Theo Reuters, cuộc biểu tình diễn ra nhằm phản đối luật lao động mới cho phép chủ sử dụng lao động dễ dàng hơn trong việc tuyển dụng và sa thải lao động.
Khoảng 700 xe buýt chở người biểu tình từ khắp nơi trên toàn nước Pháp tới thủ đô Paris. Trong khi đó, tháp Eiffel đóng cửa khi các nhân viên ngừng làm việc để tham gia biểu tình. Những cuộc biểu tình nhỏ diễn ra tại các thành phố khác.
Những người biểu tình mang theo biểu ngữ phản đối. Cảnh sát buộc phải sử dụng hơi cay để giải tán đám đông tại Paris.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Pháp (CGT), cuộc biểu tình tại Paris có quy mô lớn nhất liên quan tới phản đối luật lao động cải cách. "Mọi chuyện chưa kết thúc. Cuộc đấu tranh còn kéo dài hơn nữa", lãnh đạo CGT Philippe Martinez nói.
Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Francois Hollande kiên quyết không thu hồi kế hoạch cải cách luật lao động, vốn phải được Hạ viện thông qua và đã được đem ra tranh luận tại Thượng viện hôm 13/6. Chính phủ cho rằng, luật lao động mới sẽ có lợi cho nền kinh tế đất nước và hạ thấp tỷ lệ thất nghiệp. Luật mới được kỳ vọng sẽ chính thức có hiệu lực vào tháng 7.
Cảnh sát trấn áp những người biểu tình tại Paris để phản đối luật lao động. Ảnh: Reuters |
Sau vụ đụng độ bạo lực giữa cảnh sát chống bạo động và nhóm thanh niên đeo mặt nạ trong các cuộc biểu tình trước đó, 130 đối tượng gây rối đã bị cấm tới trung tâm Paris để hạn chế nguy cơ các vụ đụng đổ xảy ra.
Cảnh sát Pháp hôm 24/5 cũng phải sử dụng hơi cay và vòi rồng để giải tán những người biểu tình trong vụ đụng độ tại nhà máy lọc dầu và kho nhiên liệu ở Fos-sur-Mer, bên bờ Địa Trung Hải gần thành phố Marseille.
Cuộc bạo động với sự tham gia của hàng nghìn người diễn ra trong bối cảnh lực lượng an ninh Pháp đang phải căng mình đảm bảo an toàn cho sự kiện thể thao lớn nhất châu lục. Khoảng 90.000 cảnh sát, binh sĩ quân đội và lực lượng Hiến binh đã được huy động để đảm bảo an ninh cho Euro 2016 trong bối cảnh các tổ chức khủng bố lăm le tấn công phương Tây.
Lực lượng tình báo Pháp và các nước châu Âu đều xác định các tổ chức khủng bố, bao gồm lực lượng tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) chọn Euro 2016 làm mục tiêu tấn công dù chưa âm mưu cụ thể nào được phát hiện. Công tác an ninh quanh các sân vận động và khu vực dành cho người hâm mộ được tăng cường nhằm giảm thiểu nguy cơ bị tấn công.
Hiện tại, Pháp vẫn trong tình trạng khẩn cấp, được lập sau chuỗi vụ khủng bố làm 130 người thiệt mạng tháng 11/2015. Dự kiến tình trạng này sẽ kéo dài tới cuối tháng 7, sau khi Euro 2016 và giải đua xe đạp lừng danh Tour de France kết thúc. Tình trạng khẩn cấp cho phép cảnh sát Pháp khám xét mà không cần lệnh của tòa.