Ông Macron từng "gây bão" vì tình bạn bất ngờ với Tổng thống Trump, vì tuyên bố chống lại "bá quyền" của Trung Quốc trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và nhiều bài phát biểu bảo vệ những giá trị dân chủ tại châu Âu và phương Tây. Mối tình của ông với đệ nhất phu nhân Brigitte Macron cũng khiến cả thế giới ngưỡng mộ.
Tuy nhiên tại quê nhà, ông không nhận được nhiều sự tín nhiệm. Vài tuần qua, nước Pháp đã chứng kiến hàng loạt cuộc biểu tình chống lại chính sách cải cách kinh tế của ông. Cao điểm là vào ngày 5/5, khoảng 40.000 người đã tuần hành quanh quảng trường Bastille nhằm phản đối vị đương kim tổng thống.
Nhiều người cho rằng ông đang dẫn dắt nước Pháp noi theo Mỹ khi chỉ tập trung vào vấn đề lợi nhuận mà không quan tâm đến lợi ích của tầng lớp lao động.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Reuters. |
Nhà lãnh đạo nổi tiếng thế giới
Trong bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ ngày 25/4, Tổng thống Macron thách thức chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa dân tộc của quốc gia này, chỉ trích chính sách "nước Mỹ trên hết" của ông Trump, đồng thời kêu gọi cường quốc này chú ý hơn về vấn đề môi trường.
"Chúng ta có thể lựa chọn chủ nghĩa biệt lập, chủ nghĩa dân tộc và sự rút lui. Nhưng việc đóng cửa với thế giới sẽ không ngăn cản được cách thế giới vận chuyển và tiến bộ", tổng thống Pháp nói bằng thứ tiếng Anh được New York Times nhận xét là "gần như hoàn hảo".
Trên Twitter, ông nhận được sự ủng hộ của hàng triệu người hâm mộ trên toàn thế giới vì phát biểu "nhại" lại tuyên ngôn "làm nước Mỹ vĩ đại hơn" của Tổng thống Trump trong chiến dịch tranh cử năm 2016: "Chúng ta hãy cùng hợp tác vì một hành tinh vĩ đại hơn và tạo ra nhiều cơ hội việc làm khi bảo vệ Trái Đất".
Hình ảnh "gây bão" vì độ thân mật giữa Tổng thống Macron và Thủ tướng Canada Trudeau. Ảnh: Getty. |
Vị tổng thống trẻ tuổi nhất nước Pháp đã cẩn thận xây dựng hình ảnh một chính trị gia thân thiện khi tạo mối quan hệ thân mật với nhiều lãnh đạo. Ông ôm Thủ tướng Đức Angela Merkel, chụp hình với Thủ tướng Canada Justin Trudeau trên một ban công hướng ra biển Địa Trung Hải, chào đón Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Cung điện Versailles và nắm tay Tổng thống Donald Trump trong chuyến công du đến Mỹ.
Ông dần trở thành nhà lãnh đạo lên tiếng đại diện cho cả châu Âu và tỏ ra năng nổ trong công cuộc tìm lại vị trí trước đây cho nước Pháp trên chính trường quốc tế sau một giai đoạn nhạt nhòa dưới thời tổng thống François Hollande.
Không được ủng hộ tại quê nhà
Tuy nhiên tại Pháp, mọi thứ đối với ông Macron không hề đơn giản. Người phản đối xem ông như nhà lãnh đạo độc tài, phe cánh tả khắc họa ông với hình ảnh vị "tổng thống của người giàu" vì chính sách cắt giảm thuế cho người có của cải.
Vừa qua, chính quyền của ông Macron cũng bắt đầu áp nhiều thuế hơn đối với người thất nghiệp, thay đổi hệ thống giáo dục đại học và siết chặt luật nhập cư - những chính sách nhận được nhiều sự phản đối.
Người biểu tình đeo mặt nạ của ông Macron và phu nhân trong cuộc diễu hành đòi cải thiện chế độ lao động. Ảnh: AFP. |
"Một năm qua, những gì mà ông Macron đạt được là vô số cuộc biểu tình chống đối. Vị tổng thống cho rằng nước Pháp cần sự thay đổi, nhưng chúng ta cũng cần chăm lo cho đời sống của người dân", ông Philippe Martinez, người đứng đầu Tổng Liên đoàn Lao động CGT cho biết.
Tổng thống Macron cho rằng những cải cách về kinh tế của ông sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư từ nước ngoài, đồng thời giúp nền kinh tế Pháp cạnh tranh với thị trường thế giới sau nhiều năm ngưng trệ và thụt lùi. Tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng các thay đổi này ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động khi chính phủ cắt giảm ngân sách hỗ trợ.
Ngày 2/5, Đài Truyền hình Quốc gia Pháp công bố kết quả một cuộc thăm dò dư luận về tỷ lệ ủng hộ đối với Tổng thống Emmanuel Macron và chính phủ Pháp trên hơn 1.000 người dân. Kết quả cho thấy chỉ có 36% người được khảo sát cảm thấy hài lòng, trong khi 64% cho biết họ thất vọng về những gì Tổng thống Macron đã làm trong gần 1 năm qua, 28% trong số đó cho rằng họ "rất thất vọng".