Tín Thành (Batico) vào cuối tháng 7 với mục tiêu mở rộng sản xuất ngành bao bì và củng cố vị trí hàng đầu trong việc cung cấp bao bì tại thị trường Đông Nam Á. Tập đoàn này cũng đã mua trên 20% cổ phần nhựa Bình Minh và gần 25% nhựa Tiền Phong.
Ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam, nhận định việc doanh nghiệp Thái ngày càng lấn sâu vào ngành nhựa gây áp lực lớn cho các doanh nghiệp nhựa trong nước. Viễn cảnh dễ thấy nhất là hàng nhựa Việt Nam sẽ từ từ bị đánh bạt vì người Thái vừa sản xuất, vừa có kênh phân phối, bán lẻ. Điều này buộc các doanh nghiệp nhựa nội địa phải nhanh chóng đầu tư đổi mới công nghệ, nâng chất lượng sản phẩm nếu không muốn sớm bị thua trên sân nhà.
Từ góc nhìn của nhà bán lẻ, bà Nguyễn Ánh Hồng cho rằng, việc hàng Thái rẻ thêm nhờ thuế bằng không sẽ tốt cho thị trường, đó là giúp người tiêu dùng có thêm nhiều sự lựa chọn. Còn với nhà sản xuất trong nước, nếu xem xét ở góc độ tích cực, áp lực từ một “thế lực” mạnh như hàng Thái sẽ tạo sức ép buộc các doanh nghiệp nhìn lại mình và thay đổi. “Hội nhập thì phải vậy, doanh nghiệp không còn đường lùi”, bà Hồng nói.
Theo bà Hồng, thời gian qua, doanh nghiệp Việt Nam cũng đã nỗ lực đầu tư cho bao bì, mẫu mã hàng hóa và nâng dần chất lượng sản phẩm. Hàng Việt Nam không thua kém nhiều so với hàng Thái, tuy nhiên, các doanh nghiệp lại có điểm yếu cố hữu là chất lượng không ổn định, lúc ban đầu thì được người tiêu dùng ưa chuộng nhưng khi đơn hàng có số lượng lớn là chất lượng lại sụt giảm.
Trong cuộc cạnh tranh với hàng Thái, bà Hồng cho rằng doanh nghiệp Việt Nam chắc chắn sẽ tìm ra cách, giống như bao nhiêu năm qua họ đã làm được. Điều quan trọng là chất lượng hàng hóa phải ổn định, mẫu mã phải đa dạng, đẹp mắt và kế hoạch kinh doanh cần được tính toán kỹ hơn, đánh giá đúng và đủ tất cả các yếu tố tác động để có tính lâu dài. “Cứ hàng tốt, hàng đẹp là người tiêu dùng sẽ chọn, giá có hơn kém nhau 10-15% không phải là yếu tố quan trọng”, bà Hồng khuyến nghị.
Một lãnh đạo của Công ty cổ phần Nhựa Duy Tân, nhà sản xuất các sản phẩm nhựa gia dụng và bao bì, cũng đồng tình giải pháp duy nhất để doanh nghiệp nhựa trong nước tăng “sức đề kháng” trước áp lực của hàng Thái là liên tục đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng và đa dạng sản phẩm, liên tục cho ra đời mẫu mã mới vì người tiêu dùng Việt Nam thường rất thích những sản phẩm mới, lạ từ nước ngoài. Ngoài ra, điều quan trọng không kém nữa là xây dựng được hệ thống phân phối vững chắc.
Bà Hồng còn cho rằng doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ tích cực, thiết thực của Nhà nước, “nói phải đi đôi với làm”. “Doanh nghiệp Việt Nam rất giỏi. Họ có thể làm được. Quan trọng là Nhà nước hỗ trợ họ tiếp cận được nguồn vốn cũng như hiện thực hóa nhiều chính sách hỗ trợ đã được công bố”, bà Hồng nói.