Thành lập từ năm 1965, Công ty Cổ phần Điện cơ Thống Nhất là một trong những đơn vị sản xuất quạt điện lớn nhất cả nước. Đây cũng là doanh nghiệp sở hữu độc quyền sản phẩm quạt 3 cánh và tên gọi Vinawind tại Việt Nam.
Trước khi thị trường có sự xuất hiện của các thương hiệu quạt điện Nhật Bản, Trung Quốc, Điện cơ Thống Nhất gần như nắm giữ toàn bộ thị phần phân phối quạt điện tại thị trường phía Bắc.
Có tuổi đời hàng chục năm, kinh doanh trong mảng bị cạnh tranh nhiều bởi đối thủ Trung Quốc, tuy nhiên, Điện cơ Thống Nhất vẫn sở hữu kết quả kinh doanh lớn hơn nhiều nhóm thương hiệu xưa như Cao su Sao Vàng, Diêm Thống Nhất, Mỳ tôm Miliket-Colusa, Giày Thượng Đình…
Chiếc quạt điện 3 cánh nổi tiếng một thời của Điện cơ Thống Nhất. Ảnh: Hoàng Hà. |
Cụ thể, báo cáo tài chính mới công bố của Điện cơ Thống Nhất cho biết, 3 tháng vừa qua, công ty này đã ghi nhận hơn 235 tỷ đồng doanh thu thuần. Trong đó, toàn bộ doanh thu đều đến từ hoạt động bán các sản phẩm quạt điện và quạt thông gió cùng phụ kiện đi kèm.
So với cùng kỳ, doanh thu bán quạt quý III năm nay của công ty đã tăng tới 47%. Nhờ kết quả này mà biên lãi gộp trong kỳ cũng tăng lên đạt 22,1%, tương đương 52 tỷ đồng lãi gộp.
Sau khi trừ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp, hãng quạt điện 54 năm tuổi thu về 40 tỷ đồng lãi trước thuế, tương đương mức lãi hơn 444 triệu đồng mỗi ngày.
Tính cả 9 tháng từ đầu năm, Điện cơ Thống Nhất đạt 985 tỷ đồng doanh thu, tăng 19% và thu về 82 tỷ đồng lãi trước thuế. Mức lợi nhuận ròng sau thuế là hơn 65 tỷ đồng.
Theo kế hoạch được ban lãnh đạo đưa ra, doanh thu cả năm nay công ty ước đạt 1.031 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 86 tỷ. Như vậy, sau 9 tháng công ty đã hoàn thành 96% kế hoạch doanh thu và 95% kế hoạch lợi nhuận.
Thực tế, chỉ phát sinh doanh thu từ bán quạt nhưng hàng năm Điện cơ Thống Nhất đều ghi nhận xấp xỉ 1.000 tỷ đồng doanh thu cùng hàng chục tỷ tiền lãi ròng.
Năm 2018, công ty này cũng đạt 905 tỷ đồng doanh thu thuần và 109 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Kết quả cao hơn nhiều so với nhóm thương hiệu xưa.
Vẫn đều đặn báo lãi hàng năm, nhưng kết quả kinh doanh của Công ty Cổ phần Lương thực Thực phẩm Colusa - Miliket (chủ sở hữu thương hiệu mì 2 con tôm nổi tiếng một thời) thấp hơn nhiều so với Điện cơ Thống Nhất.
Dù đã tăng 8% nhưng doanh thu năm vừa qua của Miliket mới đạt 602 tỷ đồng, và lợi nhuận trước thuế gần 33 tỷ, xấp xỉ 1/3 lợi nhuận của Điện cơ Thống Nhất.
Tương tự, sở hữu mức doanh thu xấp xỉ Điện cơ Thống Nhất nhưng Công ty Cổ phần Cao su Sao Vàng chỉ thu về 15 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2018.
Trong những năm trước khi gặp khó khăn, Cao su Sao Vàng vẫn thu về hàng chục tỷ đồng lợi nhuận nhưng con số này luôn thấp hơn so với hãng quạt điện 54 năm tuổi.
Trong cơ cấu cổ đông, sau khi UBND TP. Hà Nội thoái toàn bộ 46,9% vốn vào đầu năm 2018, Điện cơ Thống Nhất có 2 cổ đông tổ chức đóng vai trò là cổ đông lớn gồm Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội nắm 20,98% vốn và Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Hàng không nắm 19,24%.