- Không khí đêm giao thừa đông vui nhất ở TP.HCM. Hà Nội và các địa phương khác khá vắng.
- Năm nay, cả nước không bắn pháo hoa. Các lễ hội truyền thống dịp Tết chỉ tổ chức phần nghi lễ, dừng hoạt động hội.
-
Người dân TP.HCM tiếp tục đổ về đường hoa Nguyễn Huệ
Hơn 23h, dù phố đi bộ Nguyễn Huệ đã ngưng nhận khách nhưng hàng nghìn người dân vẫn đổ về vui chơi. Các gian hàng ăn vặt, tiểu cảnh chụp hình vần đông kín du khách.
Một số người sau khi đóng cửa đường hoa vẫn chưa đi về, ngồi lại trước thềm Kho Bạc Nhà Nước TPHCM. Đôi bạn Hiền và Hương khá tiếc nuối vì đến muộn không kịp vào đường hoa. Hiền quyết định ngồi lại tới khi qua giờ giao thừa mới đi về
Ảnh: Quỳnh Danh - Chí Hùng
-
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc tết Đảng bộ, nhân dân Hà Nội
Trước giao thừa, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến trụ sở Thành ủy Hà Nội để chúc Tết cán bộ thành ủy, UBND và đại biểu nhân dân thủ đô.
Thay mặt cho lãnh đạo Trung ương và với tình cảm cá nhân, Tổng bí thư chúc thủ đô một năm mới thành công toàn diện, đi đầu trên các lĩnh vực, xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế.
Ảnh: Viết Thành.
-
Một số cửa hàng kinh doanh trên phố Chả Cá (Hà Nội) làm lễ sớm rồi dọn dẹp về nhà đón Tết.
Ảnh: Đức Anh.
-
Người dân Hà Nội sắp lễ cúng giao thừa
Ông Vĩnh Quang (phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) tất bật sắp đồ bày mâm lễ cúng giao thừa từ 22h. Nhà ở trong ngõ nên ông thường cúng bên ngoài.
“Năm nào tôi cũng chuẩn bị từ sớm để có thời gian sắp xếp cho đầy đủ trước thời khắc giao thừa. Năm nay không khí Tết ảm đạm hơn nhiều so với các năm trước nhưng mâm lễ cúng vẫn phải có đủ những thứ cần thiết”, ông Quang chia sẻ.
Ảnh: Đức Anh.
-
Người trẻ nhà sớm đón giao thừa với gia đình
Linh và Huyền (Đông Anh, Hà Nội) theo bố sang phố cổ dạo chơi đêm giao thừa. Linh cho biết do năm nay không bắn pháo hoa nên hai em sẽ về nhà trước 12h để đón tất niên tại gia đình.
Trong khi đó, anh Việt đưa vợ và hai con gái đi chơi tại phố đi bộ Phùng Hưng. Theo anh, một số đường phố ở khu vực trung tâm khá đông do nhiều người ở các tỉnh không về quê mà ở Hà Nội đón Tết.
Ảnh: Việt Linh.
-
Người dân phải rời đường hoa Nguyễn Huệ sớm
Hơn 22h, ban tổ chức đường hoa Nguyễn Huệ thông báo đã hết giờ mở cửa. Hàng nghìn người dân được bảo vệ phát loa thông báo yêu cầu ra về.
Ảnh: Chí Hùng.
-
Mua mía đón giao thừa
Thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) không khí vắng vẻ hơn mọi năm, trời lạnh, khoảng 11-16 độ. Một số nơi như đỉnh Cao Ba Lanh (huyện Bình Liêu), đỉnh Yên Tử (TP Uông Bí) có nhiệt độ 9-14 độ.
"Tôi mua mía để lấy lộc đầu năm về với gia đình. Năm nay tuy buồn do thành phố không bắn pháo hoa nhưng cả gia đình chúng tôi quây quần bên gia đình. Tôi dự định giao thừa xong sẽ đi chùa Long Tiên để cầu may mắn cho cả gia đình", anh Vinh trú phường Hồng Gai chia sẻ
Ảnh: Quốc Nam.
Người dân Hạ Long đi chùa từ sớm
Chưa đến giao thừa nhưng người dân đã đi đến chùa Long Tiên, phường Bạch Đằng, để cầu may mắn cho năm mới. Chùa Long Tiên nằm dưới chân núi Bài Thơ, đây là ngôi chùa lớn nhất Hạ Long, nổi tiếng linh thiêng. Do dịch bệnh Covid-19 người dân vào lễ chùa phải đo nhiệt độ, khai báo y tế và đeo khẩu trang.
-
Hội An đón nhiều du khách dịp năm mới
Tại Hội An (Quảng Nam), thời tiết se lạnh, có mưa nhẹ. Càng về khuya, lượng người đổ về càng đông. Dịch vụ chèo thuyền dọc sông Hoài thu hút khách du lịch. Giá dịch vụ vẫn không thay đổi.
Ảnh: Chí Hùng.
-
Hà Tĩnh ra quân ngăn đốt pháo nổ
Lúc 22h, các đường phố ở khu vực TP Hà Tĩnh (Hà Tĩnh) vắng người qua lại. Trao đổi với Zing, thiếu tá Nguyễn Quốc Hùng, Trưởng công an TP Hà Tĩnh (Hà Tĩnh), cho biết đơn vị đã huy động hơn 1.500 cán bộ, chiến sĩ đảm bảo an ninh trật tự, ngăn chặn đốt pháo nổ ở các hộ dân đêm giao thừa Tết Nhâm Dần 2022.
"100% lực lượng đơn vị sẽ phối hợp với dân quân, cán bộ chính quyền địa phương để tổ chức chốt chặn hàng chục điểm, dọc các tuyến đường để tuần tra, kiểm soát, tập trung ngăn chặn đốt pháo nổ và gây rối trật tự công cộng đêm giao thừa”, thiếu tá Hùng nói.
Ảnh: Phạm Trường.
22h50, một số người dân có mặt tại khu vực Quảng trường TP Hà Tĩnh để chụp ảnh trước thời khắc giao thừa bắt đầu ra về khi trời đổ mưa. "Lâu lắm mới về lại quê nên muốn các con đi chơi đêm giao thừa nhưng tiếc khi trời mưa lạnh", anh Tùng (42 tuổi, trú TP Hà Tĩnh) chia sẻ.
Trước thời khắc giao thừa Nhâm Dần 2022, một số khu vực ở TP Hà Tĩnh đã xuất hiện tiếng pháo nổ. Công an địa phương đang túc trực để phát hiện, xử lý trường hợp vi phạm.
Ảnh: Phạm Trường.
-
"Cựu Nam Tào" ngồi xem đồng nghiệp diễn Táo Quân qua màn ảnh nhỏ
Ghi nhận của Zing, nhiều bạn trẻ năm nay không ra đường đón giao thừa do trời rét và không có pháo hoa. "Mình ở nhà xem chương trình Táo quân và cùng gia đình đón năm mới", Nguyễn Phan Đức (27 tuổi) nói.
Trong khi đó, NSƯT Xuân Bắc chia sẻ lên mạng xã hội trải nghiệm năm đầu tiên xem chương trình Táo Quân mà không có sự tham gia của chính mình.
-
Người dân phải rời khỏi đường hoa Nguyễn Huệ trước 22h
Đến 21h50, lực lượng chức năng yêu cầu mọi người giải tán ở 2 cửa vào đường hoa Nguyễn Huệ (TP.HCM) để chuẩn bị đóng cửa lúc 22h.
Xung quanh phố đi bộ Nguyễn Huệ, hàng nghìn người dân vẫn đồ về đây vui chơi, tham quan. "Dù biết năm nay thành phố không tổ chức bắn pháo hoa nhưng mình cùng nhóm bạn vẫn ra đây để dạo mát và tận hưởng thời khắc chuyển giao của năm mới", Nguyễn Thị Trà My (TP Thủ Đức) chia sẻ.
Ảnh: Chí Hùng - Quỳnh Danh.
-
Hồ Gươm vắng người qua lại
Lúc 21h30, khu vực tượng đài Lý Thái Tổ (Hà Nội) gần Hồ Gươm vắng bóng người qua lại. Nhiệt độ ngoài trời lúc này là 12 độ C, rét đậm.
-
Người dân TP.HCM du xuân trên xe buýt 2 tầng
Lúc 9h30, đoạn đường Đồng Khởi giao với Lê Thánh Tôn (quận 1, TP.HCM) ken đặc xe cộ. Các phương tiện di chuyển khó khăn.
Một số người lựa chọn xe buýt 2 tầng tham quan thành phố để tránh kẹt xe. Bạn Mai (áo trắng) cho biết đây là lần đầu trải nghiệm loại hình dịch vụ này, mang cảm giác mới lạ trong quá trình di chuyển.
Ảnh: Chí Hùng.
-
Trên mạng xã hội, nhiều người chia sẻ về những khoảnh khắc chiều cuối năm và không khí của buổi tất niên.
Anh Phạm Công Sơn (Hạ Long, Quảng Ninh) chia sẻ thời tiết ở thành phố biển lúc này không mưa nhưng rét. "Nhiều bạn trẻ vẫn ra đường đón năm mới, không khí đang náo nhiệt dần mặc dù năm nay không có pháo hoa", anh Sơn nói.
-
Xe cộ hướng về đường hoa Nguyễn Huệ
20h30, phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TPHCM) đông đúc người dân tới tham quan, du xuân. Các tuyến đường dẫn về trung tâm thành phố như Tôn Đức Thắng, Đồng Khởi, Hàm Nghi luôn trong tình trạng chật kín xe cộ.
Ảnh: Quỳnh Danh.
-
Hà Nội rét 11-12 độ
Tối 31/1 (29 Tết), đường phố trung tâm Hà Nội vắng vẻ hơn mọi năm. Các tuyến phố hướng về trung tâm không xảy ra tình trạng ùn tắc, người dân có thể lưu thông dễ dàng.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm nay Hà Nội không tổ chức bắn pháo hoa, lượng người dân ra đường cũng vắng vẻ hơn. Thời tiết đêm giao thừa ở thủ đô khá lạnh, nền nhiệt chỉ khoảng 11 độ C, thi thoảng xuất hiện mưa phùn nhẹ.
“Dù tình hình dịch bệnh có căng thẳng nhưng giao thừa vẫn là một thời khắc ý nghĩa trong năm. Vì thế tôi muốn cùng đại gia đình ra đường vui chơi, tận hưởng không khí xuân trong đêm nay”, chị Loan (Hà Đông) chia sẻ.
Ảnh: Việt Linh.
-
-
Người dân TP.HCM tập trung đông ở đường hoa Nguyễn Huệ
Cả nước đang trải qua cái Tết Nguyên đán thứ 3 sống chung với dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, đây cũng là Tết đầu tiên Việt Nam đạt được tỷ lệ tiêm vaccine cao, là cơ sở để Chính phủ cho phép khôi phục các hoạt động tập trung đông người trong dịp Tết.
Người dân thủ đô đổ về các chợ hoa xuân và trung tâm thương mại ngày cuối cùng của năm Tân Sửu để mua sắm. Nhiều tuyến đường trong khu phố cổ kẹt cứng vì người dân đi sắm Tết.
Tại TP.HCM, không khí Tết tràn ngập khi các biện pháp hạn chế đi lại đã được gỡ bỏ. Người dân thoải mái đến chợ hoa tết, trung tâm thương mại và rạp chiếu phim trong dịp cuối năm. Người dân thành phố có thể du xuân tại những địa điểm như Hội Đèn Hoa Xuân ở quận 5, Đường hoa Nguyễn Huệ, Đường sách Tết Nhâm Dần tại quận 1. Với nhiều hoạt động được tổ chức, CSGT đã chuẩn bị phương án phân luồng, giảm ùn tắc giao thông.
Ảnh: Chí Hùng.