Khi AEC được thành lập sẽ có nhiều cơ hội mở ra cho lao động cũng như những người sử dụng lao động ở Việt Nam. Đối với người lao động, có 8 lĩnh vực lao động có chuyên môn kỹ thuật, đạt chuẩn nghề nghiệp mà các nước công nhận được tự do di chuyển trong khối ASEAN.
Còn với người sử dụng lao động, sẽ có nguồn lao động lớn hơn bởi nếu như trước đây thị trường lao động Việt Nam chỉ gói gọn trong hơn 90 triệu dân thì nay sẽ có hơn 600 triệu lao động đến từ các nước ASEAN.
- Song hành cùng cơ hội, chúng ta sẽ gặp phải thách thức gì, thưa ông?
- Thách thức đầu kiên phải kể đến là việc lao động Việt Nam có đạt được trình độ chuẩn để được các nước khác công nhận không bởi chuẩn của Việt Nam không giống với chuẩn ASEAN. Thứ hai, khi lao động muốn dịch chuyển, phải có vốn ngoại ngữ nhất định. Thách thức nữa là làm sao dự báo được thị trường lao động ở Việt Nam và các nước trong khu vực, biết ngành nghề nào cần để người lao động lựa chon.
Đối với người sử dụng lao động, một mặt phải thu hút được lao động tốt vào làm việc cho mình và thách thức làm sao giữ chân họ để họ có thể làm việc lâu dài là một bài toán không đơn giản. Bên cạnh cơ hội tuyển được lao động trình độ cao thì phải tạo được chính sách đãi ngộ, môi trường làm việc tốt hơn nữa mới có thể giữ chân người lao động.
Một nguy cơ nữa, khi AEC mở cửa, cùng với những vị trí việc làm tốt, lao động nước ngoài cũng sẽ tràn vào nước ta, lao động Việt Nam có nguy cơ bị thua ngay trên sân nhà.
- Vậy giải pháp để ứng phó với những thách thức đó là gì thưa ông?
Chúng ta phải biết cách tổ chức thị trường lao động sao cho có lợi nhất, phải biết chỗ nào có vị trí việc làm, phải nắm bắt được và công bố để người lao động Việt Nam biết nhanh hơn và kịp thời ứng tuyển vào vị trí đó.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp. |
Điều này đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ hơn ở thị trường trong nước bởi hiện nay mặc dù thị trường việc làm đã mở cửa nhưng thông tin vẫn thiếu do từng tỉnh, từng địa phương công bố riêng lẻ. Nếu tổ chức tốt hơn, có sự liên kết chặt chẽ hơn giữa các địa phương tại các Sở Lao động thì một khi có cơ hội việc làm, có thể chia sẻ trong cả hệ thống.
Bên cạnh đó, giải pháp xây dựng hàng rào kỹ thuật phù hợp với Asean cũng được đề cập. Đây là điều mà các nước đều làm để bảo vệ người lao động và thị trường trong nước. Nhiều nước trên thế giới đều tận dụng rào cản về ngôn ngữ để bảo vệ lao động trong nước.
Nếu vào Thái Lan làm việc, người lao động nước ngoài phải đạt trình độ tiếng Thái ở mức độ nhất định. Cũng giống như ở Hàn Quốc, lao động Việt Nam muốn vào làm việc phải thi tiếng Hàn. Ngay tại Nhật Bản, các điều dưỡng viên Việt Nam sang Nhật Bản phải đạt trình độ tiếng Nhật ở bậc cao như N4. Ở Đức, điều dưỡng viên phải đáp ứng trình độ tiếng Đức chuẩn B2 châu Âu …
Sẽ có nhiều việc phải làm từ nâng cao chất lượng đào tạo, tổ chức tốt hơn thị trường lao động, thông tin thị trường lao động thông suốt hơn, đến kiểm soát nhu cầu thị trường lao động trong nước và trong khu vực. Trên cơ sở đó mới cung cấp đầy đủ thông tin cho thị trường lao động để lao động Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội này.
- Trước dịch chuyển lao động tự do, ông có cảnh báo gì đối với lao động Việt Nam?
- Người lao động Việt Nam phải cố gắng để có được các kiến thức kỹ năng theo khung trình độ mà khu vực đòi hỏi. Tức là bên cạnh việc học ở nhà trường, phải tìm hiểu thêm để lấp đầy kiến thức thực tiễn.
Thứ hai, phải trau dồi khả năng ngoại ngữ, khả năng giao tiếp, khả năng làm việc nhóm. Ngoài ra, theo đánh giá của nhiều nước, chỉ số tự giác và đúng giờ của lao động Việt Nam chưa cao. Vậy nên phải rèn luyện ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp cùng nhiều kỹ năng mềm khác. Chỉ có như vậy lao động Việt Nam mới tận dụng được những lợi thế khi AEC thành lập.