Hàng nghìn người Pháp biểu tình phản đối cải cách của TT Macron
Chủ nhật, 27/5/2018 13:08 (GMT+7)
13:08 27/5/2018
Ngày 26/5, hàng chục nghìn người trên toàn nước Pháp xuống đường biểu tình phản đối chính sách cải cách kinh tế của Tổng thống Macron.
Cuộc biểu tình, do 60 công đoàn, đảng chính trị và các hiệp hội tổ chức, thể hiện sự giận dữ đối với chính sách được cho là thiên vị người giàu của Tổng thống Pháp Emmanuel
Macron. Chính sách mới của ông bao gồm cắt giảm thuế cho người có của cải, áp nhiều thuế hơn đối với người thất nghiệp, thay đổi hệ thống giáo dục đại học và siết chặt luật nhập cư. Ảnh: Reuters.
Bộ Nội vụ ước tính hơn 93.000 người biểu tình tại 142 địa điểm trên cả nước, tuy nhiên Tổng Liên đoàn Lao động cánh tả công bố số lượng người tham gia là 250.000 người. Trong ảnh, cuộc biểu tình của tầng lớp lao động diễn ra tại thành phố Nantes ngày 26/5. Ảnh: AFP.
Trước đó, lực lượng lao động trong khu vực dịch vụ công từ người quét đường, giáo viên đến nhân viên ngành đường sắt đã đồng loạt đình công vào ngày 22/5. Lãnh đạo cánh tả Jean-Luc Melenchon lên tiếng: "Tổng thống Emmanuel Macron phải lắng nghe tiếng nói của dân. Nhân danh người nghèo, người vô gia cư, những thợ mỏ bị bỏ rơi, chúng tôi tuyên bố: Quá đủ rồi!". Ảnh: Local France.
Tuy nhiên, tổng thống Pháp đã tuyên bố trong chuyến thăm Nga rằng các cuộc biểu tình “sẽ không ngăn được” tiến trình của ông và cũng không gì có thể ngăn được cải cách kinh tế. Ảnh: AFP.
Theo AFP, 43 người đã bị bắt tại Paris. Cảnh sát cho hay nhiều người biểu tình mang theo vũ khí và có hành vi bạo lực. Những người biểu tình trùm mũ đen ném chai nhựa và đồ vật vào cảnh sát. Ảnh: AFP.
Chính quyền đã phải sử dụng hơi cay sau khi 7 sĩ quan cảnh sát bị thương. Theo AP, hơn 1.500 sĩ quan cảnh sát được điều động tại thủ đô Paris nhằm ngăn chặn bạo động, không để xảy ra thiệt hại như những vụ việc trước. Trong cuộc biểu tình ngày Quốc tế Lao động hồi đầu tháng, những người biểu tình đeo mặt nạ đã đập phá các cửa hiệu và đốt cháy ôtô trên phố. Ảnh: AP.
Người biểu tình giơ khẩu hiệu "Tất cả đều bị bóc lột", đòi công bằng xã hội tại Paris. Các nhóm hoạt động về dân quyền, liên đoàn lao động và đảng chính trị cánh tả đều kêu gọi người dân xuống đường đòi quyền lợi.
Ảnh: AP.
Pháp là một trong những nước có khu vực dịch vụ công lớn nhất tại châu Âu. Từ những năm 1970, nước này đã không cân đối ngân sách, dẫn đến nợ công tương đương với gần 100% GDP. Nhiều liên đoàn trong nước lên án tổng thống muốn phá bỏ khu vực kinh tế này trong khi đây là nguồn cung việc làm thiết yếu và là trụ cột trong đời sống cộng đồng trên cả nước. Ảnh: AFP.
Trong một năm làm tổng thống, ông Emmanuel Macron gây nhiều tiếng vang trên chính trường thế giới. Tuy nhiên tại nước Pháp, ông không nhận được nhiều sự ủng hộ từ các cử tri.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hoan nghênh sự trỗi dậy của Trung Quốc nhưng khẳng định không chấp nhận "bá quyền" với những hành động đi ngược lại luật pháp quốc tế.